Chạy đua với Trung Quốc, Mỹ sắp quyên góp 80 triệu liều vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập kế hoạch phân phối khoảng 80 triệu liều vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, số lượng phân phối vượt qua mức đóng góp của Nga và Trung Quốc.
Thêm 20 triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sẽ được thêm vào lượng quyên góp sẵn có (Ảnh: Reuters)
Thêm 20 triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sẽ được thêm vào lượng quyên góp sẵn có (Ảnh: Reuters)

Trong một bài phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho biết: "Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc Nga và Trung Quốc có ảnh hưởng trên thế giới về vaccine. Chúng tôi muốn dẫn đầu thế giới bằng các giá trị của mình. Cũng giống như trong Thế chiến II, Mỹ là kho vũ khí của nền dân chủ, thì đến nay trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đất nước chúng tôi sẽ trở thành kho chứa vaccine cho phần còn lại của thế giới”.

Tổng thống Biden đã cam kết gửi 20 triệu liều vaccine các loại do Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sản xuất - được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt - đến các quốc gia có nhu cầu, bên cạnh 60 triệu liều do AstraZeneca sản xuất trước đó dự kiến ​​sẽ được vận chuyển sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận.

"Đây sẽ là số lượng vaccine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào đã thực sự chia sẻ cho đến nay, gấp 5 lần các quốc gia khác, nhiều hơn cả Nga và Trung Quốc" – ông Biden nói.

Ông thêm rằng: "Chúng tôi sẽ không sử dụng vaccine của mình để tranh thủ sự ủng hộ từ các quốc gia khác", nhắc lại luận điểm mà nhiều người trong chính quyền của ông, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken, đã dùng để cảnh báo các quốc gia nhận viện trợ vaccine từ Trung Quốc.

Theo hãng Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, cho đến ngày 17/5, Trung Quốc đã viện trợ tổng cộng 17,4 triệu liều vaccine của Sinopharm và Sinovac cho các quốc gia có nhu cầu, trong tổng số 651 triệu liều vaccine mà hai công ty đã bán ra nước ngoài cho đến nay.

Tổng thống Biden đã giao nhiệm vụ giám sát phân phối vaccine ra nước ngoài cho ông Jeff Zient, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Nhà Trắng, thay vì giới chức trong Hội đồng An ninh Quốc và các cơ quan liên bang khác. Bên cạnh đó, Gayle Smith, một quan chức Bộ Ngoại giao, người từng chỉ huy công tác phòng chống Ebola dưới thời Tổng thống Barack Obama, cũng sẽ làm việc với ông Zient.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết nhóm sẽ làm việc để đóng góp vaccine cho Chương trình Covax – do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu – một kế hoạch nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng các chủng vaccine COVID-19 cho những người có nguy cơ cao trên thế giới.

Việc hợp tác phân phối vaccine được xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể đầu tiên của Bộ Tứ (QUAD) – Liên minh không chính thức gồm các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – kể từ cuộc gặp vào tháng Ba giữa ông Biden và các nhà lãnh đạo ba nước.

Nhóm này đã liên kết việc cứu trợ vaccine của Mỹ với "các giá trị dân chủ" trong cuộc khai mạc hội nghị thượng đỉnh, một cuộc họp trong đó bốn nhà lãnh đạo kêu gọi tự do hàng hải và hàng không là các mục tiêu quan trọng ở Biển Đông và các vùng biển phía đông Trung Quốc, ngay khi Washington phải đối mặt với những lời chỉ trích.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 17/5 cho biết một nhóm liên cơ quan vẫn đang xem xét về việc quốc gia nào sẽ nhận được vaccine đầu tiên của Mỹ thông qua cơ chế Covax.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng Giêng, chính quyền ông Biden đã tham gia vào Cơ chế Covax cũng như dành 4 tỉ USD tài trợ cho bên điều phối chương trình này là Liên minh vaccine Gavi. Anh, Canada, Đức, Arab Saudi và Nhật Bản là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ chương trình và dự định tài trợ vaccine cho 92 quốc gia nghèo nhất thông qua quyên góp, trong khi các nước khác sẽ mua vaccine thông qua cơ chế Covax.

Theo Politico, chính quyền Biden đã nhận được hơn 40 yêu cầu tài trợ vaccine từ các quốc gia trên thế giới.