Đẩy "quả bóng" trách nhiệm
Khi Bộ Công an công bố vụ sản xuất sữa giả tại hai Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất, lập tức, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đều “phủi” trách nhiệm, mặc dù cả 2 bộ đều nằm trong Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành Trung ương về ATTP và đều được phân công quản lý thực phẩm rất rõ ràng.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng Bộ Công Thương chỉ quản lý nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, còn các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt do Bộ Y tế quản lý, căn cứ vào Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.
Đáp lại ý kiến này, đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Luật ATTP quy định việc quản lý ATTP là của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương và UBND các cấp và trách nhiệm của Bộ Công Thương được quy định tại Điều 64 Luật ATTP: “Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm”.
Mặc dù vậy, sau đó, cả 2 bộ vẫn có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP và các đơn vị trong ngành y tế tập trung hậu kiểm các nhóm sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già, trẻ em...
“Đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”, cho đến nay, không bộ nào nhận trách nhiệm về vụ sữa giả gây hậu quả xã hội không hề nhỏ, nhất là khi sữa giả đã lọt vào không phải một bệnh viện, khiến rất nhiều bệnh nhân nặng phải sử dụng.
Theo cơ quan điều tra, các loại sữa bột giả sản mang nhiều tên gọi mỹ miều khác nhau với những công dụng khác nhau, như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt của người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai, nhưng vẫn được sản xuất cùng nguyên liệu, công thức, quy trình; chỉ bổ sung, thay thế một số nguyên liệu chính hoặc thêm hương liệu, phụ gia để lừa người dùng. Chỉ tiêu chất lượng thành phần chính chỉ dưới 70% so với công bố.
Cả 2 bộ đều phải chịu trách nhiệm
Đáng lưu ý khi các đối tượng sản xuất sữa giả khai “các thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra và doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất trong sữa”.
Công ty sản xuất sữa giả đã vậy, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng không một lần hậu kiểm, dù nhà máy sản xuất sữa bột giả nằm ngay Chương Mỹ (Hà Nội), dẫn đến 2 công ty sữa giả thoải mái phát triển thành “hệ sinh thái” gồm 11 công ty sản xuất, buôn bán sữa giả trong nhiều năm liền, thu lợi gần 500 tỉ đồng.
Rõ ràng, mấu chốt của việc để các công ty sản xuất và buôn bán sữa giả kéo dài mà không bị phát hiện, chính là lỗ hổng hậu kiểm trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Ngày 22/4 vừa qua, danh tính 84 loại sữa giả đã “lộ diện” khi Bộ Công an thông tin, trong đó, 12 loại đã được xác định là giả, còn 72 loại đang tiếp tục điều tra.
Đối chiếu với Nghị định 15/2018/NĐ‑CP có thể xác định được cả 2 Bộ Y tế và Bộ Công Thương đều chịu trách nhiệm trong vụ sữa giả lộng hành, vì Phụ lục đính kèm Nghị định chỉ rõ Bộ Y tế quản lý các thực phẩm chức năng (TPCN) và các vi chất bổ sung vào thực phẩm; còn Bộ Công Thương quản lý sữa chế biến, trong đó có sữa bột.
Như vậy, 12 loại sữa giả đã công bố và 72 loại sữa giả đang được điều tra, đều do Bộ Y tế chịu trách nhiệm hậu kiểm, còn Bộ Công thương có trách nhiệm “Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, sản phẩm chế biến bột và tinh bột…; Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm” (Điều 64 Luật ATTP)
Trên bảo dưới không nghe
Năm nào, BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP cũng ra kế hoạch hậu kiểm về ATTP, trong đó, nhấn mạnh tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm và yêu cầu “các hoạt động hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên”.
Đặc biệt, “Bộ Y tế giao Cục ATTP phối hợp với các Viện triển khai hậu kiểm về công bố, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN, chú trọng nhóm TPCN, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân”.
Nhưng rất tiếc, việc hậu kiểm đã không được thực hiện theo chỉ đạo.
BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP cũng yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm TPCN, vi chất dinh dưỡng vv…
Nhưng các địa phương cũng buông lỏng nốt, dẫn đến công ty sản xuất sữa giả mở rộng không ngừng, đặc biệt, còn lọt được vào nhiều bệnh viện.
Chính việc buông lỏng hậu kiểm của cơ quan quản lý đã dẫn đến hậu quả xã hội nghiêm trọng mà sẽ chỉ đánh giá được đầy đủ khi tổ chức điều tra xem có bao nhiêu người già, trẻ nhỏ và bệnh nhân trong bệnh viện buộc phải dùng phải sữa giả và hậu quả như thế nào.

Lỗ hổng luật pháp và sự tắc trách của cơ quan quản lý
Trong khi cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, thì cơ quan quản lý không hậu kiểm theo chỉ đạo, còn Điều 45 Luật ATTP lại “chặn” sự giám sát, phát hiện của người dân - kênh rất quan trọng để phát hiện thực phẩm giả - bằng quy định “việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về ATTP”.
Chính quy định này đã “trói tay” người tiêu dùng trong việc kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, vì chỉ khi người dân có tranh chấp, khiếu nại về ATTP thì mới được yêu cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm.
Thật lạ lùng khi việc xây dựng văn bản pháp luật mở cửa cho doanh nghiệp, nhưng lại không quy định về việc hậu kiểm như phải tiến hành bao nhiêu lần, sau bao nhiêu lâu, từ khi doanh nghiệp tự công bố sản phẩm. Chưa kể, việc tước mất quyền của người tiêu dùng trong việc được kiểm nghiệm sản phẩm. Và hậu quả đã xảy ra là tất yếu.

Công an thu giữ hàng loạt sản phẩm sữa giả. Ảnh: Bộ Công an
Vụ sữa giả vừa qua làm lộ ra lỗ hổng trong khâu hậu kiểm, sự bất hợp lý của Luật ATTP, đòi hỏi phải cấp bách trả cho người tiêu dùng quyền được kiểm nghiệm sản phẩm họ sẽ/đã sử dụng. Chỉ khi có sự giám sát của người tiêu dùng, hậu kiểm thường xuyên của cơ quan quản lý mới buộc các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bộ Công an cho biết tới đây sẽ rà soát những bất cập trong hệ thống pháp luật về ATTP, kinh doanh thương mại, để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt là gắn trách nhiệm trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm là thực phẩm.
Bên cạnh đó, phải khẳng định là trách nhiệm của Bộ Công Thương là không nhỏ trong quản lý hàng giả. Mỗi năm, một lượng lớn sữa giả được sản xuất và tuồn ra thị trường, nhưng lực lượng QLTT lại như bị “bịt mắt” kể cũng lạ, nhất là khi Bộ Công Thương đã triển khai “các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và theo dõi thị trường, có thể phát hiện được buôn bán hàng giả, hàng nhái” như đại diện bộ này cho biết.
Vì thế, bên cạnh việc điều tra các vi phạm, rất mong cơ quan điều tra xem suốt những năm sữa giả được sản xuất, thì các cơ quan quản lý nhà nước “đi đâu” và trách nhiệm ra sao khi để cho lượng sữa giả khổng lồ lưu hành trên thị trường.

Cục An toàn thực phẩm thu hồi 12 loại sữa bột giả

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện rà soát thuốc giả, sữa giả, chấn chỉnh việc nhân viên tư vấn bán sữa
