Ứng xử của bố mẹ có thể là nguyên nhân khiến trẻ rối loạn nhân cách ranh giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều trẻ vị thành niên tự cắt chân tay, tự sát do rối loạn nhân cách ranh giới. Căn bệnh này rơi nhiều vào tuổi mới lớn, nhưng ít được quan tâm khiến hậu quả khá nặng nề.

Đó là cảnh báo của BS. Lê Công Thiện - Phó trưởng Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Phòng điều trị Tâm thần Nhi Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia - tại buổi toạ đàm về căn bệnh rối loạn nhân cách ranh giới diễn ra chiều 18/3.

Bệnh này thường xảy ra ở tuổi mới lớn, cả trai lẫn gái, nên ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách, nhận thức, thái độ với cuộc sống xã hội. Đáng nói, nguy cơ tự sát ở những người rối loạn nhân cách ranh giới cao gấp 40 lần so với dân số chung và 8% -10% đã chết do tự sát.

BSCK2 Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Tâm thần Nhi – Vị thành niên Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia - chia sẻ trường hợp bé gái 14 tuổi nhập viện với vết tự rạch sâu trên tay. Gia đình cho biết 3 năm nay, do áp lực trong học tập, bố mẹ thường hay mâu thuẫn nên bệnh nhân cảm thấy căng thẳng, buồn vui thất thường, bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, học lực dần sa sút, thường gây sự vô cớ với bạn bè… Cháu nhiều lần lấy dao dọc giấy rạch vào cẳng tay, các vết rạch ngày càng sâu, để giải tỏa cảm xúc.

Lần này, vết thương lớn nên gia đình quyết định đưa cháu vào Viện sức khoẻ Tâm thần Quốc gia.

Cháu bé cho biết luôn lo sợ bị bỏ rơi, nghĩ bố mẹ không yêu thương mình như trước, cáu gắt. Cháu không giao tiếp với bạn bè nhưng lại lập nhiều nhóm trên internet để chia sẻ những tiêu cực và hướng dẫn cách giải toả cảm xúc bằng tự gây thương tích.

vt-hoang-yen-8936.jpg
BSCK2 Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ về một ca bệnh điển hình

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, cháu được kết hợp điều trị hoá dược và điều trị tâm lý, cùng với liệu pháp gia đình, cháu đã ổn định cảm xúc hơn, hợp tác điều trị hơn, không có hành vi bất thường.

BS Lê Công Thiện chia sẻ thêm: Bệnh này dễ trầm trọng nếu không điều trị kịp thời. Con số thống kê cho thấy tỷ lệ phổ biến rối loạn nhân cách ranh giới ở thanh thiếu niên là 11% ở bệnh nhân ngoại trú và tới 50% ở bệnh nhân nội trú.

Về nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới, Ths. Thiện cho rằng các hành vi ngược đãi trong gia đình và mối quan hệ xung đột giữa cha mẹ và con cái dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn nhân cách ranh giới.

Những đứa trẻ bị ngược đãi nghĩ rằng bản thân chúng không thể chấp nhận được và đáng bị ngược đãi, hoặc coi những người khác là nguy hiểm sẵn sàng “xù lông” để “chiến đấu” vì một câu nói mà họ thấy “động chạm”.

vt-bs-thien-2273.jpg
Bác sĩ Lê Công Thiện

“Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa lạm dụng tình dục ở trẻ em và rối loạn nhân cách ranh giới ở tuổi rất trẻ. Điều dễ nhận thấy ở trẻ bị rối loạn nhân cách ranh giới là có tỷ lệ bị bỏ rơi cao hơn đáng kể so với nhóm chứng khỏe mạnh", ông Thiện lưu ý.

Đặc điểm cơ bản của rối loạn nhân cách ranh giới là không ổn định các mối quan hệ, bốc đồng “sớm nắng chiều mưa”, nay thích làm cái này, mai lại đổi ý.

Tuy nhiên, người mắc rối loạn nhân cách ranh giới phải có ít nhất 5/9 tiêu chí với các triệu chứng phải bắt đầu từ giai đoạn đầu của thời kì trưởng thành, nhưng có thể xảy ra trong thời kỳ thanh thiếu niên.

Nhưng không phải đứa trẻ nào thất thường, bướng bỉnh cũng là rối loạn nhân cách ranh giới, mà trẻ mới lớn thường bướng bỉnh, nên phụ huynh cần bình tĩnh đánh giá hình và tôn trọng con, cũng chưa vội đưa con đi bệnh viện, mà phụ huynh nên gặp bác sĩ trước để tư vấn tâm lý. Vì nhiều trường hợp, chính bố mẹ phải điều trị, vì cách cư xử của bố mẹ là nguyên nhân dẫn đến con bị bệnh.

BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến cho rằng cần đi gặp bác sĩ khi thấy trẻ có hành vi rạch tay lặp đi lặp lại và giấu giếm hành vi đó.

Trả lời câu hỏi của VietTimes về cách ứng xử với trẻ ra sao nếu trẻ có thái độ thất thường, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Thị Hải Yến cho biết trẻ thiếu kỹ năng điều hoà cảm xúc, bố mẹ cần quan tâm đến việc này và các kỹ năng xã hội ở nhà và ở trường cho trẻ, chú ý xem con có thay đổi gì không. Trước tiên, bố mẹ nên gặp chuyên gia và lạc quan theo tư vấn của chuyên gia, tránh đưa con đến bệnh viện một cách cưỡng bức.

vt-hai-yen-8807.jpg
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Thị Hải Yến tư vấn cách ứng xử cho các phụ huynh

9 biểu hiện người mắc rối loạn nhân cách ranh giới:

1. Bệnh nhân luôn nghĩ bị bỏ rơi và rất không chịu nổi ở một mình, nỗ lực ”điên cuồng” để tránh bị bỏ rơi, kể cả hành vi tự làm đau bản thân hoặc tự sát.

2. Người mắc rối loạn nhân cách ranh giới có kiểu quan hệ không ổn định và mãnh liệt, yêu thương tối đa và tàn nhẫn tối đa.

3. Họ ý thức về bản thân không ổn định rõ rệt và dai dẳng, dễ thay đổi đột ngột trong quan điểm và kế hoạch về nghề nghiệp, bản sắc tình dục, giá trị và kiểu bạn bè; có thể đột nhiên thay đổi từ vai trò của một nạn nhân thành người báo thù chính nghĩa cho sự ngược đãi trong quá khứ.

4. Họ bốc đồng trong các lĩnh vực có khả năng tự gây tổn hại cho bản thân: Đánh bạc, tiêu tiền, ăn uống vô độ, lạm dụng chất, quan hệ tình dục không an toàn…

5. Họ có hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc tự hủy hoại bản thân, để giải toả căng thẳng, thu hút sự quan tâm.

6. Bệnh nhân thường lo âu kéo dài vài giờ và hiếm khi kéo dài vài ngày. Họ rất thất thường với “tính 2 mặt” nổi trội như đang bình thường bỗng dữ dội luôn.

7. Bệnh nhân có cảm giác trống rỗng triền miên.

8. Đặc biệt, họ thường tấn công những người thân yêu như bố, mẹ đầu tiên. Đang là đứa con ngoan ngoãn, họ quay chửi bố mẹ ngay bởi sự tức giận dữ dội, khó kiểm soát.

9. Có sự hoang tưởng thoáng qua.