|
rung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an - tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 13-7 |
Chiều 13-7, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với báo chí về vụ thảm sát chấn động ở tỉnh Bình Phước.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an - Trưởng ban chuyên án điều tra vụ án “Giết người, cướp tài sản” tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước - cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ án, đến đầu giờ chiều ngày 7-7, đã có hàng ngàn cán bộ công an được huy động, trong đó riêng Bộ Công an đã huy động 14 đơn vị nghiệp vụ từ Hà Nội và TP HCM vào tham gia phá án. Ngoài ra, 10 lãnh đạo của công an các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, TP HCM và Đông Nam Bộ được huy động trực tiếp vào hiện trường để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo các phương án phối hợp.
Tất cả những người có kinh nghiệm đều được điều động, trong đó có Trung tướng Triệu Văn Đạt, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng (là 2 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát), Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an).
Để xác định được nghi phạm trong vụ thảm sát tại Bình Phước, Bộ Công an đã huy động các lực lượng ở mức cao nhất, làm việc với cường độ mạnh nhất. “Riêng hiện trường vụ án này được khám nghiệm tới 4 lần, cứ khám xong, thấy có điểm chưa an tâm lại làm lại từ đầu. Kể cả tôi cũng phải xắn tay đeo bao nilon vào để xem xét tỉ mỉ hiện trường” - Tướng Vĩnh cho biết.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh: "Riêng hiện trường vụ án này được khám nghiệm tới 4 lần, cứ khám xong, thấy có điểm chưa an tâm lại làm lại từ đầu"
Tướng Vĩnh cho biết bên cạnh sự tận tụy của cán bộ chiến sĩ công an còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của quần chúng nhân nhân. Ban chuyên án đã nhận được cả ngàn cuộc gọi, cả ngàn tin nhắn cung cấp thông tin, trong đó có cả của chủ tiệm ăn ở Bình Dương, TP HCM để công an phá án vì quá bức xúc trước tội ác chưa từng có.
Người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát cho biết trong vụ án tại Bình Phước, thủ phạm đã có động cơ rõ rệt là giết người sau đó cướp tài sản. Số tiền 1,7 tỉ đồng còn lại ở hiện trường không lấy được là nằm ngoài mong muốn của các hung thủ. Cũng từ động cơ giết người cướp tài sản có từ đầu, nên hung thủ đã tìm mọi cách để che giấu hành vi, chưa kể, vụ án quá thảm khốc đã có hàng ngàn người dân đến chia buồn khiến hiện trường ít nhiều xáo trộn gây khó khăn cho lực lượng công an.
Trải lòng với báo giới, tướng Vĩnh kể lại: “Vụ trọng án này với anh em chúng tôi là một áp lực khủng khiếp, cũng là một nỗi niềm lo nghĩ trăn trở nhiều lắm. Thứ nhất là thực hiện chỉ đạo trực tiếp từ Tư lệnh ngành là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Thứ hai là trách nhiệm của mình trong phòng chống tội phạm khi để xảy ra 1 vụ án khiến 6 người thiệt mạng”.
Theo tướng Vĩnh, vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại Bình Phước đã tác động lớn đến tâm lý của quần chúng nhân dân. “Đến nay vụ án đã được phá nhưng anh em chúng tôi không coi đó là chiến công mà là trách nhiệm của mình, ở đó còn có cả nỗi buồn vì những đau thương mất mát của người dân” - Tướng Vĩnh trải lòng.
Theo NLĐ