Xung quanh động thái này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh Quân Khu 4.
Trung tướng có đánh giá thế nào về động thái Trung Quốc đưa tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm mới đây?
Nói đến hành động cụ thể của Trung Quốc thì phải làm rõ bản chất của sự việc đó là như thế nào.
Ở đây, cần thấy rằng, việc Trung Quốc đưa máy bay ra Trường Sa, đưa tên lửa phòng không ra Hoàng Sa, hoàn toàn không phải là một hành động đơn lẻ với một mục đích riêng lẻ.
Thực tế, đó là một hành động đã được Trung Quốc lên kế hoạch từ lâu, nằm trong hệ thống quan điểm của họ là quyết tâm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, độc chiếm Biển Đông.
Từ sau lúc kinh tế phát triển, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thì quan điểm “trỗi dậy hòa bình”, ý đồ phục hưng lại nước Trung Hoa – trung tâm của thế giới – lại càng được Bắc Kinh đẩy mạnh và có điều kiện thực hiện.
Ta nhớ lại rằng không phải đến bây giờ mà hành động của Trung Quốc đã bắt đầu từ những sự kiện 1956, 1974, 1988. Đó là một chuỗi hành động, sự kiện có ý đồ rõ ràng, được thực hiện một cách có hệ thống, hòng chiếm đoạt bằng được Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta.
Hoàng Sa, Trường Sa là “cái gai” trước mắt Trung Quốc và cũng là cánh cửa để họ mở ra ý đồ độc chiếm Biển Đông. Để độc chiếm Biển Đông, trước hết, Trung Quốc phải chiếm được Trường Sa, Hoàng Sa.
Tham vọng “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã nêu ra và đang thực hiện liên quan đến sự sống còn của Việt Nam. Đảng ta đã nói rằng Biển Đông là không gian sinh tồn của đất nước từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cho nên, nếu mất Trường Sa, Hoàng Sa, nếu để Trung Quốc thực hiện thành công mưu đồ “đường 9 đoạn”, chúng ta chỉ còn vùng lãnh hải 20 hải lý. Vậy Việt Nam lại xem như một quốc gia biển mà lại không có biển. Đó cũng là âm mưu thâm hiểm mà Bắc Kinh hướng đến.
Ông có thể nói rõ hơn về quá trình từng bước thực hiện ý độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đã tiến hành trong quá khứ?
Trước kia, khi Trung Quốc còn yếu và chúng ta cũng mới giành được độc lập ở miền Bắc, năm 1956, Trung Quốc đã tiến hành xâm chiếm trái phép một phần của Đông Hoàng Sa .
Năm 1974, khi mà Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền và đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, lợi dụng lúc Mỹ rút, Việt Nam Cộng hòa suy yếu, Trung Quốc đã tiếp tục chiếm đoạt trái phép các đảo Tây Hoàng Sa.
Năm 1975, chúng ta hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được cả thế giới khâm phục thì đến năm 1977, Trung Quốc lại xúi giục, hỗ trợ Khmer Đỏ gây hấn, tấn công, nhằm làm kiệt quệ Việt Nam, hòng đẩy chúng ta vòng phụ thuộc của họ. Nhưng ý đồ của Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại.
Tháng 2/1979, khi chúng ta phối hợp với lực lượng cách mạng, yêu nước Campuchia giải phóng nước bạn, tiêu diệt Khmer đỏ, thì Trung Quốc lại đem quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của chúng ta. Mục tiêu của họ là làm cho Việt Nam không thể trỗi dậy, mà phải chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng Việt Nam của chúng ta kiên quyết không chịu khuất phục.
Năm 1988, khi chúng ta vẫn đang phải tập trung phòng thủ và đối diện với các xung đột lãnh thổ khu vực biên giới phía Bắc, thì Trung Quốc lại dùng hải quân đánh chiếm trái phép 6 đơn vị đảo của chúng ta ở Trường Sa.
Đấy là các hành động nổi bật của Trung Quốc trong giai đoạn mà họ còn chưa giành được thế thượng phong về kinh tế.
Hình ảnh do Công ty hình ảnh vệ tinh quốc tế (ISI) cho thấy, Trung Quốc đã bố trí hai nhóm tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bao gồm 8 xe chuyên chở làm bệ phóng. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, ngày 3/2, bờ cát trên đảo Phú Lâm trống trải, nhưng đến ngày 14/2, tên lửa đã xuất hiện trên bờ cát.
Gần đây, khi nền tảng kinh tế đã phát triển vượt bậc, Trung Quốc lại đẩy mạnh thực hiện một cách quyết liệt các hành động trong ý đồ trỗi dậy của mình.
