Đó là trao đổi của TS.LS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp – với VietTimes về quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) đang thu hút sự quan tâm cao độ của nhân dân trong nước và quốc tế.
- Thưa Luật sư, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Tư pháp, từ góc nhìn độc lập, ông nhận định thế nào về vụ án Hồ Duy Hải?
TS.LS Nguyễn Thanh Bình: Tôi rất quan tâm vụ án này. Theo dõi thông tin qua các kênh công khai, tôi còn băn khoăn về 2 vấn đề chính.
Thứ nhất, chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải không vững chắc. Thực tế, vẫn còn có những điểm mâu thuẫn, không phù hợp, như mua cái thớt để làm chứng cứ, vẽ mua con dao để làm chứng cứ.
TS.LS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp.
|
Thứ hai, quá trình tố tụng có những sai sót. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có quyết định không kháng nghị khi giữ cương vị Viện trưởng Viện KSND Tối cao, thì nay lại ngồi Chủ tọa phiên giám đốc thẩm. Việc này khá khiên cưỡng trong khi chúng ta không thiếu cơ chế để thay đổi. Nhiều người tỏ ra băn khoăn, nghi ngờ các phán quyết có thể mang tính chủ quan, áp đặt nhiều hơn là có cơ sở.
Những điều này có thể dẫn tới oan sai.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An). Việc kết án tử hình Hồ Duy Hải với những chứng cứ yếu, thiếu chặt chẽ như vậy có thể dẫn đến oan sai. Theo tôi, cần tiến hành điều tra lại theo luật định.
- Không chỉ đến vụ án kéo dài 12 năm Hồ Duy Hải, trước đây đã có nhiều vụ án kéo dài qua nhiều cấp xét xử và và sau đó tòa tuyên vô tội. Theo ông, để tránh oan sai, việc cần điều chỉnh đầu tiên trong các vụ án “có vấn đề” kiểu như vụ án Hồ Duy Hải là gì?
TS.LS Nguyễn Thanh Bình: Về thủ tục tố tụng trong những trường hợp “có vấn đề”, còn khiến dư luận nghi ngại thì tốt nhất là phải tổ chức một thiết chế điều tra, tiến hành tố tụng lại, xem xét lại vụ án một cách độc lập khách quan. Dư luận có ý kiến cho rằng trước đây là Bộ Công an, giờ cũng là Bộ Công an; trước đây là Viện Kiểm sát, giờ cũng vẫn là Viện Kiểm sát – cùng nằm trong 1 guồng cả, nên dư luận có cơ sở để băn khoăn về tính khách quan của bản án.
Như vậy, trong tố tụng, đặc biệt trong tố tụng hình sự, cần có một thiết chế khách quan, độc lập. Mỗi cấp xét xử cần tiến hành điều tra lại và điều tra độc lập một cách khách quan vụ việc, không sử dụng lại, nghiên cứu lại từ những nội dung cụ thể, ý kiến cụ thể, hồ sơ cụ thể đã có. Những người tham gia tố tụng đặc biệt trong các vụ án có dấu hiệu oan sai cần xem xét lại vấn đề từ đầu mới mong tránh được án oan.
Tử tù Hồ Duy Hải trong một phiên tòa trước đây (Ảnh: baophapluat.vn)
|
Cũng phải nói thêm về thực tế tố tụng hiện nay, trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ, tài liệu chứng cứ cũ và các kết luận cũ của các cơ quan điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng trước đây, trên cơ sở đó Hội đồng xét xử tìm ra các mâu thuẫn để xem xét lại, phân tích xem thử việc ấy là đúng hay không đúng. Tôi cho rằng việc này có thể có nhiều lỗ hổng.
- Cũng liên quan đến mục tiêu giảm oan sai, được biết Bộ trưởng Bộ Công an từng quyết định chậm nhất đến ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên việc này phải lùi lại do chưa chuẩn bị được trang thiết bị, tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình, thưa ông?
