Trong tài liệu gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật An ninh mạng, Bộ Công an cho biết, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với công tác an ninh mạng.
Bộ Công an dẫn chứng, hàng năm hệ thống mạng thông tin nước ta phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng và là tiền đề để thực hiện các hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật.
Trong khi đó, khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động. Tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.
Những hậu quả có thể gây ảnh hưởng xấu tới an ninh quốc gia, gây ra thảm họa như gây rối loạn hoạt động vận hành hàng không, điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống vận hành cơ sở hạt nhân, hệ thống điều khiển và xử lý tự động của các hệ thống phòng không, các cơ sở công nghiệp trọng yếu.
An ninh mạng phải thể hiện được trách nhiệm bảo vệ tổ quốc
Gửi văn bản góp ý, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng phù hợp với mục tiêu, quan điểm lãnh đạo của Đảng.
Theo Bộ Quốc phòng, an ninh mạng là thành tố không thể tách rời của an ninh quốc gia nên dự thảo Luật An ninh mạng phải bám sát các nội dung, quy định của Luật An ninh quốc gia năm 2004.
Quốc phòng cùng với an ninh quốc gia là hai nội dung quan trọng của bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Trong đó, “Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” và “Công an nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Chính vì thế, Bộ Quốc phòng đề nghị nghiên cứu lược bỏ các nội dung đã được đề cập trong các luật trên, với quan điểm tránh gây phức tạp cho đối tượng áp dụng, hạn chế chồng dẫm lên chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành và bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của xã hội.
Phản hồi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khẳng định luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng.
Không gian mạng đã bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh mạng là thuật ngữ thế giới đã thống nhất sử dụng, không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực an ninh quốc gia trên không gian mạng, trật tự an toàn xã hội (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trộm cước viễn thông...), mà còn là lĩnh vực học thuật (trong các cơ sở đào tạo), lĩnh vực nghiên cứu (tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tiêu chuẩn, quy chuẩn...), lĩnh vực triển khai để bảo vệ hệ thống thông tin, thông tin.
“Do đó, nếu dự thảo Luật An ninh mạng chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng sẽ không đáp ứng được yêu cầu của tình hình an ninh mạng, không thể hiện được trách nhiệm chung của toàn xã hội, trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng”- Bộ Công an phản hồi Bộ Quốc phòng.
Tuy vậy, Bộ Công an đồng ý với quan điểm “quốc phòng cùng với an ninh quốc gia là hai nội dung quan trọng của bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, nội dung an ninh mạng cũng phải thể hiện được trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là trong tình hình cuộc cách mạng công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Bộ Công an thực hiện giám sát an ninh mạng trên phạm vi cả nước
Theo dự thảo luật, cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có trách nhiệm xây dựng cơ chế cảnh báo các mối đe dọa an ninh mạng, đề ra phương án ứng phó, khắc phục khẩn cấp sự cố an ninh mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin của đơn vị mình.
Bộ Công an thực hiện giám sát an ninh mạng trên phạm vi cả nước, ngoại trừ hệ thống thông tin quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ giám sát an ninh mạng với hệ thống mạng liên lạc cơ yếu do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý.
Bộ Quốc phòng thực hiện giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Khi xảy ra sự cố an ninh mạng, cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải kịp thời thông báo và phối hợp với Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an thông báo tình hình liên quan đến sự cố an ninh mạng; tạm thời hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin tại một số khu vực khi thấy cần thiết.
Nhà nước thực thi chính sách quản lý, ngăn chặn đăng tải, hiển thị, gỡ bỏ và xử lý trách nhiệm của chủ thể đăng tải thông tin có nội dung xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm nhục, vu khống, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, chống Nhà nước trên không gian mạng theo quy định.
Nội dung thông tin xấu cần ngăn chặn gồm: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; bịa đặt hoặc lan truyền, tán phát những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân…
Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.