Quấy rối tình dục có thể bị phạt tù
Liên quan việc Công an quận Thanh Xuân xử phạt hành chính 200.000 đồng với đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi) vì có hành vi sàm sỡ và cưỡng hôn cô gái 20 tuổi trong thang máy Golden Palm (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), nhìn nhận góc độ pháp lý, các chuyên gia đồng quan điểm rằng, vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật trong hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em khi bị quấy rối tình dục.
Trao đổi với phóng viên VietTimes, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, quy định pháp luật hiện chưa có chế tài riêng để xử lý hành vi quấy rối tình dục, mà những hành vi này được xử lý chung chung với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tất cả những hành vi này đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cũng theo vị luật sư này, việc xử phạt 200.000 đồng là đúng quy định của luật. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ nghiêm khắc đối với hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục của người đàn ông đối với phụ nữ. Có thể đây là lỗ hổng của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người.
Vì vậy, luật sư Nguyễn Hữu Toại đề xuất, cần sửa luật thông qua việc quy định hành vi quấy rối tình dục thành tội riêng trong pháp luật hình sự, xử lý trách nhiệm hình sự. Các nhà làm luật cần sửa luật để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em, đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối tình dục nhằm răn đe riêng và phòng ngừa chung.
Ở một số quốc gia, với hành vi quấy rối tình dục, người đàn ông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù. Sau khi ra tù, những đối tượng này còn bị gắn chíp điện tử theo dõi, cấm đến gần phụ nữ và trẻ em.
Đề nghị sửa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự
Trước vụ việc trên, CSAGA - Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên vừa có thư kiến nghị đề xuất Quốc hội xây dựng các quy định pháp lý, chính sách mới để ngăn ngừa bạo lực tình dục. CSAGA đã phối hợp với 6 nhóm, tổ chức khởi xướng chiến dịch ký tên "Không bây giờ thì bao giờ?" kiến nghị điều chỉnh pháp luật nhằm ngăn chặn bạo lực - quấy rối tình dục.
Trao đổi với VietTimes, đại diện CSAGA cho rằng hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định đầy đủ, hiệu quả về quấy rối tình dục. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh như:
* Không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi quấy rối tình dục trong văn bản pháp luật, mà chỉ có trong Bộ Quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
* Quy định cấm quấy rối tình dục chỉ xuất hiện trong Bộ Luật Lao động, trong khi hành vi này diễn ra ở mọi nơi, như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác. Bộ Luật Hình sự cũng không quy định xử lý các hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm nhân phẩm của cá nhân.
* Quy định về bồi thường thiệt hại của hành vi quấy rối tình dục không hợp lý: Không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi quấy rối tình dục. Trong khi quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Dân sự, đối với các tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm - không tương xứng với mức độ tổn thất của nạn nhân quấy rối tình dục.
Từ những phân tích trên, CSAGA kiến nghị Quốc hội nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh các điều luật phù hợp, để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực tình dục. Trong đó, có các quy định rõ ràng, chính xác về quấy rối tình dục; có các các chế tài và biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của các hành vi quấy rối tình dục để đảm bảo mọi hành vi bạo lực tình dục đối với nạn nhân ở bất cứ độ tuổi, giới, và xu hướng tính dục nào nào, đều phải bị trừng phạt thích đáng; có cơ chế hiệu quả trong việc xử lý tố cáo, điều tra, truy tố thủ phạm và bảo vệ nạn nhân trong các vụ việc quấy rối tình dục.
Sửa đổi Bộ luật Hình sự để thêm tội danh mới về quấy rối tình dục. Quy định các hành vi: “Quấy rối tình dục mang tính chất thể chất, như cố tình động chạm, tiếp xúc, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp trái ý muốn của nạn nhân hoặc bằng vũ lực; quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục, bằng những lời đề nghị về tình dục không mong muốn và liên tục; quấy rối tình dục bằng các hành vi phi lời nói bao gồm các ngôn ngữ cơ thể, khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm, tin nhắn, thư từ liên quan đến tình dục” là những yếu tố cấu thành tội phạm quấy rối tình dục.
Sửa đổi Bộ luật Dân sự có quy định về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi quấy rối tình dục tương xứng và phù hợp.
Rà soát, sửa đổi và giải thích rõ các điều luật liên quan đến hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô phù hợp để việc áp dụng và thực thi pháp luật trong thực tiễn hiệu quả và gần với công lý nhất. Ngoài ra, các quy định các tội danh về dâm ô phải được mở rộng đến mọi độ tuổi. Những hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng.