|
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Khánh Duy) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm, bởi nó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu và cũng đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam - 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.
Trên thế giới, trong những năm gần đây, BĐKH thường đề cập tới sự thay đổi khí hậu, được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
Nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1 độ C chỉ trong 3 năm, qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn...
Tất cả những điều ấy đã khiến BĐKH trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng, chưa bao giờ cư dân "Hành tinh xanh" phải gánh chịu hậu quả của BĐKH lớn như thời đại ngày nay.
|
TS. Trần Ngọc Diễn -Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, điều hành hội thảo (Ảnh: Khánh Duy)
|
Ở Việt Nam, dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm.
Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chỉ tính riêng năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền trong cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng..., gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm gần 300 người chết và mất tích.
|
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Khánh Duy)
|
Theo PGS.TS Phạm Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp – nhiệt độ tăng lên ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học. Đối với sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi và mùa vụ có thể thay đổi, đòi hỏi phải thay đổi kỹ thuật canh tác.
“Sự biến đổi của nhiệt độ, lượng mưa cùng với các yếu tố thời tiết khác làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp và an ninh lương thực. Sự gia tăng nhiệt độ còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, du lịch, thương mại...” – ông Đồi cho hay.
Theo TS. Bùi Tôn Hiến – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ công chức LĐXH – BĐKH gây ra nhiều hiện tượng cực đoan như thời tiết thất thường, nắng nóng, lạnh, hạn hán, bão, lụt, lũ quét và sạt lở đất v.v…
Tác động của BĐKH có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, tức thời hoặc lâu dài, gây ra những tổn thất về con người và tài sản, trong đó đối tượng yếu thế trong xã hội là những người sẽ phải chịu nhiều tác động nhất và hậu quả nặng nề hơn cả.
Trong bối cảnh đó, công tác xã hội (CTXH) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững và là một giải pháp được sử dụng để ứng phó với BĐKH. CTXH với người nghèo nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ đối mặt, vượt qua những rủi ro như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn…
Bên cạnh đó, còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản.
“Các tổ chức, cá nhân làm CTXH cần phải có và được trạng bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoạt động CTXH. Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực và nghề CTXH có liên quan đều phải có nhận thức đầy đủ, kiến thức đầy đủ về nhận biết các rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, những tiềm ẩn rủi ro dài hạn, nguy cơ và các mối nguy hại tiềm ẩn trực tiếp, gián tiếp và các biện pháp, hoạt động trợ giúp xã hội đối với các nhóm đối tượng yếu thế” – ông Tôn nêu quan điểm.
Trong những năm qua, việc tuyên truyền về nghề CTXH nói chung, CTXH trong thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng đã có nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền được thực hiện có hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về CTXH và BĐKH.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại. Việc tuyên truyền về nghề CTXH vẫn còn dàn trải, chưa có nhiều tác phẩm tổng kết, nghiên cứu sâu sắc. Số lượng, chất lượng và tính chất các sản phẩm truyền thông còn hạn chế làm cho một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của vấn đề này.
“Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTXH thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay” – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho hay.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tham vấn từ các nhà khoa học, giới chuyên gia và các nhà quản lý về các vấn đề liên quan. Đây là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin về các vấn đề cấp thiết trong CTXH nhằm ứng phó với BĐKH theo kịp với yêu cầu và nhiệm vụ mới của Đảng, Nhà nước về chủ động ứng phó với BĐKH đã nêu ra.