Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu chỉ trích dữ dội Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau các Hội nghị thượng đỉnh G7, NATO, đến lượt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU ra Tuyên bố chung chỉ trích dữ dội Trung Quốc một loạt vấn đề liên quan. Người phát ngôn phái bộ Trung Quốc tại EU đã đáp trả mạnh mẽ.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU họp ngày 15/6 ra Tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc dữ dội (Ảnh: AP).
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU họp ngày 15/6 ra Tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc dữ dội (Ảnh: AP).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 16/6, hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU-US summit) đã tổ chức tại Brussels và đưa ra một tuyên bố, đề cập đến hàng loạt vấn đề liên quan đến Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan, Biển Hoa Đông, Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc chơi trò "cưỡng bức kinh tế" và "truyền bá thông tin sai sự thật".

Theo tin tức được công bố trên trang web chính thức của Nhà Trắng, Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU được chia thành bốn phần lớn. Phần đầu tiên là chấm dứt dịch bệnh, ứng phó với các thách thức về y tế toàn cầu trong tương lai, thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Phần thứ hai là bảo vệ Trái đất và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Phần thứ ba là tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ. Phần thứ tư là xây dựng một thế giới dân chủ, hòa bình và an ninh hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU (Ảnh: AP)

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU đã đề cập đến Trung Quốc trong phần thứ tư, nói rằng Mỹ và EU có kế hoạch tiến hành tham vấn và hợp tác chặt chẽ ở nhiều tầng về một loạt vấn đề trong khuôn khổ chính sách với Trung Quốc, bao gồm các yếu tố như hợp tác, cạnh tranh, và cạnh tranh có hệ thống.

Tuyên bố nêu rõ Mỹ - EU có kế hoạch tiếp tục phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm việc Trung Quốc liên tục vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng; xói mòn tiến trình tự trị và dân chủ của Hồng Kông; cưỡng ép kinh tế; truyền bá thông tin sai lệch và an ninh khu vực.

Tuyên bố nêu rõ Mỹ và EU vẫn bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, kịch liệt phản đối mạnh mẽ mọi ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng.

Mỹ và EU tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) về quyền lợi biển hợp pháp của các quốc gia, phân định ranh giới biển, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình; quyền tự do hàng hải, hàng không và các quyền sử dụng đại dương hợp pháp khác trên trường quốc tế.

Ông Joe Biden cùng hai nhà lãnh đạo EU gặp gỡ báo chí(Ảnh: AP).

Ông Joe Biden cùng hai nhà lãnh đạo EU gặp gỡ báo chí(Ảnh: AP).

Tuyên bố nêu rõ Mỹ và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bên bờ eo biển.

Tuyên bố chung cũng chỉ ra rằng Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ tiếp xúc và phối hợp mang tính xây dựng với Trung Quốc về các vấn đề biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và một số vấn đề khu vực.

Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh EU – Mỹ, trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 16/6 đưa tin: Sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO, Tổng thống Mỹ Biden đã đến trụ sở Liên minh châu Âu để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và EU vào thứ Ba (15/6). Ông Joe Biden đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh đề cập đến các vấn đề liên quan đến Trung Quốc (như ở phần trên), đồng thời cũng đề cập đến quyết tâm của EU và Mỹ trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để kích thích thương mại và đầu tư, củng cố vị trí hàng đầu của công nghệ và công nghiệp, thúc đẩy đổi mới, bảo hộ và thúc đẩy các công nghệ then chốt, mới nổi và cơ sở hạ tầng.

Hai nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp báo công bố Tuyên bố chung (Ảnh: AP).

Hai nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp báo công bố Tuyên bố chung (Ảnh: AP).

Thông cáo nhấn mạnh Mỹ và Liên minh Châu Âu đang hợp tác trong việc phát triển và triển khai các công nghệ mới dựa trên các giá trị dân chủ chung, bao gồm cả việc tôn trọng nhân quyền. Vì vậy, hai bên thành lập "Ủy ban Thương mại và Công nghệ" (Trade and Technology Council, TTC) để phát triển quan hệ thương mại và đầu tư song phương; tránh đặt thêm các rào cản thương mại kỹ thuật không cần thiết; phối hợp, tìm kiếm điểm chung và tăng cường hợp tác toàn cầu về công nghệ, các vấn đề kỹ thuật số và chuỗi cung ứng.

