Tốn một khối lượng tiền khổng lồ
Rác thải hữu cơ đang là vấn đề nhức đầu của các đô thị lớn tại Việt Nam và trên thế giới. Riêng tại TP.HCM, đã có khoảng 10.000 tấn rác thải hữu cơ phải xử lý mỗi ngày, trong đó phần lớn bằng công nghệ chôn lấp. Trong thời buổi “đất vàng” như hiện tại, quanh TP.HCM chỉ có 2 bãi rác để xử lý, công tác thu gom vô cùng vất vả và tốn kém. Ngoài ra, biện pháp chôn lấp tạo ra nhiều hệ lụy lâu dài về môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
“Phí thu gom rác được đóng cho người, đơn vị gom rác, còn khâu vận chuyển, xử lý rác vẫn được nhà nước bao cấp, riêng khoản chi cho khâu này là hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm” – Con số được cung cấp từ ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM.
Ông Huỳnh Kim Tước (đứng giữa) trong phần ký kết chuyển giao công nghệ 6R
|
Tại hội thảo “Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản”, tổ chức tại Sagon Innovation Hub (TP.HCM) chiều 7/1, ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (SIHUB) cho biết: “Giải pháp công nghệ 6R (Reduce, Reuce, Recycle, ReCreate, ReGenerate, ReCharge)với mục tiêu không phát thải CO2 trong suốt quy trình từ vận chuyển đến xử lý rác thải hữu cơ đến từ Nhật Bản được hỗ trợ bởi bộ Môi trường Nhật Bản và quản lý bởi Trung tâm Môi trường Thế giới của Nhật Bản và đã được kiểm chứng trong hơn 5 tháng thử nghiệm vừa qua, xử lý rất hiệu quả nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ Bình Điền (TP.HCM)”.
“Khác với các công nghệ hiện tại, rác hữu cơ thường được xử lý để tạo ra phân composit hoặc xử lý theo hướng biogas làm mất nhiều thời gian, chiếm không gian và gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ 6R của MILAI (theo tiếng Nhật Bản có nghĩa là tương lai) cho phép giải quyết được bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hệ thống gồm hai phần chính: hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác. Trên cơ sở các ưu điểm công nghệ và phù hợp với tính chất rác thải của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng (chất thải thực phẩm chiếm tỉ lệ khá cao từ 83 – 88,9% thành phần chất thải rắn), cùng với sự ra đời của các quy định mới về yêu cầu phân loại rác thải đang được áp dụng tại TP.HCM, việc áp dụng công nghệ mới vào xử lý rác thải hữu cơ để tái tạo năng lượng là phù hợp và vô cùng cần thiết” - Ông Nguyễn Văn Phú, đại diện ban quản lý dự án xử lý rác thải theo công nghệ 6R phân tích.
Chiếc xe điện thu gom rác chạy bằng năng lượng từ việc xử lý rác
|
“SIHUB có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc về lĩnh vực năng lượng, áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu phát thải khí nhà kính luôn là mục tiêu hàng đầu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Do đó, dưới sự hỗ trợ của Sở KH&CN TPHCM và Chính phủ Nhật Bản, SIHUB đang bắt tay hợp tác cùng MILAI và các tập đoàn tại Nhật Bản tìm kiếm các đối tác chuyển giao và nội địa hóa công nghệ này tại Việt Nam” – Ông Huỳnh Kim Tước nói.
Ông Ichiro Hatayama – Chủ tịch tập đoàn MILAI cho biết: “Công nghệ xử lý rác hữu cơ và xe điện không có khí thải độc hại là sản phẩm đã được bộ Môi trường Nhật Bản công nhận và hỗ trợ phát triển tới các vùng miền trong và ngoài nước Nhật. Chúng tôi mong muốn chuyển giao công nghệ phát điện và nhiệt từ rác thải hữu cơ hiệu suất cao sang Việt Nam”.
Ông Ichiro Hatayama – Chủ tịch tập đoàn MILAI
|
Nhiều băn khoăn nóng bỏng
Ông Ngô Trung Kiên, Giám đốc công ty Cổ phần Công trình đô thị Bến Tre, đơn vị thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh đường phố và sản xuất kinh doanh chế phẩm xử lý rác cho biết tỉnh Bến Tre mỗi ngày xử lý khoảng 150 tấn rác tại thành phố, và mỗi huyện khoảng vài chục tấn. Với công suất lên đến 25 tấn rác/một máy mỗi ngày, và tính chất có thể xử lý phân tán chứ không cần tập trung rác của hệ thống 6R MILAI, ông Ngô Trung Kiên băn khoăn về giá đầu tư công nghệ, ảnh hưởng của môi trường và nguồn nước sau khi rửa rác hữu cơ, và cách xử lý các loại rác khác ngoài hữu cơ.
Ông Ichiro Hatayama – Chủ tịch tập đoàn MILAI giải thích rằng công nghệ xử lý rác thải hữu cơ 6R không cần rửa mà dùng năng lượng mặt trời để sấy khô rác và cố gắng hạn chế mùi hôi. Về giá của công nghệ, ông Ichiro Hatayama cho rằng phải phụ thuộc vào quy mô của từng đơn vị xử lý rác thải, không tính theo công thức hay diện tích. Nhưng, tóm gọn vấn đề thì ông Ichiro Hatayama cho rằng điều quan trọng nhất là công nghệ này mang lại nhiệt, điện và phân bón hữu cơ tốt cho môi trường.
Ông Ngô Trung Kiên, Giám đốc công ty Cổ phần Công trình đô thị Bến Tre (Áo xanh) đang phát biểu những băn khoăn lo ngại
|
Nhiều chuyên gia đến từ các đơn vị xử lý môi trường và nhà đầu tư tại khu công nghệ cao băn khoăn về việc nếu đốt rác thì có thiết bị xử lý được mùi, nhưng sấy bằng năng lượng mặt trời thì rất khó xử lý mùi. Đứng từ góc độ nhà nghiên cứu vi sinh, một chuyên gia cho rằng cần rút ngắn thời gian sấy rác thì sẽ giảm bớt tác hại về mùi.
Ông Đinh Công Trung – đại diện công ty CP Môi trường Bình Phước cho biết: “Hiện tại công ty chúng tôi đang thu gom phế liệu, xử lý rác thải công nghiệp và nguy hại theo 12 hệ thống khác nhau, có lò đốt rác hai cấp, xử lý nước thải trước khi trả về môi trường, có hệ thống tái chế dầu thải… Biết thông tin về công nghệ xử lý 6R của Nhật, công ty chúng tôi cũng rất quan tâm. Nhưng tôi cũng băn khoăn, điện năng sau quy trình xử lý rác thải 6R nếu tận dụng được thì rất tốt nhưng giả sử điện không ổn định thì chưa chắc đã đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn, cần phải tìm hiểu thêm”.
Buổi hội thảo rất "nóng", thu hút rất đông chuyên gia tham dự, đặc biệt là các bạn trẻ đến từ các đơn vị xử lý rác thải và môi trường
|
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích, có ba phương pháp xử lý rác, bao gồm: lý, hóa, sinh. Nghiên cứu 6R đến từ Nhật chỉ là dùng vật lý. Nếu mỗi nơi ứng dụng một “mảnh ghép” rời rạc thì vừa khó xử lý mùi, không giải quyết được môi trường tổng thể, mà cuối cùng cũng chỉ là những cố gắng mòn mỏi. Liệu có phương pháp nào kết hợp được cả lý, hóa, sinh, để thực sự xử lý được gánh nặng rác thải đô thị Việt hay không?