Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc

VietTimes-- Hàng loạt vụ việc xử lý quan tham cấp cao Trung Quốc ngã ngựa, thường diễn ra theo trình tự: Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng (UBKTKLTƯ) thông báo “song quy” để đình chức, điều tra về “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”; sau đó khai trừ đảng, cách chức, chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật. UBKTKLTƯ là khởi đầu của quá trình trừng trị quan tham, vì vậy sự xuất hiện của các tổ công tác hay cán bộ UBKTKLTƯ ở đâu cũng gây nên nỗi khiếp sợ cho quan tham ở đó.
Trụ sở UBKTKLTƯ - Ủy ban Giám sát quốc gia
Trụ sở UBKTKLTƯ - Ủy ban Giám sát quốc gia

    Cơ quan hợp nhất giữa UBKTKLTƯ Đảng và Bộ Giám sát của chính phủ

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Gọi tắt là “Trung ương kỷ ủy”, hoặc “Trung kỷ ủy”) là cơ quan kiểm tra, kỷ luật cao nhất của của ĐCSTQ, có chức năng “giữ gìn đảng phong, đảng kỷ và chống tham nhũng hủ bại”, thực hiện chế độ Bí thư phụ trách. Suốt từ 1949 đến trước Đại hội Đảng 13 (1987), người đứng đầu UBKTKLTƯ (Bí thư thứ nhất) đều là Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, nhưng tại Đại hội 13 (1987) Điều lệ ĐCSTQ sửa đổi đã bỏ quy định Bí thư thứ nhất phải được chọn từ các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã phần nào làm giảm quyền hạn của UBKTKLTƯ, ông Úy Kiến Hành chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng kiêm nhiệm Bí thư UBKTKLTƯ. Đến năm 1997, Đại hội Đảng 15 đã khôi phục lại quy định cũ, từ đó đến nay Bí thư UBKTKLTƯ đều là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. UBKTKLTƯ do Đại hội 19 bầu ra tháng 10/2017 gồm 133 Ủy viên; Bí thư UBKTKLTƯ hiện nay là ông Triệu Lạc Tế.

Nguồn gốc của UBKTKLTƯ là Ủy ban Giám sát Trung ương được thành lập từ 1927; sau năm 1949 được đổi thành Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương; năm 1955 lại đổi thành Ủy ban Giám sát Trung ương. Trong thời kỳ 10 năm “Cách mạng Văn hóa” (1967 – 1976) toàn bộ hệ thống Kiểm tra kỷ luật đảng tê liệt và chính thức bị xóa bỏ tại Đại hội 9 (4/1969). Mãi đến Hội nghị TƯ3 khóa 11 (12/1978) nó mới được khôi phục trở lại; lần đầu tiên tại một Hội nghị trung ương đã bầu ra UBKTKLTƯ gồm 100 Ủy viên do ông Trần Vân đứng đầu. Sau đó, Điều lệ ĐCSTQ được thông qua tại Đại hội 12 (9/1982) quy định: Đại hội đại biểu đảng toàn quốc bầu ra UBKTKLTƯ; UBKTKL đảng các cấp do Đại hội đại biểu đảng cùng cấp bầu ra. UBKTKLTƯ đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban TƯ Đảng, UBKTKL các cấp chịu sự lãnh đạo của đảng ủy cùng cấp và UBKTKL cấp trên. Hội nghị toàn thể UBKTKLTƯ bầu ra Bí thư, Phó Bí thư và Ban thường vụ, báo cáo Ủy ban trung ương phê chuẩn. Đối với các UBKTKL các cấp thì họp bầu Bí thư, Phó bí thư, Ban thường vụ, thông qua đảng ủy cùng cấp, báo cáo đảng ủy cấp trên phê chuẩn.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc ảnh 1
Kỳ họp thứ nhất UBKTKLTƯ khóa 19

Tháng 12/1986, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 6 quyết định thành lập Bộ Giám sát. Tháng 2/1993, căn cứ quyết định của Trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện, hai cơ quan làm việc của Bộ Giám sát và UBKTKLTƯ nhập lại làm một; cơ cấu thuộc Quốc vụ viện, biên chế lại thuộc Trung ương Đảng, Cục Phòng chống tham nhũng trở thành cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện, nằm trong Bộ Giám sát. Từ 1993 đến 2017, các cơ quan giám sát và KTKL đảng địa phương hợp nhất để làm việc. Chính vì vậy, cơ quan này có tên chính thức là UBKTKLTƯ – Bộ giám sát, tổ chức thành 27 cơ quan chức năng, bao gồm: Văn phòng (dùng 2 con dấu Văn phòng UBKTKLTƯ và Văn phòng Bộ Giám sát); Ban tổ chức; Ban Tuyên truyền; Phòng nghiên cứu; Phòng pháp quy; Phòng giám sát đảng phong chính phong; Phòng Tín phỏng (tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo); Văn phòng lãnh đạo các Tổ tuần thị trung ương; Phòng quản lý giám sát các vụ án; 12 Phòng Giám sát kiểm tra kỷ luật phụ trách công tác đối với các ban, ngành, địa phương theo phân công; Phòng thẩm lý các vụ án; Phòng giám sát cán bộ ngành; Cục hợp tác quốc tế; Cục quản lý sự vụ cơ quan; Đảng ủy cơ quan; Cục cán bộ hưu trí. Bên cạnh đó, còn có 53 cơ quan “phái trú” được UBKTKLTƯ – Bộ Giám sát đưa vào nằm vùng tại các cơ quan KTKL của các Bộ, ban, ngành.

