Ứng dụng AI trong bệnh viện tăng cường khả năng chẩn đoán bệnh, chăm sóc bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hệ thống AI giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, sự hài lòng của bệnh nhân và kết quả khám chữa bệnh của bệnh viện.

VT_ Hoi thao y ted.jpg
Hội nghị khoa học y tế Đài Loan–Việt Nam” lần đầu tiên quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu chia sẻ kinh nghiệm

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại “Hội nghị khoa học y tế Đài Loan – Việt Nam” lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam vào hôm nay, 30/3, do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Cựu chiến binh Đài Bắc tổ chức tại Hà Nội.

Ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh và chăm sóc tích cực

Mở đầu phiên hội thảo “Y tế thông minh” trong khuôn khổ hội nghị, bác sĩ Wui-Chiang Lee đến từ BVĐK Cựu chiến binh Đài Bắc - BV thông minh nhất Đài Loan (Trung Quốc) - đã mang đến những kinh nghiệm quan trọng: “BV thông minh: Nâng cao chất lượng chăm sóc và quản lý”.

Bác sĩ Wui-Chiang Lee chia sẻ, chuyển đổi số trong y tế giúp cải thiện chất lượng và đảm bảo an toàn; nâng cao hiệu suất, giảm khối lượng công việc và tinh giản quá trình chăm sóc bệnh nhân. Chuyển đổi số đã hỗ trợ tích cực trong chăm sóc ngoại trú và cấp cứu của BVĐK Cựu chiến binh Đài Bắc. Bệnh án điện tử và nhắc nhở an toàn thuốc là một phần của BV thông minh.

Các phòng khám ngoại trú của BV hiện đều có hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ thông qua hình ảnh, giúp dự đoán các bệnh rối loạn nhịp tim, u não, u gan, gãy xương, tổn thương phổi…

Trong nội khoa, AI được ứng dụng trong quá trình xây dựng các mô hình dự đoán hình ảnh rung nhĩ, chẩn đoán và dự đoán ung thư gan, dự đoán bệnh tiểu đường bằng hình ảnh động mạch võng mạc, dự đoán bệnh thận, bệnh ác tính và phân tích hình ảnh viêm khớp, chẩn đoán nhanh ngộ độc cấp tính…

AI cũng hỗ trợ các bác sĩ trong nội soi đại tràng và giải phẫu bệnh số hoá, đồng thời nâng cao hiệu suất cho Khoa Đột quỵ, tự động hóa các dịch vụ xét nghiệm có nhu cầu lớn. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, AI cũng giúp thúc đẩy hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

Chăm sóc nội trú thông minh là một phần quan trọng của BV thông minh: Hồi sức tích cực thông minh giúp cải thiện chất lượng chăm sóc của điều dưỡng, an toàn cho bệnh nhân. Hệ thống theo dõi hoá trị giám sát các quy trình, từ xác nhận thuốc, đặt tốc độ bơm truyền cho đến truyền dịch.

BV còn có hệ thống nhập y lệnh tự động thông minh kèm theo thông tin về thuốc thông thường, thuốc hoá trị, dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, thuốc trong phẫu thuật. Bên cạnh đó là thông tin bệnh nhân: tiền sử dùng thuốc, tiền sử kháng sinh, tiền sử dị ứng, kết nối với bệnh án điện tử hoàn chỉnh.

Tu dong hoa xn.png
AI giúp tự động hoá xét nghiệm với số lượng lớn

Bệnh viện Việt Nam có nhiều thuận lợi trong ứng dụng AI

Tại hội nghị, đại diện của Việt Nam, chuyên gia Trương Minh Chương, cũng chia sẻ về “AI trong chăm sóc sức khỏe và quản trị BV - cơ hội và thách thức ở Việt Nam”.

Theo ông Chương, hệ thống AI có thể cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, sự hài lòng của bệnh nhân và kết quả của BV, đồng thời giúp cho BV trở nên thông minh hơn. Bởi vậy, triển khai hệ thống AI là điều cần thiết.

Ông Chương cho rằng, các BV ở Việt Nam có điều kiện thuận lợi để triển khai hệ thống AI: Gần 80 triệu người dùng Internet, 70 triệu người dùng mạng xã hội và 161,6 triệu kết nối di động. Đặc biệt, chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này, trong đó quyết định 749/QD-TTg coi chăm sóc sức khỏe là yếu tố trung tâm của Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia. Quyết định 5349 của Bộ Y tế về quy hoạch hồ sơ sức khỏe điện tử và quyết định 4888 về sức khỏe thông minh càng nêu bật tầm nhìn của quốc gia trong khai thác AI và chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.

vt_-kcb-tu-xa-3311063_2462020.jpg
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số để khám, chữa bệnh từ xa

Tuy nhiên, ông Chương lưu ý rằng xây dựng hệ thống AI đòi hỏi nhiều công sức, chi phí và thời gian. Hệ thống AI sẽ thay đổi BV và hành vi của nhân viên nên đòi hỏi phải có sự lãnh đạo và quản lý sát sao.

