Tự ký thỏa thuận với Trung Quốc lập các Viện Khổng Tử, 13 trường đại học Australia bị điều tra

VietTimes -- Chính phủ Australia đã quyết định tiến hành điều tra về dấu hiệu một số trường đại học ở nước này bị Trung Quốc can thiệp và tài trợ. Việc này diễn ra ngay sau khi xảy ra vụ xung đột giữa các sinh viên Trung Quốc và Hồng Kông trong khuôn viên Đại học Queensland xung quanh việc ủng hộ và phản đối đạo luật dẫn độ sửa đổi của Hồng Kông.
Vụ xung đột giữa các sinh viên Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông tại Đại học Queensland là tác nhân trực tiếp khiến chính phủ Australia điều tra các hợp đồng ký giữa 13 trường đại học với Viện Khổng Tử của Trung Quốc
Vụ xung đột giữa các sinh viên Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông tại Đại học Queensland là tác nhân trực tiếp khiến chính phủ Australia điều tra các hợp đồng ký giữa 13 trường đại học với Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Theo báo Sydney Morning Herald (Tin tức buổi sáng Sydney) ngày 25 tháng 7, 13 trường đại học địa phương của Australia đã tự ký hợp đồng với Viện Khổng Tử ở Trung Quốc. Một số trường đã đồng ý để Viện Khổng Tử “kiểm tra” chất lượng giảng dạy; đổi lại mỗi trường được nhận từ người Trung Quốc từ 100 ngàn đến 150 ngàn Australian dollar (AUD) (1AUD bằng khoảng 0,69 USD) tiền  tài trợ và tài nguyên giảng dạy. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia tuyên bố sẽ điều tra xem liệu việc này có vi phạm luật pháp bởi sự can thiệp từ nước ngoài hay không.

Bản tin của Sydney Morning Herald đã tiết lộ 11 bản hợp đồng mà họ có được; 4 trong số đó cho phép Viện Khổng Tử có quyền quyết định cuối cùng đối với việc giảng dạy và còn yêu cầu các hoạt động giảng dạy phải tôn trọng phong tục văn hóa để đổi lấy tiền tài trợ, 3.000 cuốn sách Trung Quốc và các tài nguyên giảng dạy khác. 4 trường đại học đó là University of Queensland (UQ), La Trobe University (LTU), Griffith University (GU) và Charles Darwin University (CDU).

Đại học Queensland- một trong 13 trường đại học ở Australia có Viện Khổng Tử
Đại học Queensland- một trong 13 trường đại học ở Australia có Viện Khổng Tử

Tổng công tố viên Australia Christian Porter cho biết chính phủ đang nghiên cứu liệu thỏa thuận giữa 13 trường đại học ở Australia và Học viện Khổng Tử của Trung Quốc có vi phạm luật can thiệp nước ngoài mới hay không. Ông nói: “Tôi đã yêu cầu cơ quan của tôi kiểm tra cụ thể tất cả các bản hợp đồng giữa Viện  Khổng Tử và các trường đại học để đảm bảo rằng nó có kế hoạch tuân thủ về tính minh bạch ảnh hưởng của nước ngoài”.

Chính phủ Australia yêu cầu các trường này phải đăng ký việc lập Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường để đảm bảo rằng ảnh hưởng của các tổ chức nước ngoài được theo dõi theo đạo luật mới để ngăn chặn họ ảnh hưởng đến chính trị và quản lý của Australia.

Ông Christian Porter cho biết, cơ quan của ông “mấy tháng gần đây đã tiến hành điều tra một số trường đại học để xác định xem có nên đăng ký một số thỏa thuận cụ thể nhất định hay không” và gặp gỡ với đại diện của Viện Khổng Tử.

Về vấn đề báo chí đưa tin, người phát ngôn của Đại học Queensland nói, thỏa thuận của họ với Viện Khổng Tử đã hết hạn vào tháng 4 năm nay và đang thảo luận sửa đổi một số nội dung của thỏa thuận, với cam kết rõ ràng rằng Đại học Queensland sẽ kiểm soát tất cả các nội dung, tiêu chuẩn, tuyển sinh, thi cử, sắp xếp nhân sự và tự do học thuật có liên quan với Viện Khổng Tử và việc viện này cung cấp khóa trình và các hạng mục liên quan.

Đại học La Trobe trả lời rằng Viện Khổng Tử không tham gia bất kỳ chương trình cấp bằng nào và sẽ không ảnh hưởng đến sự độc lập trong học thuật. Đại học Darwin trả lời rằng họ hài lòng với Viện Khổng Tử và nhấn mạnh rằng nó không liên quan gì đến bất kỳ chương trình cấp bằng nào.

Người phát ngôn của Đại học Griffith nói rằng Viện Khổng Tử không tham gia trao bằng cấp, mà chỉ tập trung vào việc cung cấp các khóa học văn hóa và ngôn ngữ cho cộng đồng địa phương dưới sự hướng dẫn của các học giả có tiếng. Hợp đồng này không khác gì với các hợp đồng khác và sẽ được xem xét việc ký tiếp khi hết hạn.

