Tự xây dựng thương hiệu riêng: cơ hội hay thách thức của ngành báo chí?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sẽ như thế nào nếu các nhà báo hoạt động độc lập và tự xây dựng thương hiệu của riêng mình?
Không gian dành cho người sáng tạo tự do đang ngày càng phát triển, lĩnh vực báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ảnh: What's New In Publishing
Không gian dành cho người sáng tạo tự do đang ngày càng phát triển, lĩnh vực báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ảnh: What's New In Publishing

Trong vài tháng tới đây Facebook sẽ giới thiệu một nền tảng xuất bản mới với mục đích “cho phép các nhà báo tự do có thể tiếp cận độc giả mới và phát triển doanh nghiệp của riêng mình”.

Campbell Brown - phó Chủ tịch Đối tác Tin tức Toàn cầu và Anthea Watson Strong - Giám đốc Sản phẩm, tin tức tại Facebook cho biết: “Khi các nhà văn, chuyên gia và nhà báo có thể xuất bản nhiều tác phẩm của họ một cách độc lập, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ tốt hơn những kỳ vọng và giúp những người sáng tạo nội dung (creators) đó xây dựng doanh nghiệp truyền thông trực tuyến dễ dàng hơn”.

Facebook dự định cung cấp các công cụ hỗ trợ để giúp người viết sáng tạo nội dung, phát triển độc giả và tạo ra doanh thu. Quá trình này sẽ bao gồm khả năng tạo bản tin và trang web, xuất bản trên nhiều định dạng đa phương tiện khác nhau, gây dựng một cộng đồng độc giả, công cụ kiếm tiền, phân tích. Facebook có kế hoạch thử nghiệm trước dự án với một nhóm nhỏ các nhà báo và trả tiền cho một vài người trong số họ.

Điều này có thể khiến một số tổ chức báo chí, truyền thông lo lắng về những thách thức sắp tới trong việc giữ chân những tài năng báo chí hàng đầu của họ trong trường hợp họ phải cạnh tranh với “ông lớn” Facebook. Tuy nhiên, điều này cũng được nhận định là sẽ mở ra những cơ hội mới cho lĩnh vực báo chí.

Ảnh: News Letterest

Ảnh: News Letterest

Không gian dành cho người sáng tạo tự do đang phát triển

Về cơ bản, phương tiện truyền thông mạng xã hội khổng lồ đang làm những gì mà Substack - một nền tảng bảng tin đã thường xuyên được đưa tin trong năm ngoái. Đó là, lôi kéo các nhà văn và nhà báo tham gia vào con đường kinh doanh bằng cách sử dụng nền tảng của chính họ.

Năm 2020 đã chứng kiến một số nhà báo nổi tiếng rời bỏ công việc hàng ngày tại các tòa soạn để hoạt động “solo” trên nền tảng Substack. Một số người trong số họ đã thừa nhận rằng thu nhập mà hiện giờ họ có được hoàn toàn ngang bằng với những gì họ đã làm trước đó và thậm chí là còn tốt hơn.

Theo Mark Stenberg, phóng viên Truyền thông tại Adweek, Facebook chỉ là công ty mới nhất vừa mới tham gia vào lĩnh vực được mệnh danh là “nền kinh tế sáng tạo” - nơi các cá nhân với kỹ năng độc nhất sử dụng các nền tảng để kiếm tiền từ nghề của họ. Mặt khác hãy nghĩ đến YouTube và TikTok, nơi tạo ra các khoản tiền triệu đô cho những người hoạt động tốt nhất trên nền tảng của họ.

Substack - một nền tảng thân thiện với nhà báo hơn, hiện có hơn 500.000 người đăng ký trả phí. Theo báo cáo, 10 tác giả hàng đầu trên trang này đã cùng nhau kiếm được hơn 15 triệu đô la mỗi năm.

Mặt khác, Patreon - nền tảng gọi vốn cộng đồng cho phép fan (còn được gọi là patron - nhà tài trợ) trả tiền và hỗ trợ chi phí cho các nghệ sĩ để họ sáng tạo nghệ thuật đã kết nối hơn 200.000 người sáng tạo, hiện có 6 triệu người dùng hàng tháng trên toàn thế giới và được định giá 1,2 tỷ USD.

Dữ liệu từ Knight Institute cho thấy các ứng dụng “creator-economy” (nền kinh tế từ người sáng tạo) đang thu hút được quan tâm đáng kể của người dùng hơn là so với phương tiện truyền thông mạng xã hội truyền thống.

