|
Từ ngày 9/2, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời chuyển rét từ 5-16 độ C, đến ngày 10 và 11/2, khu vực Bắc bộ có khả năng xảy ra rét đậm trên diện rộng. |
Cuối ngày 8/2, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn gửi các cơ quan, chính quyền địa phương khẩn trương có biện pháp ứng phó với rét đậm và gió mạnh có thể xảy ra tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Cụ thể Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ động ứng phó và thông tin để người dân được rõ.
Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 9/2, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến từ 13-16 độ C, trung du và vùng núi 9-12 độ C, vùng núi cao từ 5- 8 độ C, một số nơi dưới 5 độ C. Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo trong hai ngày 10 và 11/2, khu vực Bắc bộ có khả năng xảy ra rét đậm trên diện rộng; từ chiều tối 8/2, ở Vịnh Bắc bộ và khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; từ gần sáng 9/2, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Để chủ động đối phó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; các bộ và các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến gió mùa Đông Bắc, tình hình thời tiết tiêu cực, thông tin kịp thời trên các phương tiện để mọi người dân, nhất là vùng cao, vùng sâu và vùng xa biết, chủ động phòng tránh; chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; tuyên truyền, vận động người dân không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do, đưa về nơi nuôi nhốt có kiểm soát khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc;...
Đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi để nông dân biết và áp dụng.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để kịp thời ứng phó.