Ngoài ra còn có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Tạp chí Trung Quốc giám sát, Báo Trung Quốc kỷ kiểm giám sát, NXB Phương Chính, Trung tâm giáo dục, Trung tâm dịch vụ tổng hợp cơ quan, Trung tâm thông tin, Học viện Kỷ kiểm giám sát Trung Quốc, Trung tâm tập huấn Bắc Đới Hà, Trung tâm nghiên cứu lý luận liêm chính. Tổng biên chế cơ quan hiện khoảng 1.000 người.

Tuy nhiên, sau Đại hội 19, theo Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua tháng 3/2018, từ năm 2017 đến nay, đã xuất hiện cơ quan “Ủy ban giám sát nhà nước” từ trung ương xuống đến cấp huyện do Đại hội đại biểu nhân dân (HĐND) các cấp bầu ra. Cơ quan này thay thế Bộ giám sát, có chung văn phòng làm việc với UBKTKLTƯ của Đảng, trở thành “hai cơ quan chung một biển tên”. Đây là cải cách trọng đại về chế độ giám sát và kiểm tra kỷ luật của ông Tập Cận Bình nhằm đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng hủ bại và xây dựng liêm chính. Ủy ban Giám sát quốc gia có chung văn phòng với UBKTKLTƯ của Đảng, có chức năng giám sát, điều tra, xử lý các vấn đề về chấp hành pháp luật, thực thi quyền hạn, xây dựng liêm khiết và đạo đức của công chức ở các cấp.

Từ khi thành lập năm 1927 dến nay, UBKTKLTƯ đã qua 12 đời lãnh đạo, gồm: Vương Hà Ba, Lưu Thiếu Kỳ, Lý Duy Hán, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Trần Vân, Kiều Thạch, Úy Kiến Hành, Ngô Quan Chính, Hạ Quốc Cường, Vương Kỳ Sơn và Triệu Lạc Tế (đương nhiệm).

Nhiệm vụ: kiểm tra kỷ luật và chống tham nhũng

Theo quy định tại các điều 44, 45 của Điều lệ ĐCSTQ, nhiệm vụ của UBKTKL đảng các cấp là: giữ gìn Điều lệ và các quy định trong đảng; kiểm tra tình hình chấp hành đường lối, phương châm, chính sách, nghị quyết của đảng; giúp đảng ủy tăng cường xây dựng đảng phong và tổ chức phối hợp công tác chống tham nhũng hủ bại; tiến hành giáo dục đảng viên tuân thủ kỷ luật, ra các quyết định giữ gìn kỷ luật đảng; tiến hành giám sát đảng viên là cán bộ lãnh đạo thực thi quyền lực; kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Điều lệ, các quy định của đảng và liên đới các vụ án phức tạp, nghiêm trọng; quyết định hoặc hủy bỏ việc xử lý kỷ luật các đảng viên trong các vụ án; thụ lý các tố cáo, khiếu nại của đảng viên; bảo đảm quyền lợi cho đảng viên.

Cũng theo quy định tại điều này, nếu phát hiện đảng ủy viên cùng cấp có hành vi vi phạm kỷ luật căn cứ yêu cầu công tác, UBKTKL có thể tiến hành điều tra xác minh trước, nếu cần lập hồ sơ kiểm tra thì báo cáo đảng ủy cùng cấp phê chuẩn; nếu liên quan đến ủy viên ban thường vụ thì sau khi báo cáo với đảng ủy cùng cấp, báo cáo UBKTKL đảng ủy cấp trên phê chuẩn thực hiện. UBKTKL cấp trên có quyền kiểm tra công tác của UBKTKL cấp dưới; có quyền phê chuẩn hoặc thay đổi quyết định đối với vụ án.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc ảnh 2
Ông Triệu Lạc Tế - Bí thư UBKTKLTƯ khóa 19

Tuy nhiên, để thực thi việc kiểm tra, giám sát chống tham nhũng có hiệu quả, cơ quan UBKTKLTƯ- Bộ Giám sát (nay là UBKTKLTƯ - Ủy ban Giám sát quốc gia) phải thực hiện chức trách được quy định theo Luật Giám sát hành chính: chủ quản công tác giám sát toàn quốc đối với các ngành, các nhân viên các ban ngành của Quốc vụ viện, đối với người lãnh đạo Quốc vụ viện và người lãnh đạo các bộ, ban ngành, các địa phương cấp tỉnh do Quốc vụ viện bổ nhiệm. Các chức trách cụ thể gồm:

1. Kiểm tra các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật, pháp quy và các quyết đinh, mệnh lệnh của chính phủ.

