Tướng về hưu Phan Anh Minh: chuyện bây giờ mới kể

VietTimes -- Trong hơn 12 năm công tác ở báo Pháp Luật TPHCM, tôi có dịp được tiếp cận và phỏng vấn khá nhiều  các tướng công an như Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thượng tướng Lê Quý Vương, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Trung tướng Phạm Nam Tào, Trung tướng Cao Minh Nhạn…, nhưng, với tôi, những bài phỏng vấn Tướng Minh vẫn luôn luôn tạo sự khác biệt. Khi ông đã trả lời thì luôn thẳng thắn, không né tránh, đi thẳng vào vấn đề và đi đến cùng sự thật.
Tướng Minh trong một lần trả lời phỏng vấn.
Tướng Minh trong một lần trả lời phỏng vấn.

Hay không phải do phỏng vấn mà là người trả lời

Năm 2005, vào dịp thành lập ngành công an, tôi và một đồng nghiệp là Nguyễn Đức Hiển được Ban biên tập phân công liên hệ phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc công an TP.HCM. Tướng Dũng phân công Thượng tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP trả lời. Tướng Dũng nói với tôi: “Nội dung của tụi bây thì Minh trả lời phù hợp hơn tao”. Dù là bài phỏng vấn thành lập ngành, chúng tôi không vuốt ve, ngợi ca thành tích mà xộc thẳng các vấn đề chưa được của Công an TP.HCM ở thời điểm trước và sau vụ án Nam Cam. Cuộc trao đổi đó, ông Minh đã thẳng thắn, không tránh né các vấn đề chưa được của công an TP.HCM. Bài phỏng vấn đó đăng báo Pháp Luật TPHCM với title “Công an TP.HCM nhìn lại mình để tiến lên” và đạt giải nhì báo chí Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005. Sau khi bài báo đạt giải, có dịp gặp ông, ông cười và nói với tôi: “Không phải tụi mày phỏng vấn hay mà là tao dám trả lời thẳng, không tránh né các câu hỏi của tụi mày. Nhận tiền lãnh giải mà sao không mời tao đi uống rượu…”

m
Tướng Phan Anh Minh: “Mày học luật, theo mày, nếu như Cơ quan điều tra khởi tố người nhận hối lộ, người môi giới hối lộ mà không khởi tố người đưa hối lộ được không?"

Tôi không thống kê nhưng có lẽ chị Phạm Thục, Phạm Minh Đức (báo Tuổi Trẻ) và tôi là trong số nhà báo phỏng vấn tướng Phan Anh Minh đăng tải trên báo nhiều nhất. Ở báo Pháp Luật TP.HCM, mỗi khi có vụ việc liên quan đến trách nhiệm ngành công an hoặc có sự kiện cần có quan điểm của cơ quan điều tra, tòa soạn đều yêu cầu tôi liên hệ với Tướng Minh để phỏng vấn, trao đổi. Có lẽ Tướng Minh tin kiến thức pháp lý, khả năng chuyển tải nội dung của tôi khi trao đổi với ông nên tỉ lệ từ chối khá ít. Nhưng khi ông đã trả lời thì chẳng ngại va chạm.

Một vị Tướng nhân văn

Năm 2004, trong vụ tai nạn giao thông ở Củ Chi, chiếc xe ben tông chết hai em học sinh gây sự bất bình dữ dội của dư luận xã hội. Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng tải với nội dung là “Tài xế xe ben tông hai em học sinh, một em chết tại chỗ, một em còn sống, nhưng tài xế lùi lại cán cho chết hẳn”. Khi đến hiện trường, thẩm vấn những người dân gần đó và lãnh đạo xã, tôi cho rằng không thể có việc lùi xe để cán chết em học sinh như báo Phụ Nữ đăng.

Thế là báo Phụ Nữ và báo Pháp Luật TPHCM “bút chiến”. Để có kết quả điều tra một cách khách quan, không chỉ Công an huyện Củ Chi, PC 16 công an TP.HCM, Viện kiểm sát TP.HCM mà còn có Thanh tra Bộ Công an, Cục CSGT- Bộ Công an vào xác minh, thực nghiệm hiện trường vụ án có đúng như báo Phụ Nữ TP.HCM đăng tải hay không. Kết quả không có việc lùi xe cán chết em học sinh như báo Phụ Nữ đăng.

Để khách quan, Tướng Minh tổ chức họp báo công bố kết quả xác minh. Tại cuộc họp báo, Tướng Minh tạo điều kiện anh Minh Phong, Phó Tổng Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM  khi ấy tranh luận tại cuộc họp. Kết thúc cuộc họp, gặp tôi, ông Minh nói: “Tao biết mày có kết quả xác minh của PC 16 và Văn bản Công an huyện Củ Chi đề nghị khởi tố phóng viên báo Phụ Nữ đăng không đúng sự thật, vu khống công an huyện Củ Chi. Tao không đồng ý với Công an huyện Củ Chi và mày về trao đổi với tòa soạn là chỉ đưa thông tin cơ bản cuộc họp, đừng làm lớn nữa không hay cho báo Phụ Nữ và Pháp Luật TPHCM”.

Hôm đó, tôi và anh Trần Hồng Phong (Eco Law) dự cuộc họp, về Ban biên tập trao đổi với ông Tổng biên tập Nam Đồng. Sáng hôm sau, dù báo Pháp Luật TP.HCM thắng trong cuộc “bút chiến”, nhưng chỉ đăng 400-500 chữ tường thuật cơ bản về cuộc họp báo.

m
Tướng Phan Anh Minh chuẩn bị cho cuộc họp báo về vụ tai nạn giao thông ở Củ Chi

Bài phỏng vấn duy nhất không đăng

Trước khi vụ án liên quan đến nhà báo Hoàng Khương (báo Tuổi tẻ TP.HCM) xảy ra, tôi có gặp Tướng Minh. Lúc đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố CSGT Bình Thạnh về hành vi nhận hối lộ và anh Tôn Thất Hòa về hành vi môi giới hối lộ. Tôi hỏi Tướng Minh: "Khả năngcủa Hoàng Khương thế nào anh? Có cần thiết phải xử lý hình sự không". Tướng Minh trả lời: “Mày học luật, theo mày, nếu như cơ quan điều tra khởi tố người nhận hối lộ, người môi giới hối lộ mà không khởi tố người đưa hối lộ được không? Và VKS có đồng ý không khởi tố người đưa hối lộ không?

Sau đó, tôi biết thêm thông tin cơ quan điều tra đề nghị tước thẻ nhà báo của Hoàng Khương. Tôi không viết tin mà chỉ gửi báo cáo thông tin cho lãnh đạo Tòa soạn và Ban Biên tập về những thông tin liên quan đến vụ án. Một thời gian sau, cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam Hoàng Khương, tôi báo cáo với Ban Biên tập là tôi sẽ liên hệ với Tướng Minh để phỏng vấn tại sao lại xử lý hình sự Hoàng Khương? Có cần thiết không? Tướng Minh từ chối và nói với tôi là khi có bản án có hiệu lực pháp luật, ông sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào của tôi liên quan đến vụ án Hoàng Khương. Đúng như cam kết, sau khi có bản án phúc thẩm, ông Minh cùng với điều tra viên vụ án dành cho tôi gần 3 giờ để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ án Hoàng Khương.

Tôi chuyển tải thành bài phỏng vấn khá dài (2800 chữ) gửi cho Tổng Thư ký Tòa soạn Nguyễn Đức Hiển. Hiển báo bài viết tốt nhưng Ban Biên tập cân nhắc không đăng vì ít nhiều bài báo cũng ảnh hưởng đến báo bạn và đồng nghiệp. Và đây là bài viết về Tướng Minh duy nhất của tôi không được đăng dù đề tài đã được Ban Biên tập phê duyệt kế hoạch.

“Sau 30/6 mày và Ái Nhân ghé tao uống rượu nha!”

l
Tác giả bài viết (bìa trái) và Thiếu tướng Phan Anh Minh.

Sự việc tướng Minh trả lời vụ quán cà phê Xin Chào xảy ra, lúc tôi đã nghỉ làm báo. Tôi điện thoại hỏi ông bối cảnh và toàn bộ câu nói “nhỏ như móng tay” mà báo chí đăng tải. Tôi trách ông là Thủ trưởng điều tra công an TP, ông hoàn toàn biết khả năng điều tra của cấp dưới. Vậy mà huyện Bình Chánh, một địa bàn rộng lớn và đang đô thị hóa nhanh mà lại bố trí anh Quý vốn dĩ xuất thân là trinh sát đội 5, Phòng CSĐT trật tự xã hội làm Thủ trưởng điều tra công an huyện Bình Chánh. Ông Minh nói: “Tôi không đồng ý Quý làm Trưởng công an huyện Bình Chánh nhưng tôi không phải là người quyết định…”

Về phát biểu của tướng Minh liên quan đến Chỉ thị 15, 50% vụ án buôn lậu đều dính đến Hải Quan, nhiều nhà báo, các facebookers đã đề cập đầy đủ. Tôi chỉ bổ sung thêm chi tiết nhỏ. Sau khi ông Minh phát biểu 50% vụ án buôn lậu đều có bóng dáng của Hải Quan bị Tổng cục Hải quan phản ứng. Tình cờ uống cà phê gặp tướng Nguyễn Chí Dũng. Tướng Dũng nói với tôi: “Anh có điện thoại hỏi Minh là việc em nói như vậy có chắc không. Minh nói với anh là đều có căn cứ, hồ sơ cả…”

Một phát biểu khá sốc của tướng Minh liên quan đến đặc xá là không chỉ phạm nhân cải tạo tốt được đặc xá mà nhiều trại giam quá tải nên không ít phạm nhân chưa đủ chuẩn đặc xá cũng được đặc xá. Đó là thực tế xảy ra nhưng khi phát biểu công khai và báo chí đăng tải, không ít người trong ngành công an, nhất là người công tác trong lĩnh vực giam giữ phản ứng.

Trước khi nghỉ viết báo, trong cuộc họp báo ngày 21/6/2015, tôi nói với tướng Minh: “Sắp đến em không quấy rầy anh nữa. Em cần thay đổi, làm nghề báo 12 năm với em là đã quá lâu. Em nghỉ để tập sự và hành nghề luật sư”. Ông nói: “Ra làm luật sư thì nhớ bảo vệ cho bị hại, người yếm thế nhé mày”. 

Vài ngày trước khi tướng Minh nghỉ hưu, tôi điện thoại cho ông hỏi sơ vụ Linh “nựng” và việc nghỉ hưu của ông. Ông nói ngày mùng 1/5 là nghỉ hưu nhưng công tác bàn giao kéo dài cho hết tháng 6 thì mới chính thức nghỉ. Tôi hỏi Tướng Minh: “Anh khó gần, khó tiếp cận, các báo khó phỏng vấn được anh, vậy mà em ít bị anh từ chối nhất. Có phải anh tin khả năng chuyển tải của em khi trao đổi với anh và một phần anh cũng quý thằng em”, ổng cười: “Mày nói đúng”.

Mấy năm trước, khi còn làm báo, dù khá thân với tướng Minh nhưng tôi chỉ uống rượu với ông 1, 2 lần trong dịp 21/6. Có dịp giáp Tết, tôi đi với một người bạn là Ái Nhân mang ký chả bò đến gửi ông uống rượu nhưng bị người nhà ông từ chối. Nhưng lần này, ông nói: “Sau 30/6 mày và Ái Nhân ghé tao uống rượu nha!”