Nokia Lumia 1520 là điện thoại đầu tiên hỗ trợ chụp và xử lý ảnh RAW. Sau này nhiều điện thoại đầu bảng của các hãng khác như Samsung Galaxy S6, S7; LG G4, G5; Sony Xperia Z5, HTC 10… cũng đã hỗ trợ chụp RAW, đồng thời nhiều ứng dụng như Snapseed, Lightroom cũng xử lý được ảnh ở định dạng RAW.
Vậy ảnh RAW là gì, và bạn có nên chụp ở định dạng này?
Quá trình xử lý để cho ra ảnh nén (JPEG) đã loại bỏ đi rất nhiều thông tin
Đầu tiên, cái tên RAW (nghĩa là thô, còn nguyên) cũng đủ để mô tả đặc tính của định dạng này. Các file ảnh RAW lưu trữ dữ liệu trực tiếp thu được từ cảm biến của máy, không qua xử lý hay nén. Ảnh RAW lưu nhiều thông tin hơn, ví dụ như lưu tới 12 bit cho mỗi kênh màu so với JPEG chỉ lưu 8 bit. Do vậy ảnh lưu ở dạng RAW thường lớn hơn từ 3 – 6 lần so với ảnh JPEG.
Quá trình xử lý và lưu file JPEG phức tạp hơn, khi máy sử dụng thuật toán để xử lý về độ nét, màu sắc, cắt bớt các thông tin không cần thiết và cho ra ảnh nhẹ hơn. Chất lượng ảnh do đó phụ thuộc rất nhiều vào thuật toán xử lý mà nhà sản xuất đưa ra, do vậy họ có thể kiểm soát điều này qua các bản nâng cấp phần mềm.
Ảnh JPEG (trái) và ảnh RAW chưa qua xử lý
Do chưa xử lý, ảnh RAW thường sẽ có độ nét và tương phản thấp hơn ảnh JPEG. Bạn cũng sẽ cần một ứng dụng tương thích để sửa, và bắt buộc phải xuất ra một định dạng khác (thường là JPEG) nếu muốn tải lên mạng. Trên điện thoại, thường khi chọn chụp RAW thì máy cũng sẽ lưu một file JPEG nữa.
Dùng ảnh RAW để làm gì?
Lý do lớn nhất để chụp ở định dạng RAW là khi bạn muốn thực hiện những chỉnh sửa với ảnh. Do lưu nhiều thông tin về ảnh hơn so với JPEG, bạn có thể chỉnh sửa cân bằng trắng, độ sáng dễ dàng đối với ảnh mà không làm mất đi độ chi tiết. Trong khi đó ảnh JPEG đã xóa đi hầu hết thông tin về các phần tương phản thấp (do mắt người khó nhận ra), do vậy khi chỉnh sửa sẽ dễ dẫn đến vỡ, nhiễu hình.
Với ảnh RAW, bạn còn có thể chỉnh sửa nhiều thứ hơn như giảm nhiễu hoặc tăng độ nét. Trên ảnh JPEG, các chỉnh sửa tương tự sẽ không hiệu quả do nó đã bị tác động để tăng độ nét hoặc giảm nhiễu trước đó. Một điểm cộng khác của RAW là ảnh có thể xuất sang bất cứ "không gian màu" nào. Không gian màu phổ biến nhất trên web là sRGB, nhưng với việc in ấn thì người ta thường chọn Adobe hoặc ProPhoto RGB.
Tôi có nên chụp ảnh RAW hay không?
Với khả năng tùy chỉnh tốt như vậy, RAW hướng tới những người dùng nhiều kinh nghiệm hoặc nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hơn là người dùng phổ thông. Nếu như chỉ muốn một bức ảnh đẹp để đăng Facebook, thì việc chụp RAW là vô bổ. Thứ nhất bạn không thể tải trực tiếp ảnh RAW lên Facebook, và thứ hai là nếu không bỏ thời gian để chỉnh sửa thì ảnh RAW không thể đẹp bằng ảnh JPEG mà điện thoại xuất mặc định. Do vậy, nếu mục đích của bạn là có ảnh đẹp và nhanh nhất có thể, hãy bỏ qua RAW.
Thêm vào đó, hãy nhớ rằng RAW không phải là "phép màu". Hãy nhớ rằng cảm biến của điện thoại bị giới hạn về kích thước nên ảnh RAW từ điện thoại chắc chắn sẽ không có độ chi tiết như ảnh chụp từ một chiếc DSLR. Ảnh RAW chỉ đơn giản là lưu lại tất cả những gì mà cảm biến có thể thu được, do vậy nếu cảm biến của điện thoại không chất lượng thì ảnh RAW cũng không thể "cứu" bức ảnh.
Dù sao thì hiện nay chỉ có những smartphone đầu bảng, với cảm biến tốt mới được trang bị tính năng chụp ảnh RAW. Để thử nghiệm, biên tập viên của Android Authority đã tiến hành chụp ảnh ở cả dạng RAW và JPEG, cũng như chế độ tự động cải thiện ảnh RAW của chiếc HTC 10.
Nhìn vào hai bức ảnh toàn phía trên, bạn sẽ khó nhận ra sự khác biệt giữa ảnh JPEG và ảnh RAW đã chỉnh sửa. Tuy nhiên khi nhìn vào ảnh được cắt 100%, có thể nhận thấy ảnh RAW có độ chi tiết, tương phản cao hơn, cùng với đó là ảnh cũng nhiễu hơn.
Phía dưới là một tấm ảnh khác, cho thấy sự khác biệt giữa ảnh JPEG (trên cùng), ảnh RAW tự cải thiện (giữa) và ảnh RAW do người dùng chủ động chỉnh sửa.
Và cuối cùng là một ví dụ cho thấy khả năng chỉnh sửa của ảnh RAW với các trường hợp ảnh bị thiếu sáng/thừa sáng. Ảnh JPEG gốc (trên cùng) bị thừa sáng ở vùng mây, và khi chụp RAW chiếc HTC 10 tự động điều chỉnh để xuất ra bức ảnh (thứ hai) có độ sáng cân bằng hơn. Khi điều chỉnh trên ảnh JPEG (ảnh thứ ba) thì khó có thể "cứu" được vùng cháy sáng, còn chỉnh ở ảnh RAW (ảnh cuối cùng) thì ngoài độ sáng còn có thể chỉnh cả cân bằng trắng, để bầu trời trông xanh tự nhiên hơn.
Như vậy, khi gặp các trường hợp ánh sáng khó, chênh lệch nhiều thì bạn vẫn nên chọn chụp RAW để sau này có thể tiện chỉnh sửa. Với phần lớn các trường hợp khác, nhất là khi muốn chia sẻ nhanh lên mạng xã hội, hãy chụp JPEG.
Theo VnReview