2. Thụ lý các tố cáo, tố giác hành vi vi phạm kỷ luật hành chính của các cơ quan và công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước.

3. Điều tra xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật hành chính của các cơ quan và công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước…

UBKTKLTƯ có các quyền hạn chủ yếu: Theo Hiến pháp và Luật giám sát hành chính, Bộ Giám sát có các quyền kiểm tra, điều tra, kiến nghị và xử phạt hành chính với các mức từ cảnh cáo đến cách chức, sa thải đối với những đối tượng vi phạm kỷ luật hành chính. Để đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật đảng, các cán bộ ngành kiểm tra kỷ luật phải tuân thủ quy định về “4 điều không được làm”. Đó là: không được phát biểu những lời lẽ trái với đường lối, phương châm, chính sách và quy định của Đảng; không được phê chuẩn vượt quyền, đốc thúc hoặc chương á nhược dự vào việc xử lý các vụ án của đơn vị có liên quan; không được lợi dụng làm án để mưu lợi riêng, theo tình cảm; không được để lộ hay tiết lộ bí mật trong khi làm án.

“Song quy” – biện pháp chống quan tham hiệu quả

Từ "song quy" xuất hiện lần đầu tiên trong "Điều lệ giám sát hành chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" ban hành ngày 9/12/1990. “Song quy” là một biện pháp được UBKTKLTƯ áp dụng khi điều tra việc chấp hành kỷ luật đảng, được bắt nguồn từ quy định tại Khoản 3, Điều 28, Điều lệ công tác kiểm tra vụ án của cơ quan UBKTKL Đảng CSTQ”: “yêu cầu người có liên quan trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ việc trong thời gian quy định tại địa điểm quy định”. Cụ thể hơn là chỉ việc đảng viên bị cách ly, hạn chế quyền tự do cá nhân, bị điều tra trong nội bộ đảng trước khi bị Viện kiểm sát điều tra. Mục đích của hành động mang tính cưỡng chế này là nhằm ngăn chặn đối tượng tìm cách hoãn binh, lẩn tránh điều tra, thậm chí thông cung, chạy trốn. Một quan chức bị “song quy”, có nghĩa là người này đã phạm tội, sẽ bị mất chức và bị điều tra, xét xử theo pháp luật. Thời gian qua, các quan chức cao cấp như Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị - pháp luật; Bạc Hy Lai, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 17, Bí thư thành ủy Trùng Khánh; Lệnh Kế Hoạch, Ủy viên TƯ khóa 18, Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc; Tôn Chính Tài, Ủy viên Bộ Chính trị  khóa 18, Bí thư thành ủy Trùng Khánh…đều bị áp dụng hình thức “song quy” để cách ly điều tra.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc ảnh 3
Vương Kỳ Sơn (trái), người đứng đầu UBKTKLTƯ khóa 18, và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

“Song quy” thường dùng để điều tra, xử lý những phần tử tham nhũng hủ bại là đảng viên, nhưng cũng có trường hợp áp dụng cho quan chức là người ngoài đảng. Quan chức bị “song quy” thường bị áp giải từ nhà riêng hoặc cơ quan, thậm chí bị đọc lệnh, áp giải ngay tại hội nghị mà người này đang tham dự. Tuy nói là “trong thời gian quy định”, nhưng thường không có quy định rõ ràng về thời gian bị cách ly, tạm giữ. Địa điểm để cách ly điều tra thường là tại khách sạn. Trước khi làm rõ mọi vấn đề, đối tượng không được rời đi, thực chất đây là hình thức giam lỏng biến tướng. Thông tin về quan chức bị “song quy” không được thông báo công khai với báo chí, nhưng với sự nhạy bén nghề nghiệp, báo chí thường biết và đưa tin về những trường hợp quan chức bị “song quy”.

Xung quanh việc áp dụng biện pháp “song quy” có những ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ cho rằng: “song quy” là nhu cầu thực tế của cuộc đấu tranh chống tham nhũng hủ bại, giúp rất nhiều cho việc xử lý một số vụ án tham nhũng; trong giai đoạn hiện nay rất cần đến “song quy”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong dư luận cho rằng, “song quy” thiếu chỗ dựa về pháp luật; đảng viên trước hết là công dân, điều lệ nội bộ của ĐCSTQ không thể vượt qua pháp luật, không thể dựa vào quy định nội bộ mà có thể hạn chế quyền tự do cá nhân; “song quy” tồn tại hành vi tra tấn bức cung, đã có trường hợp đối tượng bị chết khi “song quy”, nên nó không phải là biện pháp điều tra phù hợp với pháp chế.

Xem tiếp:

UBKTKLTƯ Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (kỳ 2)