Ukraine tự đánh đắm soái hạm của Hải quân để tránh rơi vào tay quân Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ukraine chính thức xác nhận, tàu hộ vệ "Hetman Sagaidachny", soái hạm (tàu chỉ huy) của Hải quân nước này đã bị người Ukraine tự đánh đắm để không rơi vào tay quân đội Nga.
Hình ảnh chiếc soái hạm "Hetman Sagaidachny", bị đánh đắm tại cầu cảng (Ảnh: Thepaper).
Hình ảnh chiếc soái hạm "Hetman Sagaidachny", bị đánh đắm tại cầu cảng (Ảnh: Thepaper).

Theo Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin Ukraine (SPRAVDI) ngày 4/3, tàu hộ vệ mang tên "Hetman Sagaidachny", chiếc soái hạm (hay kì hạm, tức tàu chỉ huy) của Hải quân Ukraine đã bị đánh đắm ở cảng Nikolayev và chính quyền Ukraine hy vọng sẽ khôi phục nó trong tương lai. SPRAVDI cũng công bố những bức ảnh về chiếc soái hạm bị chìm một phần.

Trước đó, con tàu này đã ở trong tình trạng sửa chữa. Vào ngày 3 tháng 3, có tin nói rằng soái hạm "Hetman Sagadachny" đã bị Hải quân Ukraine tự đánh chìm.

Một cơ quan truyền thông khác nói rằng chiếc "Hetman Sagadachny" đã bị đánh chìm ngay từ ngày đầu tiên của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga (24/2). Tuy nhiên trong bản tin sáng ngày 4/3, Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin Ukraine (SPRAVDI) chỉ nói chiếc soái hạm này đã bị đánh đắm mà không nêu cụ thể sự việc xảy ra vào thời gian nào.

Chiếc soái hạm "Hetman Sagaidachny" khi còn đang hoạt động (Ảnh: Thepaper).

Chiếc soái hạm "Hetman Sagaidachny" khi còn đang hoạt động (Ảnh: Thepaper).

Thông tin trước đó cho thấy quân Nga đã tiêu diệt các chiến hạm chủ lực của Hải quân Ukraine ở cảng Odessa ngay trong ngày giao tranh đầu tiên. Đối với vụ tự chìm của soái hạm "Hetman Sagadachny", rốt cục là do việc cứu hộ không hiệu quả và nó bị bỏ rơi sau khi bị thương nặng, hay nó tự chìm mà không bị thiệt hại gì, cần phải tiếp tục theo dõi thêm.

Theo một nguồn tin, có ba lý do chính khiến Ukraine quyết định đánh chìm soái hạm của mình: Thứ nhất, để giảm ảnh hưởng chính trị. Nếu tàu chỉ huy Hải quân bị quân Nga đánh chìm rõ ràng sẽ gây chấn động tâm lý rất lớn, ảnh hưởng đến tinh thần quân đội và lòng tin của dân chúng. Thứ hai là tránh tổn thất lớn về nhân sự. Tàu "Hetman Sagadachny” được biên chế thủy thủ đoàn khoảng 200 sĩ quan và binh sĩ, nếu bị đánh chìm sẽ là sự tổn thất nghiêm trọng về nhân lực. Một bài học kinh nghiệm xương máu trước đây là chiếc tàu tuần dương ARA General Belgrano của Argentina bị tàu ngầm Anh đánh chìm trong Chiến tranh Manvinas năm 1982 khiến 323 thủy thủ tử nạn. Thứ ba là thể hiện phẩm giá của Ukraine.

Hộ vệ hạm "Hetman Sagaidachny" (trước) tuần tra chung với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ (Ảnh: Thepaper).

Hộ vệ hạm "Hetman Sagaidachny" (trước) tuần tra chung với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ (Ảnh: Thepaper).