Nối bật nhất là sự kiện dàn khoan Hải Dương 981, xảy ra vào tháng 5/2014. Ta lại kiên quyết đấu tranh và cuối cùng Trung Quốc đã phải rút. Nhưng phải nhận thức rằng, Trung Quốc lùi một bước nhưng họ vẫn tìm cách để tiến hai bước.
Thực tế, là trong hai năm trở lại đây, không những ở Hoàng Sa nữa mà Trung Quốc còn đang ồ ạt bồi đắp các đảo mà họ đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam ở Trường Sa.
Chiến thuật của Trung Quốc rất nham hiểm, họ không dùng sức mạnh tổng lực để chiếm một lúc khi bối cảnh thể giới hiện nay không cho phép, mà Trung Quốc cứ lấn dần, lấn dần, lấn dần; bị đấu tranh thì tạm lùi, rồi sau đó lại tìm cách lấn tiếp. Đó là kiểu chiến thuật mà mọi người vẫn gọi là “tằm ăn rỗi”, hay là “mối xông nhà”, tức là cứ làm dần dần để cho người ta quen đi, để người ta nói mãi cũng chán, cũng nản nhưng đến lúc mất rồi mới, hay thì đã muộn.
Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc quyết định đưa tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ tác động đến cục diện Biển Đông ra sao, thưa Trung tướng?
Việc đưa tên lửa phòng không ra đảo Hoàng Sa đánh dấu bước đi đầu tiên của Trung Quốc trong chiến lược quân sự hóa Biển Đông, thực hiện ý đồ xuyên suốt của họ là sẽ lần lượt quân sự hóa Biển Đông, khống chế khu vực Biển Đông bằng lực lượng quân sự.
Để chuẩn bị cho động thái này, trước đó Trung Quốc cũng đã nhiều lần tiến hành đưa máy bay dân sự ra hạ cánh ở các đảo, để cho thế giới dần quen với các động thái của họ ở Biển Đông.
Và nếu đối phương bên kia mà không có hành động quyết liệt thì Trung Quốc sẽ tìm cách lấn tới. Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông và có tham vọng vươn sang khống chế cả khu vực Ấn Độ Dương.
Ba lý do khiến Trung Quốc lựa chọn thời điểm hành động
Vậy, tại sao Trung Quốc lại lựa chọn thời điểm này để đưa tên lửa phòng không ra Hoàng Sa, thưa ông?
Lý do trước tiên, đến từ các động thái hiện diện của Mỹ ở khu vực Biển Đông.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, các chiến hạm Mỹ đã liên tục đi vào sát khu vực 12 hải lý tại các đảo mà Trung Quốc đang chiếm cứ trái phép của Việt Nam tại Hoàng Sa. Rồi các máy bay trinh sát Mỹ cũng nhiều lần bay qua các đảo.
Trung Quốc cho đó là hành động khiêu khích nên họ đưa các tên lửa phòng không ra để uy hiếp và cũng là một động thái răn đe Hoa Kỳ khi mà quốc gia này đang càng ngày càng thể hiện sự can thiệp sâu hơn vào khu vực Biển Đông.
Lý do thứ hai đến từ cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước ASEAN và Mỹ, vừa diễn ra, bàn về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông.
Đúng lúc hội nghị vừa tiến hành thì Trung Quốc quyết định đưa ra trang bị tại đảo Phú Lâm hệ thống tên lửa phòng không. Mục đích chính của Trung Quốc là để hù dọa và nắn gân xem đối phương bên kia có đối sách thế nào.
Bên cạnh đó, cùng còn một yếu tố thứ ba liên quan Nga. Việc Nga đang bị các nước Phương Tây cô lập và gây nhiều khó khăn đã đẩy cường quốc này về phía Trung Quốc và chấp nhận ủng hộ các hành động của Trung Quốc.
Bây giờ Trung Quốc mới đưa tên lửa phòng không ra nhưng không loại trừ khả năng trong tương lai, Trung Quốc sẽ đưa ra đó cả một hạm đội với trang bị đầy đủ.
Trước hành động trên của Trung Quốc, Việt Nam cần có bước đi cụ thể gì để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thưa Trung tướng?
Biện pháp thì rất nhiều nhưng ta vẫn phải kiên trì với con đường đấu tranh hòa bình nhưng phải là đấu tranh quyết liệt bằng các biện pháp pháp lý, bằng sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam phải kiên quyết lên tiếng vì đó là Hoàng Sa, chủ quyền lãnh thổ hợp pháp và thiên liêng của chúng ta. Nhưng mà chỉ nói bình thường như lâu nay thì tôi cho là nó chưa đủ.
