Được biết, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, và có thêm khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao và HIV.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân lao
|
Bên cạnh đó, bệnh lao kháng thuốc đang diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Năm 2017, trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 18% trong số bệnh nhân điều trị lại.
Tại Việt Nam, PGS.TS Lê Văn Hợi, Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm (từ 2007-2017), tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm.
Hiện nay, trên cả nước có 48/63 tỉnh, thành đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh hổi. Vì vậy, chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường, giúp tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Riêng trong năm 2018, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia có xu hướng giảm về số bệnh nhân lao các thể với 3.657 bệnh nhân. Số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm so với năm 2017 với 1.051 bệnh nhân.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì (87,2%) đạt mục tiêu của WHO đề ra là trên 85%.
Bệnh nhân lao được bác sĩ khám chữa tại cơ sở y tế
|
Bên cạnh đó, duy trì và tiếp tục triển khai hệ thống thu thập, quản lý thông tin, báo cáo trên internet từ tuyến tỉnh và mở rộng triển khai ở trên 857 huyện và các điểm tương đương; triển khai thành công việc lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo của WHO, năm 2018, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
PGS.TS Lê Văn Hợi cho biết có 3 lý do chính dẫn tới việc này. Thứ nhất, hiện chưa tầm soát hết các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc, tỷ lệ người được xét nghiệm trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương. Tỷ lệ điều trị thành công ở một số địa phương chỉ ở mức 68%, chưa đạt được chỉ tiêu 76% như kế hoạch.
Thứ hai, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực.
Thứ ba, công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lap trong khi tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, đồng nhiễm lao/HIV trong trại giam cao, công tác phát hiện còn thấp…