Theo Axios, trong suốt 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát đã chứng kiến sự ra đời của các ứng dụng tập trung vào các sản phẩm và tính năng cho phép người dùng trả tiền trực tiếp cho những người sáng tạo (creators) và cho nội dung độc quyền mà họ yêu thích, và gần như mọi ứng dụng có tầm ảnh hưởng và tập trung vào người sáng tạo nội dung đều có lượt tải xuống tăng đáng kể.

Twitter và LinkedIn cũng đã có động thái đầu tiên về các chiến lược để hỗ trợ các nhà sáng tạo trước Facebook. Vào đầu năm nay Twitter đã mua lại nền tảng bản tin Revue cho phép người dùng tạo bản tin email miễn phí và được trả phí. Sau đó họ đã công bố kế hoạch ra mắt tính năng “super follow” cho phép những người sáng tạo và các tổ chức báo chí truyền thông kiếm tiền từ nội dung cao cấp.

LinkedIn cũng đang xây dựng một nhóm quản lý các creators để giúp phát triển cộng đồng những người sáng tạo nội dung trên nền tảng này. Tổng biên tập của công ty - Dan Roth đã thông báo rằng họ đang tìm kiếm “một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm để xây dựng một nhóm toàn cầu nhằm hỗ trợ những người sáng tạo trên khắp thế giới, cho phép họ tạo ra những tác động lớn hơn và những trải nghiệm tốt hơn trên nền tảng”.

“Không gian dành cho người sáng tạo tự do đang ngày càng phát triển. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ công việc mà những người khác đang làm và muốn đảm bảo rằng chúng tôi cũng có thể hỗ trợ con đường đến với tăng trưởng và doanh thu”, Tài khoản Brown and Strong trên Facebook đã viết.

“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu công việc này và mong muốn được cộng tác với các creator trên mọi hình thức để xây dựng các sản phẩm và tính năng có những tác động ý nghĩa trong việc duy trì công việc của họ”, tài khoản này cho biết thêm.

Thận trọng với những xu hướng mới

Ảnh: HubSpot Blog

Ảnh: HubSpot Blog

Liệu rằng tất cả những điều này có đang ngụ ý rằng các tổ chức báo chí, truyền thông - những người đang cố gắng giữ chân các tài năng hàng đầu phải đối đầu với những thách thức vì những lời hứa hẹn của Facebook có thể làm lu mờ mọi thứ khác?

Không đâu xa, trên thực tế, đó là lời nhắc nhở khéo léo về sự lo lắng xung quanh việc trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp quản công việc của các nhà báo trong tương lai.

Casey Newton sau khi nghỉ việc tại The Verge và chuyển đến Substack đã chia sẻ: “Tất cả những điều này đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, hãy tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta sẽ không bao giờ phải yêu cầu sếp phải tăng lương nữa. Tất cả những gì chúng ta phải làm là làm tốt công việc của mình và thu hút khách hàng”.

Tuy nhiên Casey Newton là một ngôi sao trong làng báo, người sở hữu những bài báo chí công nghệ luôn được săn đón trong ngành. Sẽ có rất ít nhà báo có khả năng đạt được tương đương với những người có thu nhập cao nhất tại Substack như Newton hay Glenn Greenwald từ The Intercept, Matt Taibbi từ Rolling Stone, phóng viên khoa học khí hậu và chính trị Emily Atkin, và Alex Kantrowitz từ BuzzFeed. Tất cả họ chỉ là một phần rất nhỏ.

“Trong khi đã có quá nhiều giấy mực nói về những khoản thu nhập mới béo bở, tiềm năng sáng tạo được giải phóng và sự tự do không bị kiểm duyệt. Mô hình Substack hoạt động thực sự hiệu quả đối với một số người sáng tạo đã có sẵn uy tín và lượng người theo dõi ổn định, và thực tế là nó không hoạt động tốt với những người còn lại”, Delia Cai, một trong những người sáng tạo hàng đầu của Substack cho biết.

Xây dựng một doanh nghiệp mới

Các tổ chức báo chí lâu đời và có vị trí ổn định có thể đảm bảo cho các nhà báo dưới trướng của mình một khoản lương hợp lý bên cạnh các hỗ trợ khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm pháp lý... Điều đó không có nghĩa là tổ chức báo chí truyền thông có thể yên tâm và để mặc cho mọi thứ diễn ra, vì trong đó, có những cơ hội mới đáng để khám phá.