Các cán bộ, nhân viên Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại một trường đại học của Australia
Các cán bộ, nhân viên Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại một trường đại học của Australia

Đáng chú ý, Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne và Đại học Adelaide đã từ chối cung cấp các hợp đồng ký với Viện Khổng tử. Người phát ngôn của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne nói, họ cho rằng thỏa thuận với bên thứ ba là bí mật; còn người phát ngôn của Đại học Adelaide thì nói văn bản hợp đồng là một tài liệu pháp lý.

Tuy nhiên, hiện tại, phía Australia vẫn đang tiến hành các cuộc điều tra có liên quan. Kể từ năm ngoái, Văn phòng Hán Biện trực thuộc Ban Mặt trận thống nhất trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan chủ quản các Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới đã khiến chính phủ Australia chú ý. Đại học Queensland nơi xảy ra vụ xung đột giữa các sinh viên Đại Lục và Hồng Kông là một trong những trường đại học Australia có mở Học viện Khổng Tử.

Nhiều chuyên gia về vấn đề Trung Quốc đã chỉ ra rằng Viện Khổng Tử được Trung Quốc tài trợ và chỉ đạo trên danh nghĩa dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng thực tế là truyền bá, tư tưởng và chủ trương của Trung Quốc về nhiều lĩnh vực.

Giáo viên Hán ngữ được Học viện Khổng Tử tuyển dụng là những người  “có chất lượng chính trị tốt” được Trung Quốc lựa chọn cẩn thận và tuân thủ “kỷ luật tổ chức” theo yêu cầu của họ. Giáo sư John Fitzgerald, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Swinburne (SUT), nói rằng “có một phẩm chất chính trị tốt có nghĩa là chấp nhận quan điểm của Trung Quốc, không có quan điểm riêng của cá nhân”.

Năm ngoái, một số chính phủ tiểu bang ở Australia đã bắt đầu xem xét quan hệ đối tác với Học viện Khổng Tử để đảm bảo rằng không có sự can thiệp không phù hợp nào của nước ngoài. Trước đó, một nghị sĩ Australia đã đề xuất nghị án yêu cầu điều tra các Học viện Khổng Tử.

Một văn bản hợp đồng giữa trường đại học Australia với Viện Khổng Tử mà phóng viên Sydney Morning Herald có được
Một văn bản hợp đồng giữa trường đại học Australia với Viện Khổng Tử mà phóng viên Sydney Morning Herald có được

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia phương Tây xem xét đến sự tồn tại của các Viện Khổng Tử.

Đáng chú ý là, theo dữ liệu của “Hán Biện” (Hanban – Văn phòng quốc gia về truyền bá Hán ngữ của chính phủ Trung Quốc), tính đến tháng 6/2019, tại 155 quốc gia trên toàn thế giới đã có tổng số 539 Học viện Khổng Tử và 1,129 Lớp học Khổng Tử đã được thành lập. Tại Australia có 14 Học viện Khổng Tử và 67 Lớp học Khổng Tử, số lượng nhiều thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Vương quốc Anh.

Sự tồn tại của các Học viện Khổng Tử cùng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia cảnh giác và lo ngại về sự tồn tại của các cơ sở mang tên Khổng Tử này trên đất nước họ.

Ngay từ năm 2013, Đại học McMaster của Canada tuyên bố đóng cửa Học viện Khổng Tử trong trường này. Cùng năm đó, Đại học Lyon Số 2 và Số 3 của Pháp đã đóng cửa Học viện Khổng Tử, cho rằng Viện Khổng Tử là một công cụ truyền bá tư tưởng của Trung Quốc, dẫn đến tự do học thuật phương Tây bị phá hoại.

Sau đó, ngày 25/9/2014, Đại học Chicago (Mỹ) tuyên bố đình chỉ hợp tác với Viện Khổng Tử; ngày 1 tháng 10 cùng năm, đến lượt Đại học bang Pennsylvania cũng tuyên bố đình chỉ 5 năm hợp tác với Viện Khổng Tử vào cuối năm đó.

Năm 2018, Đại học Bắc Florida của Mỹ tuyên bố đóng cửa Học viện Khổng Tử được mở năm 2014, với lý do Viện Khổng Tử không phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu giúp đỡ của nhà trường. Ngày 13/8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký “Đạo luật ủy quyền Quốc phòng năm 2019” tại căn cứ Drumburg ở New York cho phép chi 716 tỷ USD cho quốc phòng. Đạo luật này quy định rõ: “Nghiêm cấm việc đào tạo ngôn ngữ thông qua Học viện Khổng Tử”.

Hiện ở Mỹ có hơn 100 Viện Khổng Tử, chiếm một phần năm tổng số Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, gần 20 viện đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đạo luật này.