Tự ý bỏ việc sau khi được cử đi học nước ngoài, một chuyên viên NHNN phải đền bù hơn 200 triệu đồng

VietTimes -- Đó là trường hợp của ông Phạm Thái Bình, chuyên viên Vụ Chính sách tiền tệ. Mức đền bù chi phí đào tạo của ông Bình là 214.354.000đ do được cử đi học nhưng sau khi hoàn thành khóa học đã tự ý bỏ việc.
Ảnh minh họa - Nguồn: SBV
Ảnh minh họa - Nguồn: SBV

Thông tin trên được đăng tải chính thức trên website của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, cơ quan này cho biết, ngày 27/10/2017, thừa quyền Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN đã ký quyết định 2270/QĐ-NHNN yêu cầu ông Phạm Thanh Bình, chuyên viên Vụ chính sách tiền tệ phải đền bù chi phí đào tạo là 214.354.000đ do được cử đi học nhưng sau khi hoàn thành khóa học đã tự ý bỏ việc.

Bên cạnh đó, ông Bình phải hoàn trả số tiền Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế mà NHNN đã chi trả trong thời gian đi học đến nay là 2.977.140 đồng.

Đến ngày 30/10/2017, Vụ Tổ chức cán bộ đã có công văn gửi Vụ chính sách tiền tệ nhắc lại mức đền bù nêu trên, đồng thời nêu rõ “trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ký quyết định 2270/QĐ-NHNN, Vụ chính sách tiền tệ (đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ) chịu trách nhiệm đôn đốc, thu hồi số tiền đền bù chi phí đào tạo, tiền Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế đối với ông Phạm Thái Bình. Sau thời hạn nêu trên, ông Phạm Thái Bình không nộp trả đầy đủ số tiền thì Vụ chính sách tiền tệ phối hợp với Vụ Truyền thông để thông báo trên website của NHNN về vi phạm của ông Bình.”

Sau đó, ngày 20/4/2018, Vụ tổ chức cán bộ lại một lần nữa đánh công văn nhắc nhở ông Bình thực hiện, và phải có ý kiến phản hồi về Vụ chính sách tiền tệ và Vụ tổ chức cán bộ chậm nhất vào ngày 26/4/2018 để báo cáo Thống đốc. Đến ngày 27/4/2018, Vụ tổ chức cán bộ vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía ông Bình nên tiếp tục có công văn (lần 2) yêu cầu ông Bình thực hiện nghiêm túc công việc kể trên, đồng thời có ý kiến phản hồi trước ngày 4/5/2018. Quá thời hạn nêu trên, Vụ chính sách tiền tệ sẽ báo cáo Thống đốc xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 16/5/2018, do chưa nhận được phản hồi, Vụ thông tin truyền thông đã đăng tải công khai thông tin này trên cổng thông tin điện tử của NHNN.

Khoản 3 Điều 35 Luật Viên chức 2010 quy định về trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng như sau:

3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

Mặt khác, tại Điểm b Khoản 2 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định 29/2012/NĐ-CP) quy định điều kiện để viên chức được cử đi đào tạo như sau:

b) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hải quan nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

Đồng thời, tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định đối tượng đền bù chi phí đào tạo bao gồm:

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

Về vấn đề giải quyết thôi việc đối với viên chức, tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định như sau:

2. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đang bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển;

c) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.