|
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa ngày 9/1. Ảnh: TTX. |
Ngày 23/4, , Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 24 dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng, trong đó có trường hợp của ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
“Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, căn cứ các bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với đồng chí Đinh La Thăng”- kết luận của UBKT TƯ nêu rõ.
Bên cạnh trường hợp của ông Đinh La Thăng, UBKT TƯ cũng xem xét, thi hành kỷ luật đối với trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại Kỳ họp 23 của UBKT Trung ương.
Theo UBKT TƯ, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Đối với trường hợp của ông Đinh Quốc Thái, UBKT TƯ cho rằng, ông Thái đã kiểm điểm nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự giác nhận hình thức kỷ luật. Nên UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái.
Trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), ông Đinh La Thăng bị HĐXX tuyên phạt 18 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên quan bồi thường 800 tỷ đồng cho PVN. Trong đó, ông Thăm phải chịu trách nhiệm chính với số tiền phải bồi thường là 600 tỷ đồng.
Trước đó, ông Đinh La Thăng cũng bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165, Bộ Luật hình sự 1999) trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)”.
Về tránh nhiệm dân sự, với tội cố ý làm trái, ông Thăng phải liên đới bồi thường 30 tỷ đồng.
TAND Hà Nội đánh giá đây là vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN) cùng các bị cáo đều giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế nhà nước và khi được giao dự án mang tầm quan trọng chiến lược của nhà nước đã lợi dụng vị trí đặc thù để gây sai phạm. Hành vi của các bị cáo làm chậm tiến độ, gây đội vốn hàng nghìn tỷ đồng ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.