Vaccine đắt, vaccine rẻ
Tháng 8 năm ngoái, Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, Sinopharm, cho biết họ đang sắp sửa ra mắt 2 loại chủng vaccine. Theo ông Lưu Kính Trinh – Chủ tịch Sinopharm – vaccine COVID-19 do hãng này sản xuất sẽ có giá lên tới 145 USD cho 2 liều. Đây là mức giá cao nhất trên toàn thế giới, thậm chí vượt xa các chủng vaccine của phương Tây sản xuất, khiến nhiều người không khỏi cảm thấy khó hiểu.
Tuy nhiên, theo giải thích của một số chuyên gia, các hãng dược lớn trên thế giới như AstraZeneca hay Johnson & Johnson đưa ra vaccine có mức giá rẻ hơn là do vẫn duy trì nguyên tắc phi lợi nhuận truyền thống đối với vaccine COVID-19. Thêm vào đó, các hãng dược này cũng nhận được nhiều hỗ trợ tài chính của chính phủ Anh và Mỹ.
Hiện tại, loại vaccine COVID-19 có giá bán dự kiến rẻ nhất đang do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển. Vaccine của họ được bán cho chính phủ Anh với giá chỉ 4 USD/liều.
Mới đây, để có thêm sự minh bạch để giá cả vaccine COVID-19, UNICEF đã lập ra một biểu đồ chỉ ra mức giá mà các quốc gia và tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới chi để mua vaccine, dẫn dữ liệu từ các báo cáo địa phương, Reuters và tài liệu từ vô số nguồn tin khác nhau.
Có sự khác biệt về giá giữa các loại vaccine ngừa COVID-19 là do một số chủng vaccine có chi phí sản xuất đắt hơn các chủng khác. Thế nhưng cùng một loại vaccine – như vaccine của AstraZeneca, hiện được xem là chủng có giá phải chăng nhất trên thế giới – thì cũng có sự khác biệt về giá cả, tùy từng khu vực và quốc gia.
Giá mỗi nơi một khác
Bảng biểu cho thấy giá của vaccine của AstraZeneca ở mỗi nước lại một khác (Ảnh: UNICEF) |
Thực tế cho thấy giá của một chủng vaccine do một hãng sản xuất có thể dao động rất nhiều. Theo chuyên trang Biospace, giá vaccine do AstraZeneca sản xuất dao động từ 25 – 37 USD (gồm 2 liều tiêm cách nhau 28 ngày). Hay như vaccine của Moderna, có giá dao động từ 25-37 USD/liều. Vaccine của Sinovac có lẽ có mức dao động cao nhất, 2,75 USD/liều nhưng lên tới 60 USD/liều khi bán ở trong nước.
AstraZeneca hiện chưa công khai giá chính xác của vaccine mà họ sản xuất, mặc dù CEO Pascal Soriot từng liên tục đưa ra cam kết sẽ khiến nó xuất hiện trên thị trường rộng khắp “mà không có lợi nhuận trong bối cảnh đại dịch”.
Nhưng trên thực tế, có nhiều báo cáo ghi nhận về những mức giá vaccine khác nhau mà chính phủ các nước đang phải chi trả. Và cũng có nhiều trường hợp các quốc gia nghèo lại phải trả mức giá đắt hơn so với các nước giàu mặc dù sản phẩm vaccine họ mua là giống hệt nhau.
Theo hãng NPR, Nam Phi hiện chi trả mức giá 5,25 USD cho mỗi liều vaccine AstraZeneca phiên bản sản xuất tại Ấn Độ, trong khi một thỏa thuận giữa AstraZeneca với Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy người dân châu Âu chỉ phải chi 3,5 USD cho mỗi liều vaccine. Uganda thậm chí có thỏa thuận tồi tệ hơn khi phải chi 8,5 USD cho mỗi liều vaccine, theo Reuters và tổ chức Health Policy Watch.
Mặc dù sự chênh lệch giá mỗi liều chỉ là vài USD, nhưng nếu nhân con số đó lên với hàng triệu liều, thì tầm ảnh hưởng chắc chắn là không nhỏ.
Theo dữ liệu sẵn có hiện nay, mức giá của một số chủng vaccine có thể cực kỳ khác nhau. Ví dụ như giá của chủng vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược nhà nước Trung Quốc Sinopharm sản xuất có mức giá bán ở Senegal là 18,5 USD, trong khi ở ngay bên trong Trung Quốc lại có giá 44 USD, thậm chí có nơi là 72,5 USD; theo NPR.
Manuel Martin, thuộc tổ chức Bác sĩ Không biên giới, nói rằng sự chênh lệch giá vaccine này là do các nước nhỏ hơn chịu bất lợi trong các vòng đàm phán với các công ty dược phẩm, nếu so sánh với các nước lớn.
“Những quốc gia này không có sức mua hay khả năng đạt được các thỏa thuận song phương”; ông Martin nói, ngay cả khi họ giàu có. “Hiển nhiên là các nhà sản xuất nhận thấy ít hứng thú trong việc phân phối số lượng hàng (vaccine) nhỏ tới các nước nhỏ hơn là phân phối số lựng lớn tới các nước lớn hơn”.
Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine
Ngay cả COVAX cũng không công khai giá mua vaccine do các thỏa thuận pháp lý (Ảnh: Axios) |
Sáng kiến toàn cầu có tên COVAX được vận hành bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), GAVI và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng chuẩn bị Dịch bệnh (CEPI) hiện đang cố gắng trao quyền tiếp cận vaccine tới mọi người trên thế giới, cung cấp vaccine miễn phí hoặc được giảm giá tới các quốc gia đang cần.
Nhưng thậm chí ngay cả COVAX cũng không công khai giá chính xác mà họ phải trả cho mỗi liều vaccine ngừa COVID-19.
“Xét về các thỏa thuận riêng tư với các nhà sản xuất, đó (giá cả) là thông tin mà chúng tôi không có kế hoạch công khai, do bản chấp của việc thương mại này và các thỏa thuận về pháp lý” – Seth Berkley, người đứng đầu GAVI, từng nói hồi tháng 12 năm ngoái.
Thậm chí ngay cả các quốc gia thu nhập trung bình cho phép các hãng vaccine thử nghiệm lâm sàng ở nước họ cũng gặp khó khăn trong lúc đàm phán thỏa thuận với các hãng mà họ đã giúp đỡ.
Argentina từng tổ chức thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 3 cho hãng Pfizer, thế nhưng họ vẫn không thể đạt được thỏa thuận mua vaccine với công ty này. Peru cũng là nước thử nghiệm vaccine của Sinopharm, nhưng sau đó các nhà lập pháp nước này cho hay họ không hề được giảm giá khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc và giờ phải chi nhiều tiền để mua vaccine của Sinopharm.
Trong lúc giá cả vaccine dao động ghê gớm, ông Martin cảnh báo rằng sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.
“Chủng biến thể mới của COVID-19 có thể né được một số chủng vaccine, và rồi các chủng vaccine này sẽ không còn được các nước giàu có ưa chuộng nữa, và chúng sẵn có hơn” – ông Martin nói – “Và thế là chúng ta có sự bất bình đẳng xét về chất lượng và sự đầy đủ vaccine giữa các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển”.