Nếu có lý do thứ tư, thì đó là ngăn không cho nó rơi vào tay quân Nga, mặc dù chiếc soái hạm hiện đang trong trạng thái không sử dụng được. "Hetman Sagadachny” là loại hộ vệ hạm lớp Krivak III, được đưa vào sử dụng năm 1993 với lượng choán nước đầy tải 3.500 tấn, nó sử dụng động cơ diesel hỗn hợp, trang bị chủ yếu là hạm pháo 100mm và tên lửa phòng không 9K33 Osa (NATO gọi là SA-8 Gecco).

Tàu này là phiên bản thấp của Krivak, là tàu tuần tra được trang bị cho lực lượng biên phòng, thiếu tên lửa tấn công đối hạm và tên lửa hạm đối không. Sau khi được chuyển giao cho Hải quân Ukraine, do có lượng choán nước lớn nên nó được nâng cấp trở thành soái hạm của Hải quân nước này. Mặc dù có vị thế cao nhưng nó lại phụ thuộc vào phụ tùng thay thế của Nga, dẫn đến tình trạng bảo dưỡng kém. Ngoài ra, tình trạng kỷ luật quân sự trên tàu rất kém, điều này càng làm cho tình trạng của con tàu trở nên tồi tệ hơn.

Thời điểm sáng chói nhất của con tàu này là trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014. Việc "Hetman Sagadachny" và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ cùng nhau thực hiện cuộc tuần tra chung trên Biển Địa Trung Hải, thể hiện cho thế giới thấy Ukraine có một hậu trường vững chắc, và khiến các chính trị gia Ukraine xác nhận họ đã gắn kết với Mỹ.

Sau khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra năm 2014, trụ sở Bộ Tư lệnh hải quân Ukraine và cảng hải quân ở Sevastopol bị quân đội Nga chiếm đóng, 1/3 số tàu của Hải quân Ukraine đã đổi cờ và chạy sang hàng ngũ Hải quân Nga. Khi đó, tàu "Hetman Sagadachny" đang tham gia tập trận trên biển Địa Trung Hải, có một lúc con tàu đã giương cờ Nga, thế giới bên ngoài cho rằng có lẽ đã xảy ra một cuộc nổi loạn không thành trên tàu.

Chiếc "Hetman Sagaidachny" diễn tập trên biển (Ảnh: Sohu).

Chiếc "Hetman Sagaidachny" diễn tập trên biển (Ảnh: Sohu).

Tuy nhiên, trên thực tế, động thái này của tàu "Hetman Sagadachny" chỉ là thực hiện kế hoãn binh nhằm tránh bị Nga bắt giữ hoặc ngăn cản. Sau đó, con tàu này đã treo cờ Ukraine đi qua eo biển Bosphorus và quay trở lại Biển Đen thành công để vào cảng Odessa ở phía tây Ukraine. Kể từ đó, nhiệm vụ chính của tàu là đại diện cho Ukraine, thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung với phương Tây như “Sea Breeze”…

Vào đầu năm nay, Ukraine có kế hoạch sửa chữa lớn chiếc soái hạm này để có thể sánh ngang chiến hạm của Mỹ, nhưng bây giờ cuối cùng nó đã phải chịu số phận hẩm hiu nằm im dưới biển.

Chiếc "Hetman Sagaidachny" trong vai trò soái hạm trong một cuộc tập trận (Ảnh: Thepaper).

Chiếc "Hetman Sagaidachny" trong vai trò soái hạm trong một cuộc tập trận (Ảnh: Thepaper).

Một số thông số kỹ thuật của tàu "Hetman Sagadachny":

Chiều dài: 123m, rộng 14,2m, cao 4,7m. Tốc độ lớn nhất: 32 knots (59km/h). Thủy thủ đoàn: 193 người. Trang bị hỏa lực: 1 hạm pháo AK-100 (100mm), 2 súng phòng không tầm gần AK-630 (30mm 6 nòng), 2 ống phóng ngư lôi 533mm, 2 dàn rocket chống tàu ngầm RBU-6000, 1 trực thăng săn ngầm Ka-27 (Hangar của tàu chứa được 2 chiếc).