Tướng trận Vị Xuyên và hơn 2.000 ngày giữ đất

"Có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đạn pháo vào Vị Xuyên, có mỏm núi đá bị bạt đến 3m", thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 - 1989 kể.
Thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Vị Xuyên trên cao điểm 468, từ nơi này có thể nhìn bao quát được hệ thống cao điểm ở phía sau. Ảnh:Hoàng Phương.

- Lễ ra mắt Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên ngày 14/7, lần đầu tiên đưa ra số liệu hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Hà Giang. Con số này được thống kê từ đâu, thưa ông?

- Đây là số liệu được thống kê từ các sư đoàn từng chiến đấu ở Vị Xuyên, tính từ năm 1984 đến 1989, ngoài ra còn hàng nghìn người bị thương và hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Tới đây, từng ban liên lạc của các Sư đoàn sẽ rà soát lại để có số liệu cụ thể hơn.

- Vì sao Trung Quốc chọn Vị Xuyên mà không phải điểm nào khác ở biên giới?

- Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh chiếm bởi nơi đây có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn vững chắc, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta.

Lạng Sơn với những địa danh như Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị là khu vực quốc tế quan sát rất rõ và biết ngay nếu Trung Quốc có động thái gì. Nhưng nếu chọn Vị Xuyên (Hà Giang) thì dù có đưa lực lượng lớn đến cũng ít bị chú ý. Trung Quốc khôn ngoan chọn nơi này để tránh dư luận thế giới. Đến giờ, nếu nhắc đến Vị Xuyên có lẽ nhiều người cũng không biết nó nằm ở đâu.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 - 1989

- Tương quan lực lượng hai bên thời điểm 1984 ra sao?

- Ban đầu khi đánh chiếm biên giới Vị Xuyên tháng 4/1984, Trung Quốc huy động lực lượng của 5 sư đoàn gồm 3 sư đoàn phía trước và 2 sư đoàn phía sau, khoảng 400 khẩu pháo hạng nặng chưa kể vũ khí khác. Phía Việt Nam có Sư đoàn 356 chủ công, sau thêm Sư đoàn 313, 314 ở từ Hoàng Liên Sơn sang. 

Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến và thay nhau đóng giữ, chưa kể các trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ và các tỉnh khác.

- Nhiều người vẫn chưa hình dung được cuộc chiến ấy diễn ra gian khổ và khốc liệt ra sao, thưa ông?

- Sau chiến dịch MB84, quân Trung Quốc lấn sâu nhiều điểm cao biên giới. Chúng ta đưa lực lượng lên thực hiện chiến thuật bao vây, đánh lấn, chuyển từ tiến công nhanh sang phòng ngự trực tiếp, chặn đứng thế tiến của Trung Quốc để khôi phục lại trận địa và giành lại điểm cao.

Từ đầu năm 1985, chiến sự diễn ra cực kỳ ác liệt. Ban đầu bộ đội ta lấy lại điểm cao khó khăn do địa hình bất lợi. Có những điểm ta phản kích lấy lại nhưng không giữ được vì hỏa lực đối phương mạnh. Đỉnh điểm đầu năm 1985, một ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng khoảng 5 km, chiều sâu 3 km. So sánh lượng đạn pháo ấy không kém hỏa lực Mỹ đánh vào thị xã Quảng Trị năm 1972, chỉ thiếu không quân rải bom mà thôi. Sau năm 1989, chúng tôi cho đo đạc lại, có vị trí ở điểm cao 685 bị bạt đi đến 3m.

Nhiều vị trí, hai bên đóng quân chỉ cách nhau 20-30 m nhưng giành giật từng tấc đất, mỏm đá hàng tháng trời. Để giải quyết tinh thần, tư tưởng cho chiến sĩ, thượng tướng Nguyễn Hữu An lên trực tiếp chỉ huy trận địa đã có chủ trương không tấn công đồng loạt mà chọn một điểm để đánh với mục tiêu: chiếm được chốt và giữ vững bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi tự tay tuyển chọn chiến sĩ tinh nhuệ trực tiếp huấn luyện. Anh Nguyễn Hữu An xuống tận nơi để chỉ cho chiến sĩ động tác leo trèo, đi đứng, cách đánh địa hình núi đá ra sao...

Chúng ta cũng rút ra kinh nghiệm chiếm lại được một số chốt nhưng không giữ được là vì tiếp tế quân số và vũ khí không kịp. Phương án đưa ra là ngay sau khi chiếm được chốt, ta tập trung lực lượng đưa vũ khí, đạn dược, bao cát làm hầm lên ngay. Hai lữ đoàn công binh chuyên đúc những thanh bê tông làm hầm, củng cố công sự, giảm thương vong cho chiến sĩ. Những ngày giữ chốt còn gian khổ hơn, vài lời không thể nói hết được.

Những vật nổ còn sót lại trên cao điểm 685, nhiều người dân xã Thanh Thủy đi nương, đi rừng gặp nạn khi không may dẫm vào mìn, vật nổ này. Ảnh:Phạm Xuân Thanh.

- Thưa ông, cuộc chiến Vị Xuyên để lại cho chúng ta bài học gì về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trong tình hình mới hiện nay?

- Đó là phải luôn luôn cảnh giác. Như tôi đã nói rõ trong ngày 14/7 khi ra mắt Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, dù đất nước độc lập, thống nhất nhưng thế hệ ngồi đây và con cháu phải luôn hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực bành trướng phương Bắc đối với chủ quyền, lãnh thổ nước ta.

Chúng ta không kích động hằn thù dân tộc và vẫn giữ vững nền hữu nghị giữa hai nước, ghi nhớ những sự giúp đỡ tốt đẹp trong kháng chiến, nhưng càng không được phép quên những lần Trung Quốc động binh xâm phạm chủ quyền. Những sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, chiến tranh biên giới 1979 là bài học xương máu nhắc nhở hàng ngày, hàng giờ.

Cũng cần nói rõ cho nhân dân và thế hệ sau biết rõ đây là một cuộc chiến tranh xâm phạm biên giới Việt Nam của Trung Quốc. Đã có thời gian, cuộc chiến gần như bị quên lãng. Nhiều người biết đến mốc thời gian chiến tranh biên giới tháng 2/1979 mà không biết chiến sự còn diễn ra suốt 10 năm, không biết chiến trường Vị Xuyên trải dài và kéo dài liên tục 5 năm. Có vị đại tá còn hỏi tôi "Vị Xuyên là ở đâu?".

Video phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Theo VNE

Theo VNE