TS.LS Nguyễn Thanh Bình: Việc hỏi cung bị can có ghi âm ghi hình hiện chưa thực hiện vì Bộ Công an đang còn xin hoãn thời gian trang bị các phương tiện nghe nhìn. Việc này phụ thuộc vào khả năng, năng lực cung cấp cơ sở vật chất của bên ngành công an. Tôi cho rằng việc trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình các buồng hỏi cung, phòng xét xử không phải vấn đề khó.
Tuy nhiên, nói việc thực hiện ghi âm ghi hình trong hỏi cung bị can có thể giúp giảm oan sai, tôi nghĩ không chắc. Trong thực tế hiện nay, người ta có thể lợi dụng công nghệ, nên vẫn có thể có những trường hợp không chính xác.
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ án Hồ Duy Hải sát hại 2 nhân viên bưu điện. Ảnh: nguoilaodong
|
- Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài 12 năm được dư luận hết sức quan tâm, nhiều ý kiến yêu cầu về công khai hồ sơ vụ án. Theo ông, việc này có nên không và có cần công khai hồ sơ các vụ án hình sự nói chung không, thưa luật sư?
TS.LS Nguyễn Thanh Bình: Tôi cho rằng việc công khai thông tin là có lợi.
Các nước theo nền tư pháp tranh tụng đều công khai hết hồ sơ vụ án. Họ không giữ bí mật bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ án. Ở đó, ngay trong việc điều tra vụ án hình sự, ta không chỉ thấy có các công tố viên mà có cả luật sư, điều tra viên, báo chí, v.v., Nhiều người cùng tiếp cận thông tin và tham gia điều tra.
Họ có nhiều thiết chế điều tra độc lập. Có như vậy, với cùng 1 vụ án nhưng có thể có những hướng điều tra khác nhau.
Tại Việt Nam, tôi biết đã có nhiều ý kiến đề nghị nhưng còn mắc một số vấn đề nên hiện chưa thực hiện được.
- Trước đây, đã có nhiều lần Quốc hội đặt lên bàn nghị sự việc chuyển trại tạm giam về Bộ Tư pháp. Là người nhiều năm công tác trong ngành Tư pháp, ý kiến của ông về vấn đề này, thưa ông?
TS.LS Nguyễn Thanh Bình: Tôi luôn cho rằng nên để các các cơ quan độc lập khác nhau quản lý thì hay hơn. Đó sẽ là một trong những yếu tố góp phần tránh oan sai. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, đó cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố thôi, nhưng là yếu tố rất là tích cực.
Tôi lấy ngay ví dụ ở Mỹ, các trạm tạm giam, nhà tù đều là của tư nhân cả và thực tế cho thấy nhà tù tư nhân an toàn không kém gì nhà tù công, trong khi giảm được tối đa nhục hình.
- Xin cảm ơn luật sư!
Trao đổi riêng với VietTimes, TS. Tô Văn Trường cho rằng nếu xét xử lại vụ án Hồ Duy Hải một cách thận trọng, đúng luật pháp thì chỉ có lợi về mọi mặt, lợi nhất là về chính trị, khiến người dân tin rằng hệ thống luật pháp có thể thực thi nghiêm chỉnh nguyên tắc luật pháp mà nó đề ra. Dù rằng có thể động chạm đến ai đó, nhưng nếu họ đúng thì "cây ngay không sợ chết đứng", nếu họ sai thì họ phải chịu trách nhiệm về cái sai của mình. Trong một số trường hợp, thừa nhận sai sót lại chính làm cho họ đáng tin cậy hơn. Lịch sử Tư pháp Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều vụ án oan sai, dù kết thúc có hậu nhưng nhiều người đã bị tù oan, gia đình tan nát, phải trá giá quá đắt. Trong đó phải kể đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, v.v., là những bài học đau đớn. “Ngay chuyện bất hợp lý, nhiều người đã đề cập là tòa án phải thực sự độc lập, lĩnh vực quản lý trại giam phải do Bộ Tư pháp đảm nhiệm, mà qua nhiều năm vẫn chưa xử lý tốt. Vì thế, vụ án Hồ Duy Hải chỉ là giọt nước tràn ly làm cả xã hội nổi sóng”, TS. Tô Văn Trường bày tỏ. |