Trong tuyên bố chung gồm 17 điều này, có tới 3 điều nhấn mạnh tới vấn đề tranh chấp trên biển (trong bối cảnh này là biển Đông) và giải quyết các tranh chấp này cũng như bảo vệ tự do hàng hải tuy nhiên không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc.
Thứ nhất, tuyên bố nêu rõ các bên chia sẻ cam kết thực hiện giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, trong đó có tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý, không phải viện tới sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc đã được công nhận phổ biến của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật biển (UNCLOS);
Thứ hai, chia sẻ cam kết gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như những hoạt động hợp pháp khác trên các vùng biển; và các hoạt động thương mại hàng hải không bị cấm được quy định trong UNCLOS cũng như sự phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động.
Thứ ba, chia sẻ cam kết thúc đẩy hợp tác và giải quyết các thách thức chung tại vùng biển.
Ngoài vấn đề tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp trên biển là trọng tâm của tuyên bố chung này, tuyên bố còn đề cập tới nhiều vấn đề khác không kém phần quan trọng là hợp tác kinh tế, thúc đẩy thịnh vượng và chung tay đối mặt với các đe dọa khác trên toàn cầu như khủng bố (đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng).
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra ngày 15 và 16-2 tại Sunnylands, bang California. Ảnh: Reuters
Phiên họp ngày 16-2 đã tập trung chủ yếu vào vấn đề biển Đông. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông và các lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về sự cần thiết phải giảm nhiệt căng thẳng ở biển Đông và thống nhất rằng bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào ở đây cũng nên được giải quyết hòa bình và thông qua các phương tiện hợp pháp.
"Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết của các bước đi thiết thực ở biển Đông nhằm giảm thiếu căng thẳng, trong đó có việc chấm dứt các hoạt động bồi lấn, cải tạo đất và các hoạt động xây dựng và quân sự hóa mới” – ông Obama nói – Khi ASEAN cùng lên tiếng rõ ràng và thống nhất, an ninh, cơ hội và chân giá trị có thể được nâng cao”.
Đặc biệt, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên biển, trên không, ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các đồng minh thực hiện quyền tương tự... Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp các đồng minh và đối tác tăng cường khả năng hàng hải; và chúng tôi đã thảo luận về cách thức các tranh chấp giữa các bên liên quan phải được giải quyết một cách hòa bình như thế nào thông qua các phương tiện hợp pháp, chẳng hạn như phán quyết sắp tới của Toà trọng tài dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển mà tất cả các bên có nghĩa vụ phải tôn trọng và tuân thủ".
Theo NLĐ