“Không triển khai hệ thống AI trước khi có sự suy nghĩ sâu sắc và cần đánh giá chi phí/lợi ích trước khi quyết định”, chuyên gia Trương Minh Chương khuyến cáo.

Ông Khương Trường Giang, chuyên gia tư vấn cao cấp của FPT Healthcare, cũng mang đến báo cáo “Y tế thông minh - Ứng dụng thực tế tại Việt Nam”, trong đó thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cá nhân hoá là một nội dung quan trọng nhằm tăng tính cá nhân hoá cho mỗi kế hoạch điều trị.

Truy cập dữ liệu bệnh án mọi lúc, mọi nơi

Tại hội thảo, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh - Cố vấn Công nghệ và Giải pháp Tập đoàn VMED, Đồng sáng lập & CEO One Clinic - và GS. Harald Braun - nhà sáng lập và Giám đốc i5 Health AI - đã trình bày về kế hoạch “Xây dựng tương lai cho chăm sóc bệnh mãn tính”. Theo đó, công nghệ i5 AI được ứng dụng để hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân, bác sĩ lâm sàng, nhà cung cấp dịch vụ và những người ra quyết định chiến lược khác.

Theo các tác giả, công nghệ i5 AI hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ở cấp độ cá nhân và cộng đồng, phát hiện bệnh nhân chưa được chẩn đoán, dự đoán kết quả, kết nối bệnh nhân với dịch vụ đề xuất và thúc đẩy lập kế hoạch cho việc điều trị. i5 AI có thể được áp dụng cho hệ thống Y tế tại hơn 120 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên thế giới.

Về nền tảng y tế số One Clinic, các tác giả chỉ ra điểm nổi bật là định dạng và lưu trữ dữ liệu theo chuẩn quốc tế, được Apple, Google, Microsoft công nhận. Dữ liệu được thu thập hữu ích cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh nhân hoàn toàn chủ động và linh hoạt khi chuyển qua bác sĩ khác điều trị.

Đặc biệt, dữ liệu được thu thập thuộc về bệnh nhân chứ không phải bác sĩ. Bệnh nhân có thể đồng bộ hóa dữ liệu từ nhiều thiết bị y tế cá nhân thông qua trung tâm thiết bị y tế cá nhân mọi lúc, mọi nơi. Họ cũng có thể chia sẻ lịch sử khám, chữa bệnh và dữ liệu từ thiết bị y tế cá nhân trên hồ sơ sức khỏe toàn cầu (OnePHR) của họ với bác sĩ. Bác sĩ có thể sử dụng bệnh án điện tử (OneEMR) tùy chỉnh cho từng bệnh/bệnh nhân để cập nhật kết quả khám và kê đơn điện tử mọi lúc, mọi nơi.

Gheo gan.png
Ca ghép gan cho bệnh nhi 5 tuổi năm 2007 tại BV Nhi Trung ương là hợp tác đầu tiên giữa BVĐK Cựu chiến Binh Đài Bắc với Việt Nam

Những thông tin mới nhất về y tế thông minh tại hội thảo được PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nhận định là hết sức hữu ích trong việc chuyển đổi, thích ứng và phát triển để tiếp tục cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng và dễ dàng tiếp cận. Bà Xuyên cũng cho rằng hội thảo đóng vai trò như một cầu nối để các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi kinh nghiệm và hợp tác để phát triển dịch vụ y tế.

Hội thảo diễn ra trong một ngày, tập trung vào 3 phiên chính: Tim mạch, ung thư và Y tế thông minh. Đây là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia y tế của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trong điều trị bệnh tim mạch, ung thư, cập nhập xu hướng mới trong y tế thông minh, quản lý bệnh viện và y tế du lịch...để tăng cường trao đổi về chuyên môn và áp dụng trong việc cứu chữa bệnh nhân, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Hơn 100 chuyên gia đầu ngành của Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam cùng đại diện của các tổ chức nghiên cứu, BV, doanh nghiệp trong lĩnh vực tim mạch, ung thư, y tế thông minh và du lịch y tế, đã tham dự.

Hội thảo có 32 bài trình bày của các chuyên gia từ Đài Loan và các chuyên gia Việt Nam đến từ BV K, Bạch Mai, Chợ Rẫy , BV 108, BV Việt Đức.

BVĐK Cựu chiến Binh Đài Bắc đã hợp tác y tế với Việt Nam từ gần 20 năm trước, đánh dấu bằng ca ghép gan đầu tiên từ người hiến sống cho bé gái 5 tuổi tại BV Nhi Trung ương năm 2007.