Sụp đổ trong 15 phút
Ngày 9/4 vừa qua, thị trường chứng khoán Hong Kong xuất hiện sự kiện chấn động. Khi sắp kết thúc phiên giao dịch, Xi măng Thiên Thụy Trung Quốc (Tianrui, 01252), một công ty niêm yết trên bảng chính, bất ngờ sụp đổ. Giá cổ phiếu từ 4,92 HKD giảm xuống còn 0,048 HKD một cổ phiếu chỉ trong 15 phút, mức giảm kỷ lục 99% trong ngày. Giá trị thị trường của công ty "bay hơi" 14,5 tỉ HKD (13,4 tỉ NDT), chỉ còn 141 triệu HKD.
Bên ngoài có thể không biết nhiều về họ, nhưng ở Trung Quốc, Xi măng Thiên Thụy và ông chủ Lý Lưu Phát (Li Liufa) đều là những cái tên quen thuộc.
Là một trong những doanh nghiệp xi măng tư nhân có sản lượng cao nhất Trung Quốc, Xi măng Thiên Thụy có sản lượng hàng năm lên tới 57 triệu tấn. Để so sánh, tổng sản lượng xi măng của Mỹ năm 2022 là 95 triệu tấn. Nói cách khác, năng lực sản xuất của Xi măng Thiên Thụy nhiều hơn một nửa sản lượng cả nước Mỹ.
Với năng lực sản xuất khổng lồ, Lý Lưu Phát đã hai lần được tạp chí "New Fortune" xếp hạng là người giàu nhất Hà Nam năm 2011 và 2012.
Một số người cho rằng việc cầm cố là nguyên nhân dẫn đến việc đánh mất vị thế, cũng có người lại suy đoán rằng nguyên nhân là do các cổ đông nhỏ bán tháo một cách thụ động.
Chỉ vài ngày trước, Xi măng Thiên Thụy vừa công bố báo cáo hoạt động kém hiệu quả. Theo báo cáo thường niên, tổng doanh thu năm 2023 của công ty là 7,8 tỉ NDT, giảm 28%; lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là -634 triệu NDT, giảm 241% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù Lý Lưu Phát đã làm rất nhiều nghề trong 30 năm qua, từ đúc gang, luyện cốc cho đến du lịch...nhưng xi măng mới thực sự đưa ông đến đỉnh cao sự giàu có và cũng chính xi măng đã khiến ông rơi xuống đáy vực sâu.
Người bôn ba không ngừng
Làng Thượng Thang, Bình Đỉnh Sơn, Hà Nam vốn ít được biết tới. Cho đến năm 2007, một bức tượng Phật khổng lồ với chiều cao 208 m được dựng tại đây, nhanh chóng thu hút sự chú ý của bên ngoài. Người ta nói đây là bức tượng Phật cao nhất thế giới.
Việc xây dựng tượng Phật khổng lồ bắt đầu năm 1997 và mất 10 năm. Người đầu tư xây dựng chính là Lý Lưu Phát, người sáng lập Tập đoàn Thiên Thụy và là người giàu nhất Hà Nam.
Câu chuyện khởi nghiệp và thành công của Lý Lưu Phát đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Ông sinh năm 1957 trong một gia đình nghèo ở thị trấn Lâm Nhữ, tỉnh Hà Nam.
Năm 18 tuổi, tốt nghiệp trung học, Lý Lưu Phát vào làm công nhân tạm thời cho một nhà máy phân bón ở địa phương.
Tháng 9/1980, Lý Lưu Phát thi đỗ vào Đại học Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông thành lập Nhà máy đúc Nhữ Châu với số tiền dành dụm được. Năm 1986, khi Trung Quốc loại bỏ dần động cơ hơi nước, Lý Lưu Phát đã nắm bắt cơ hội để sản xuất vỏ động cơ đốt trong. Ông đã đi du lịch đến nhiều nơi để rút kinh nghiệm và tự nghiên cứu. Chất lượng sản phẩm do Nhà máy đúc Nhữ Châu sản xuất đã vượt xa các sản phẩm cùng ngành, chiếm 70% thị trường toàn quốc.
Trở thành “Vua Xi măng”
Trong khi ngành đúc phát triển tốt, Lý Lưu Phát hướng tầm nhìn và mạnh dạn mở rộng sang các lĩnh vực khác. Năm 1994, ông tiếp quản Nhà máy Xi măng Bạch Vân Sơn, một doanh nghiệp nông thôn đang trên bờ vực phá sản.
Ba năm tiếp theo, ông đã táo bạo đầu tư, lắp đặt 3 dây chuyền sản xuất, sản lượng vượt mức thiết kế. Kết quả là sản phẩm của nhà máy cung không đủ cầu và nhanh chóng chuyển từ lỗ sang lãi. Vào những năm 1990, với sự phát triển và xây dựng quy mô lớn các đường cao tốc, đường sắt, cơ sở hạ tầng và bất động sản khác, một số lượng lớn các nhà máy xi măng đã xuất hiện ở nhiều nơi.
