Vaccine Pfizer COVID-19 có thể được bảo quản trong tủ lạnh tối đa một tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech được bảo quản ở nhiệt độ tủ đông tiêu chuẩn trong tối đa 1 tháng.
Vaccine của Pfizer có thể đượ bảo quản trong tủ lạnh tối đa 1 tháng (Ảnh: Reuters)
Vaccine của Pfizer có thể đượ bảo quản trong tủ lạnh tối đa 1 tháng (Ảnh: Reuters)

Theo đó, các lọ vaccine đã rã đông chưa mở có thể được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tối đa 1 tháng, tăng so với giới hạn tối đa trước đó là 5 ngày.

Trước đó vào tháng Hai, cơ quan y tế Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bảo quản và vận chuyển vaccine ở nhiệt độ tủ đông tiêu chuẩn trong tối đa 2 tuần thay vì điều kiện cực lạnh.

Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu Sinh học của FDA cho biết: “Sự thay đổi này sẽ cho phép phổ biến rộng rãi loại vaccine này hơn cho công chúng ở Mỹ, nhờ tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà cung cấp vaccine tiếp nhận, lưu trữ và quản lý vaccine”.

Sự thay đổi này đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở toàn cầu và vùng sâu vùng xa của Hoa Kỳ, nơi có cơ sở hạ tầng vận chuyển và lưu trữ chưa tốt.

Vào rạng sáng 20/5, Bộ Y tế Canada cũng cho biết họ đã chấp thuận việc bảo quản vaccine ở nhiệt độ lạnh tiêu chuẩn trong tối đa 1 tháng, để sự linh hoạt hơn trong kế hoạch phân phối.

Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020 với nhãn dán yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ từ -80ºC đến -60ºC (-112ºF đến -76ºF), có nghĩa là nó phải được vận chuyển trong các thùng chứa được thiết kế đặc biệt.

Đây sẽ là thông tin tích cực đối với Việt Nam, bởi theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan đã thống nhất đề xuất mua 31 triệu liều vaccine của Pfizer trong quý 2 năm nay.

Ngày 20/5, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết đang tiếp tục trình chính phủ phê duyệt kế hoạch thành lập quỹ 25,2 nghìn tỉ đồng (1,1 tỉ USD) để mua 150 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân. Kế hoạch hiện đang chờ phê duyệt và dự kiến sẽ sử dụng tiền chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Sau thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 vào năm ngoái, Việt Nam đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới với tốc độ lây lan nhanh hơn, ghi nhận 1.677 ca mắc kể từ cuối tháng 4, trong đó có hàng trăm công nhân nhà máy ở các tỉnh phía Bắc.

Tỉnh Bắc Giang, tâm chấn của đợt bùng phát, trong tuần này đã tạm thời đóng cửa 4 khu công nghiệp, trong đó có 3 cơ sở sản xuất thuộc tập đoàn Foxconn của Đài Loan do phát hiện nhiều ca mắc mới. Theo số liệu thống kê, Việt Nam đã báo cáo 4.720 ca mắc kể từ khi bắt đầu đại dịch, với 37 trường hợp tử vong.

Bộ Tài chính cho biết vaccine thu được thông qua quỹ sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho 75 triệu người, trong tổng số 98 triệu dân của Việt Nam. Thêm rằng chỉ riêng chi phí mua vaccine sẽ lên tới 21 nghìn tỉ đồng, phần còn lại sẽ dành cho việc vận chuyển, lưu trữ và tiêm chủng.

Việt Nam đã tiêm chủng cho khoảng một triệu người kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vào tháng 3. Cho đến nay, cả nước đã nhận được 2,61 triệu liều vaccine COVID-19, chủ yếu thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX.