Như báo cáo trước VietTimes đã phản ánh, Đa Chiều - trang báo của cộng Đồng người Hoa tại Mỹ nhận định rằng Trung Quốc tập trận không nhằm trực diện vào Việt Nam, Philippines mà là nhằm vào "nước lớn ngoài khu vực có thể sẽ can dự" - tức Mỹ, Nhật Bản.
Bước vào năm 2016 và cho đến nay, trong vòng chưa đến 1 năm, tàu chiến Quân đội Mỹ đã 3 lần triển hành hành động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Sự can dự trực tiếp ngày càng dồn dập của Mỹ ở Biển Đông đã cho thấy Mỹ nhanh chóng từ bỏ vai trò "đứng đằng sau", trở thành người tham gia trực tiếp vào tình hình Biển Đông. Điều này chắc chắn đã gây sức ép to lớn đối với Trung Quốc.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã được nói đến nhiều. Hơn nữa, trong vài năm gần đây, cùng với tình hình quốc tế trở nên ngày càng phức tạp và quan hệ Trung-Mỹ ngày càng tinh tế, vai trò của Biển Đông với tính chất là "ngòi nổ" của mâu thuẫn Trung-Mỹ ngày càng nổi bật.
Ngay từ tháng 7/2015, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận có quy mô chiến dịch trong môi trường điện từ phức tạp ở Biển Đông, đã điều động hơn 100 tàu chiến, vài chục máy bay, đồng thời còn điều động Lực lượng tên lửa chiến lược, Lực lượng chi viện chiến lược, v.v...
Trước đó, tháng 9/2014, Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc tập trận thực binh ở Biển Đông có sự tham gia của cả hải quân, không quân và pháo binh 2. Năm 2013 cũng từng tổ chức tập trận.
Trên báo chí Trung Quốc lúc đó, cụm từ "chưa từng có" thường được sử dụng, mỗi lần tập trận đều dùng từ "chưa từng có".
Từ cấp độ đến số lượng trang bị, từ cường độ đối kháng đến trình độ "hợp thành" của các lực lượng tham gia tập trận đều tăng lên rõ rệt. Cuộc tập trận năm nay cũng sẽ "chưa từng có".
Thiếu tướng Doãn Trác, chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá về cuộc tập trận năm 2015: "Thực lực hải, không quân của các nước xung quanh Biển Đông có hạn, năng lực tác chiến điện tử cũng không mạnh, nếu nổ ra chiến tranh ở Biển Đông trong tương lai, phần lớn sẽ không vượt qua quy mô diễn tập "chưa từng có" lần này.
Nhưng do nước lớn ngoài vực có thể sẽ can thiệp, Hải quân Trung Quốc rất có thể đụng phải một cuộc đối đầu trên biển, trên không trong môi trường điện từ phức tạp. Vì vậy, cuộc diễn tập năm 2015 đã tạo ra môi trường điện từ phức tạp".
Mặc dù Doãn Trác không nói "nước lớn ngoài khu vực" là ai, nhưng sức ép do các hành động dồn dập của Mỹ ở Biển Đông tạo ra cho Trung Quốc là "không thể xem nhẹ".
Do đó, có thể thấy, đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Biển Đông ngày càng gay gắt, hơn nữa, hai nước cũng ngày càng ý thức được tính nghiêm túc của vấn đề này và có hành động thực tế.
Đa Chiều cho rằng trong tình hình này, kết quả phán quyết của PCA đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines "vừa không quan trọng vừa rất quan trọng".
Điều “không quan trọng” là do Trung Quốc (tuyên bố) "có đủ chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế", có sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự để chứng minh và bảo vệ cái gọi là "chủ quyền Biển Đông".
Mặc dù Đa Chiều nói như vậy, nhưng các chứng cứ do Trung Quốc đưa ra hoàn toàn không có sức thuyết phục, chỉ là bịa đặt và không đứng vững về mặt pháp lý.
Hơn nữa, Đa Chiều nói như vậy chứng tỏ Bắc Kinh sẽ ưa sử dụng sử dụng quân sự để áp đặt yêu sách bành trướng “đường chín đoạn”. Điều này đã vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế – PV.
Điều “quan trọng” là một khi kết quả phán quyết của PCA bất lợi cho Trung Quốc, điều này sẽ được Mỹ tận dụng. Khi đó, hành động tự do đi lại của Quân đội Mỹ ở Biển Đông sẽ “có lý, có căn cứ”, tiến tới có thể xảy ra một loạt xung đột, sức ép gây ra cho Trung Quốc sẽ vượt rất xa so với bản thân kết quả phán quyết của PCA.
Hệ quả từ phán quyết này rõ ràng có thể diễn ra như Đa Chiều nhận định và đó là một tất yếu. Nếu phán quyết của PCA công bằng sẽ đem lại ưu thế pháp lý và đạo đức cho các nước ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt với thách thức “mất thể diện quốc gia” và chịu đủ sức ép mọi mặt từ cộng đồng quốc tế.