Thông cáo chung cũng nhấn mạnh rằng Mỹ và EU sẽ hợp tác trong việc cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới, bao gồm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế, đồng thời kêu gọi giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra của WHO về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 phải minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và do chuyên gia lãnh đạo, không bị cản trở gây nhiễu.

Cũng theo Đông Phương, bà Ursula von der Leyen cho biết tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Biden: “Hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc là vấn đề chính tạo nên sự khác biệt giữa Trung Quốc và Châu Âu. Chính vì lý do này, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh có tính thể chế (systemic rival) của Liên minh Châu Âu”. Về sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc với Âu Mỹ, bà nói: "Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta là đối thủ cạnh tranh kịch liệt về kinh tế. Đối với điều này, chúng ta cần các công cụ". Bà nói, không chỉ phải có các công cụ để bảo đảm thị trường số như 5G mà còn phải có các biện pháp như nước ngoài đầu tư trực tiếp và sàng lọc đầu tư để đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Mặt khác, Quốc hội Bỉ hôm thứ Ba (15/6) cũng đưa ra một nghị quyết cảnh báo có “nguy cơ diệt chủng nghiêm trọng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc. Dự thảo nghị quyết liên quan đã được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thông qua và sẽ được xác nhận trong cuộc họp toàn thể vào ngày 1/7 tới. Theo Đông Phương, Quốc hội Bỉ sẽ là quốc hội thứ sáu sau Canada, Hà Lan, Vương quốc Anh, Litva và Cộng hòa Séc thông qua nghị quyết lên án "tội ác chống lại loài người" của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Theo Đa Chiều, trước các nội dung liên quan đến Trung Quốc trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU, người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu đã lên tiếng phản hồi thông qua trang web chính thức.

Người phát ngôn phái bộ Trung Quốc tại EU bày tỏ: “Nội dung Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU đã vượt quá phạm trù phát triển bình thường của mối quan hệ song phương. Toàn bộ văn bản mang nặng tư duy của Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời và luận điệu chính trị phe nhóm. Cách làm kéo bè kết băng đảng và hình thành này "vòng tròn nhỏ" này đã đi ngược lại trào lưu lịch sử, hoàn toàn có hại cho hòa bình, ổn định quốc tế và khu vực”.

Ông Joe Biden có vẻ đã thành công trong việc đoàn kết các đồng minh cùng nhau đối phó Trung Quốc (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden có vẻ đã thành công trong việc đoàn kết các đồng minh cùng nhau đối phó Trung Quốc (Ảnh: AP).

Người phát ngôn nhấn mạnh: “Phía Trung Quốc bày tỏ kịch liệt bất bình và kiên quyết phản đối nội dung liên quan đến Trung Quốc trong Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ. Các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc; Biển Hoa Đông và Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi biển của Trung Quốc. Những vấn đề này liên quan đến lợi ích căn bản của Trung Quốc, không được can thiệp vào”.

Người phát ngôn phái bộ Trung Quốc tại EU chất vấn: "Còn về việc ai đang vung ra các lệnh trừng phạt đơn phương dựa trên những thông tin dối trá và sai sự thật? ai đang đàn áp và ép buộc các quốc gia khác để duy trì quyền bá chủ của mình, cộng đồng quốc tế đã thấy rất rõ ràng".

Người phát ngôn phái bộ Trung Quốc kết luận: "Quy luật tự nhiên rõ ràng và công lý nằm trong lòng người. Trung Quốc không còn là Trung Quốc ngày xưa, người dân Trung Quốc đã đứng lên sẽ không khiếp sợ vì bị đe dọa nữa. Trung Quốc sẽ kiên quyết đi theo con đường phát triển hòa bình và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia của mình”.