Nó cũng giống với việc, nếu bị bệnh cúm thì có thể uống mấy viên thuốc cảm cúm hay bôi dầu cù là thì khỏi nhưng với các căn bệnh trọng hơn mà vẫn dùng toa thuốc đó thì không được, bệnh nặng thì cần phải có thuốc đặc trị.
Đây là một cuộc đấu tranh rất lâu dài, rất phức tạp. Mà cuộc đấu tranh đó, cấp độ nâng lên bao nhiêu là tùy thuộc vào hành động của Trung Quốc, nếu Trung Quốc đẩy hành động của họ lên cao hơn mà chúng ta vẫn sử dụng biện pháp như cũ là chúng ta thua.
Nhưng quyết định ở đây, cũng không phải chỉ mình Trung Quốc, không phải Trung Quốc muốn gì cũng có thể làm được. Bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi, thế giới là một mái nhà chung.
Tham vọng, yêu sách, hành động của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng nguy hiểm tới riêng Việt Nam hay Philippine, cũng không chỉ với riêng có khu vực mà là cả toàn cầu, cả Mỹ, cả Nhật, cả Úc, cả Ấn Độ….
Các nước đều phải nhận thức được điều đó, ngày nay không ngăn chặn được ở Biển Đông thì ngày mai sẽ là Ấn Độ Dương. Nhà hàng xóm bị đốt mà không dập lửa thì ngày mai cháy nhà mình cũng chẳng còn ai.
Việt Nam cần phải đoàn kết với các nước trên thế giới, tập hợp lại, đồng lòng, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các hành động đe dọa từ phía Trung Quốc. Trước tiên là bằng các biện pháp hòa bình, trên mặt trận ngoại giao, chính trị và pháp lý.
Sức mạnh không phải quyết định từ Trung Quốc mà sức mạnh là từ các lực lượng chống lại ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
“Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc”
Theo ông, Việt Nam nên có đối sách ra sao trong thời điểm hiện nay?
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Việt Nam phải kiên quyết đấu tranh. Và con đường đấu tranh cũng như đấu tranh chung, tức là phải đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, tập hợp lực lượng.
Đặc biệt, quan trọng nhất là trong Đảng và Nhà nước ta với Nhân dân ta có thống nhất là kiên quyết bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa không, con đường có phải là sống chết với Trường Sa, Hoàng Sa không.
Cũng giống như ngày xưa, chống Pháp là “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”, chống Mỹ là “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hai khẩu hiệu cơ bản của hai thời kỳ.
Hiện nay, chúng ta cũng phải thấy được ý chí của toàn dân tộc.
Phải thống nhất tư tưởng là hữu nghị với Trung Quốc nhưng với điều kiện là Trung Quốc phải tôn trọng chúng ta, kiên quyết không để Trung Quốc lấn ép chúng ta.
Hữu nghị trên tinh thần bình đẳng, đúng như câu nói mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu là “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Câu nói của Thủ tướng cũng là của cả dân tộc Việt Nam, thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam, rằng chúng ta rất cần hữu nghị nhưng không phải hữu nghị viển vông, hữu nghị lệ thuộc.
Chúng ta phải kiên quyết với lập trường như vậy. Sách lược có thể mềm dẻo nhưng chiến lược phải kiên quyết, cứng rắn.
Điều cốt lõi là cả dân tộc Việt Nam, không phải chỉ nói lời mà phải bằng hành động cụ thể, mọi người đều phải thấy rằng Hoàng Sa, Trường Sa chính là tồn vong của đất nước.
Đừng cho rằng đòi lại Hoàng Sa là khó khăn mà thấy nản, một dân tộc trước khó khăn mà chán nản thì là một dân tộc chết.
Hãy nhớ rằng một nghìn năm Bắc thuộc trước đây, tổ tiên ta ngày xưa, cô độc như vậy, đói khổ như vậy, lạc hậu như vậy mà một nghìn năm vẫn không bị đồng hóa, dám kiên trì đấu tranh để giành lại độc lập.
Vì vậy, với thế và lực mới của đất nước như hiện nay, không có lý do gì chúng ta lại không đứng vững. Tổ quốc phải trên hết!
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Được biết, hơn hai chục năm trước, sau khi xảy ra vụ Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Gạc Ma, nhận chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê, tướng Nguyễn Quốc Thước đã cùng tướng Nguyễn Chơn – Phó Tổng tham mưu trưởng – ra khảo sát toàn bộ các đảo ở Trường Sa. Sau đó, về báo cáo Bộ trưởng để hoạch định lại chiến lược phòng thủ.
Giữa năm 2015, ở tuổi 89, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng đã cùng ba vị khách đặc biệt khác là ông Phan Diễn, 78 tuổi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, 76 tuổi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Nguyễn Đức Soát, 69 tuổi, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, thăm lại Trường Sa.
Trần Hữu Vinh (Thực hiện)