Theo văn bản này, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc 5 vấn đề: Thứ nhất, rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng.
Thứ hai, chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất phí, thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay, riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất. Ngoài ra, các TCTD phải thực hiện nghiêm các quy định về đôc đốc, thu hồi nợ.
Thứ ba, NHNN yêu cầu tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động TCTD.
Thứ tư, NHNN các TCTD rà soát chất lượng cán bộ, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá cán bộ, hạn chế rủi ro đạo đức có thể xảy ra; Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên của TCTD.
Cuối cùng, NHNN yêu cầu các TCTD cần phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro, vi phạm có thể xảy ra đối với TCTD.
Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tín dụng tiêu dùng có đà tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2015. Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% trong khi năm 2016 tăng 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% năm 2016 lên 18% năm 2017.
UBGSTCQG nhận định, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các TDTD và dự báo sẽ còn tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển đó, tín dụng tiêu dùng đang phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp, chủ yếu tập trung vào việc nhiều đơn vị cho vay cung cấp thông tin trước khi ký HĐ và nội dung thỏa thuận trên hợp đồng mập mờ không thống nhất, lãi suất cho vay còn cao.
Ngoài ra, một điều đáng lo ngại nữa là nhiều TCTD đang chạy theo số lượng cho vay trước sức ép phải giành giật thị phần khiến nguy cơ nợ xấu có khả năng quay trở lại. Một số chuyên gia nhận định, trong thời gian tới tín dụng tiêu dùng sẽ còn được mở rộng, hướng tới đối tượng là lao động phổ thông,nông dân..Đây là đối tượng ít khi tìm hiểu thông tin, dễ nhầm lẫn các khái niệm về tài chính. Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo người dân nên tìm hiểu trước về các dịch vụ này, cần có sự tư vấn từ những người tin cậy, có hiểu biết về lĩnh vực và cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng./.