Lý Lưu Phát đã nhanh tay nắm bắt cơ hội. Năm 1997, ông tiếp quản Nhà máy Xi măng Đặc chủng Bình Đỉnh Sơn, và sau 3 năm đã chuyển công ty từ thua lỗ sang có lãi. 2 năm sau, ông lại tiếp quản Nhà máy xi măng Lũy Dụ Nhữ Châu.
Chỉ trong vòng chục năm, Lý Lưu Phát đã liên tiếp tiếp quản 3 nhà máy điện ở Nhữ Châu và Bảo Phong, đấu thầu 2 mỏ than, mua lại Nhà máy Nhôm Tam Môn Hiệp. Kể từ đó, ông đã tham gia vào nhiều ngành công nghiệp như đúc, xi măng, du lịch, luyện cốc, công nghệ...
Hoạt động kinh doanh lấy xi măng là chính đã mở rộng nhanh chóng đến các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Cuối cùng, ông sở hữu 22 dây chuyền nghiền clinker và 62 dây chuyền sản xuất xi măng, với công suất sản xuất xi măng 57 triệu tấn/năm.
Xi măng Thiên Thụy đứng thứ 16 trong số 50 công ty xi măng lớn nhất thế giới, và là một trong 12 công ty xi măng trọng điểm quốc gia được hỗ trợ.
Tháng 3/2024, trong "Danh sách người giàu toàn cầu Hurun 2024" được Viện nghiên cứu Hurun công bố, vợ chồng Lý Lưu Phát lại xuất hiện trong danh sách với khối tài sản 27,5 tỉ NDT (3,85 tỉ USD).
Trắng tay trong chớp mắt
Thành công của Lý Lưu Phát phần lớn nhờ vào cổ tức từ ngành xi măng. Trong doanh thu 50 tỉ NDT của Tập đoàn Thiên Thụy, mảng kinh doanh xi măng chiếm tới gần 1/4. Sự giàu có của vợ chồng Lý Lưu Phát phần lớn đến từ công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Theo báo cáo tài chính, Lý Lưu Phát nắm giữ 69,58% cổ phần của Xi măng Thiên Thụy, tổng cộng 2,044 tỉ cổ phiếu. Trước khi giá cổ phiếu sụt giảm, chỉ riêng Xi măng Thiên Thụy đã đóng góp gần 10 tỉ NDT vào tài sản của ông.
Tuy nhiên, xi măng là một ngành có tính chu kỳ mạnh và khoảng cách giữa đỉnh và đáy đôi khi thay đổi chớp nhoáng.
Trong 30 năm qua, trong bối cảnh xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và sự bùng nổ của ngành bất động sản, xi măng đã trở thành một ngành làm giàu nhanh, nên hàng loạt công ty lần lượt ra đời.
Khi ngành công nghiệp ở thời kỳ đỉnh cao, Xi măng Thiên Thụy đã được sử dụng rộng rãi trong các dự án quan trọng của quốc gia như Dự án dẫn nước từ Nam lên Bắc, Đường cao tốc Bắc Kinh-Hong Kong-Macao và Cảng Đại Liên, đồng thời được giới thi công, kiến trúc và các đơn vị giám sát đánh giá cao.
Tuy nhiên, sau năm 2018, khi ngành bất động sản sa sút, ngành xi măng vốn có mối quan hệ mật thiết với ngành này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Lợi nhuận gộp của Xi măng Thiên Thụy giảm sút. Lý Lưu Phát đã không có sự chuẩn bị cho điều này.
Ngoài ra, tờ Giới Tài chính và trang Kinh doanh Trung Quốc đưa tin, tháng 3/2015, Xi măng Thiên Thụy đã tung tiền mua vào 355 triệu cổ phiếu của Xi măng Sơn Thủy - đối thủ lớn nhất của họ - chỉ trong một ngày, nắm giữ 10,51% cổ phần. 10 ngày sau, họ tiếp tục mua gom thêm 600 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 28,16%, trở thành cổ đông lớn nhất của Xi măng Sơn Thủy.
Tuy nhiên, không lâu sau khi Thiên Thụy nắm quyền kiểm soát Sơn Thủy, Lý Lưu Phát bắt đầu triển khai hoạt động tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu với giá cực thấp. Tuy nhiên, các cổ đông ban đầu của Sơn Thủy đã phản đối kịch liệt và xin lệnh từ tòa án Hong Kong ngăn chặn việc này.
Với sự can thiệp của Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Tế Nam thuộc sở hữu nhà nước ở địa phương, tháng 5/2018 ban lãnh đạo Xi măng Sơn Thủy đã được cơ cấu lại và Tập đoàn Thiên Thụy đã bị loại bỏ hoàn toàn.
Theo Sohu