Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng

Trong phiên họp cho ý kiến về Dự án Luật An ninh mạng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ngoài việc rà soát để tránh chống chéo, trùng lắp cũng cần phân tích sâu sắc thực trạng an ninh mạng để thuyết phục sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật An ninh mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận tại buổi họp. Ảnh: CTT Quốc hội

Thông tin từ Cổng thông tin Quốc hội, chiều 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật An ninh mạng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ,

Dự thảo Luật an ninh mạng gồm 7 chương, 61 điều quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật an ninh mạng như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành luật này là cần thiết và không chỉ xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động bảo vệ An ninh quốc gia, mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết hoặc tham gia. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật khác liên quan. Theo đó, cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong dự thảo Luật về an ninh mạng.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật do Chính phủ trình. Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị bảo đảm đầy đủ các loại tài liệu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (năm 2017). Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, thiết kế lại Tờ trình và bổ sung đánh giá tác động trong hồ sơ cho phù hợp.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Luật An ninh mạng vì hiện nay, không gian mạng cũng là môi trường dễ bị các loại đối tượng tấn công hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đánh giá cao tầm quan trọng của Luật, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải rà soát lại các quy định của dự thảo Luật để đồng bộ, tránh chống chéo, trùng lắp với các quy định của Hiến pháp và các dự án Luật khác; đồng thời, cần phân tích sâu sắc hơn thực trạng an ninh mạng hiện nay để thuyết phục hơn sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các quy định liên quan đến hạn chế quyền con người thì phải quy định cụ thể tại Luật này chứ không giao Chính phủ quy định. Về các quy định như hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cần được quy định cụ thể hơn, tránh chung chung.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Luật này rất quan trọng. Tuy nhiên Luật này liên quan đến rất nhiều văn bản Luật đã ban hành như Bộ Luật hình sự, Luật an toàn thông tin mạng, Luật cơ yếu, Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ thông tin… Vì vậy, cần rà soát kỹ các quy định để tránh chồng chéo, trùng lắp với các Luật khác. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong dự thảo Luật về an ninh mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, nếu như Luật này ban hành thì liệu có đủ lực lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng như quy định của Luật không? Nguồn nhân lực cho an ninh mạng nên được quy định cụ thể hơn để dễ triển khai trên thực tế, trong đó cần có những quy định cụ thể khi sử dụng lực lượng, có chính sách đặc thù cho những người giỏi về công nghệ thông tin.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cho rằng dự án Luật An ninh mạng cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật rất khó, nhiều nội dung phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn kinh nghiệm của các nước để xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, điều quan trọng nhất trong dự án Luật này là phải phân định được nội hàm an ninh mạng và an toàn thông tin mạng. Do vậy, cần làm rõ khái niệm an ninh mạng trong dự thảo Luật.

Theo ICTNews 
http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-an-ninh-mang-158687.ict