“Chúng ta có thể coi xu hướng này là một thời điểm tồn tại khác của các công ty truyền thông - những người chịu thách thức bởi các nền tảng mạng xã hội. Hoặc chúng ta có thể coi đây là cơ hội để tìm hiểu về lĩnh vực mà chúng ta với tư cách là một chuyên gia và xây dựng một công việc kinh doanh mới xung quanh nó”, Jarrod Dicker, phó Chủ tịch Thương mại tại The Washington Post chia sẻ.

“Đây là cơ hội để doanh nghiệp truyền thông khẳng định lại giá trị của các nguồn doanh thu hiện tại bằng cách đáp ứng nhu cầu của những creators- những người nên được quan tâm vào những gì họ có thể làm tốt nhất đó là sáng tạo. Giải pháp là xây dựng nền tảng cho nhân tài, kết hợp cả danh tiếng thương hiệu và danh tiếng cá nhân, đồng thời kết nối tất cả lại với nhau”, ông Dicker cho biết thêm.

Đặt nhà báo làm trung tâm của chiến lược tăng trưởng

Pia Frey, nhà báo và đồng sáng lập của Opinary cho biết: “Các tổ chức truyền thông có thể học hỏi từ Substack để xem kiến thức chuyên môn của họ có thể được truyền tải thông qua các bản tin như thế nào nhằm xây dựng cộng đồng của riêng họ”.

Các tổ chức báo chí, truyền thông thậm chí có thể học hỏi từ Forbes. Vào đầu năm nay Forbes đã công bố một nền tảng bản tin trả phí mới được gọi là “Journalist Entrepreneurs” (tạm dịch "doanh nghiệp nhà báo") cho phép các nhà báo tung ra các bản tin trả phí của riêng họ và tạo ra doanh thu từ công việc đó dưới thương hiệu của Forbes.

Họ sẽ được coi là một phần của nhân viên Forbes sẽ nhận được tiền lương và những lợi ích bên cạnh đó, hoặc như một phần đăng ký và lợi nhuận quảng cáo mà Forbes tạo ra.

“Ý tưởng trước mắt là tạo ra một nền tảng cung cấp cho các nhà báo tất cả các lợi ích về tiếp thị, biên tập và tiền lương khi trở thành một phần của tòa soạn Forbes, bên cạnh đó cung cấp cho họ đủ tự do biên tập để đảm bảo rằng độc giả của họ theo dõi họ thông qua Forbes”, Sara Fischer của Axios chia sẻ.

Với sáng kiến này Forbes đã hy vọng rằng họ sẽ thúc đẩy các lượt đăng ký số, tạo thêm nguồn doanh thu và thu hút độc giả mới đến trang web của mình.

Mặt khác, Esquire lại cung cấp cho độc giả tùy chọn chỉ đăng ký các tác phẩm của nhà báo nổi tiếng và xuất sắc của họ như Charles Pierce. Michael Sebastian - Tổng biên tập Esquire đã nhận định: “Có khoảng 60.000 người mỗi ngày truy cập vào những câu chuyện của anh ấy. Nó khiến chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi nên xây dựng chương trình thành viên xung quanh Charlie”.

Một công việc kinh doanh hoàn toàn mới

Ông Dicker cho rằng các tổ chức báo chí truyền thông có thể tìm kiếm câu trả lời của họ thông qua việc tìm hiểu về ngành công nghiệp thu âm nơi mà “các nghệ sĩ và hãng làm việc cùng nhau để phát triển cả doanh nghiệp và danh tiếng của họ cùng lúc”.

“Việc nhấn mạnh vào tài năng (nghệ sĩ) chỉ mang lại nhiều giá trị hơn và nhiều doanh thu hơn cho nhãn hiệu (thương hiệu). Hãng trả tiền cho một bài hát được sản xuất để họ có thể sở hữu một phần bài hát đó và đó là sự công bằng trong các khoản đầu tư của họ vào nghệ sĩ đó. Các hãng thu âm tồn tại sau nhiều năm là vì họ sở hữu quyền xuất bản các bài hát. Chỉ cần có người nghe bài hát, hãng sẽ được trả tiền”, ông Dicker khẳng định.

“Đó là một công thức cân bằng được tạo ra trên các cơ hội doanh thu hiện có (quảng cáo, đăng ký, sự kiện) và công thức này sẽ mở ra một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới”, Jarrod Dicker, phó Chủ tịch Thương mại của tờ The Washington Post cho biết.

Theo What’s New In Publishing