Vào lúc 12h01’ theo giờ Bắc Kinh ngày 10.5, Mỹ chính thức đánh thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; chỉ 3 phút sau, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố: “Trung Quốc lấy làm tiếc, sẽ buộc phải áp dụng biện pháp đáp trả”.
Báo chí Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền công kích Mỹ
Ngày 12.5 trang web của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng bài “Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó toàn diện”. Bài báo viết: Trung Quốc quan tâm 3 vấn đề cốt lõi trong cuộc đàm phán mậu dịch; tức: bãi bỏ hoàn toàn thuế quan, số lượng thu mua sản phẩm (của Mỹ) phải phù hợp thực tế và cải thiện tính cân bằng của văn bản hiệp nghị. Trong những vấn đề có tính chất nguyên tắc này, Trung Quốc quyết không nhượng bộ; cho nên bất kể Mỹ gây sức ép thế nào, trước đây đã vô tác dụng thì hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ vô dụng.
Một bức tranh cổ động chống Mỹ trên báo Trung Quốc với nội dung: Đàm, có thể! Đánh, chơi luôn! bắt nạt, đừng có mơ!
|
Bài báo cảnh cáo: nếu Mỹ cứ cố ý tiếp tục tăng thuế, Trung Quốc tất nhiên sẽ kiên quyết trả đũa. Sau hơn 1 năm va chạm mậu dịch, Trung Quốc đều đã được thử thách trên các mặt, không chỉ tính tính đề kháng áp lực được tăng cường, việc ứng phó cũng ngày càng thuần thục, ngày càng mạnh. Trung Quốc sớm nhận thấy việc Mỹ tăng thuế chỉ là ván bạc chiến lược kiểu tự hại, đi ngược dòng, trái với dân ý, tất sẽ vô ích.
Trước đó, ngày 10.5, tờ Thời báo Hoàn cầu đã đăng xã luận “Trung Quốc không thích chiến tranh mậu dịch nhưng chúng ta chịu đựng được”, cho rằng Trung Quốc là “một quả núi không đổ sụp trước chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ”.
Ngày 13.5. Ủy ban Thuế vụ Quốc Vụ viện Trung Quốc tuyên bố, từ ngày 1.6 sẽ thực hiện đánh thuế một bộ phận hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD theo các mức 25%, 20% và 10%.
Ngày 15.5, Tân Hoa xã phát đi bài bình luận “Dùng 'văn minh' che đậy bá quyền, rất không văn minh”, phê phán luận điệu của Kiron Skinner, Chủ nhiệm Văn phòng quy hoạch chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc là “sự xung đột, đối kháng, đọ sức giữa các nền văn minh khác nhau”, cũng là lần đầu tiên nước Mỹ có “một nước lớn đối thủ cạnh tranh không phải người da trắng”. Bài báo cho rằng Mỹ giả danh văn minh để che đậy chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, bộc lộ sự ngạo mạn của tư duy bá quyền, rất không văn minh. Bài báo phê phán quan điểm của Mỹ cho rằng “Mỹ giúp xây dựng lại Trung Quốc” và muốn “khai trừ Trung Quốc khỏi WTO” là tâm thế bá quyền “mình ta là nhất, trên cao nhìn xuống”.
Kiron Skinner, Chủ nhiệm Văn phòng quy hoạch chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc là “sự xung đột, đối kháng, đọ sức giữa các nền văn minh khác nhau”
|
Mạng Cầu Thị của Ban Tuyên truyền trung ương ngày 15.5 đăng bài “Thời gian và đạo lý đều đứng về phía chúng ta”, viết: thành ý và thiện chí của Trung Quốc thúc đẩy đàm phán là điều ai cũng rõ; thế nhưng Mỹ vì mưu cầu tư lợi đã bất chấp công bằng chính nghĩa, thẳng tay áp chế quyền lợi chính đáng của 1,3 tỷ người Trung Quốc theo đuổi cuộc sống tốt đẹp..., đó là sự vô trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ không và quyết không nhượng bộ trong những vấn đề trọng đại liên quan đến lợi ích cốt lõi.
Ngày 16.5, Nhân dân Nhật báo đăng bình luận phản bác việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc “trở mặt”, “làm suy yếu yêu cầu cốt lõi của Mỹ” là bất chấp sự thật và nói chính Mỹ mới là phía nhiều lần trở mặt trong hơn 1 năm đàm phán vừa qua.
Cùng ngày, Tân Hoa xã đăng bình luận nói Mỹ đi ngược xu thế, dấy lên chủ nghĩa bảo hộ ngược lại trào lưu, liên tiếp giơ cây gậy thuế quan với các quốc gia châu Á, châu Âu, không được lòng người; nhấn mạnh việc “lập lô cốt” chỉ hại người hại mình, cho rằng Mỹ đang trở thành kẻ cô đơn trong cộng đồng quốc tế.
Tiếp đó, Nhân dân Nhật báo ngày 17.5 đăng bài ký tên "Chung Hiên Lý", được cho là đại diện cho Ban Tuyên truyền trung ương, nhan đề: “Không có bất cứ lực lượng nào có thể ngăn chặn bước đi của nhân dân Trung Quốc thực hiện giấc mộng của mình”. Trang tin Đa Chiều nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên cơ quan chủ quản bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc lên tiếng về chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Bài báo viết: đối với chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã sớm tỏ rõ thái độ “không muốn đánh, nhưng không sợ đánh, khi cần thiết không thể không đánh”, “Trong hành trình vĩ đại phục hưng dân tộc, niềm tin của nhân dân Trung Quốc vào tôn nghiêm dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia nhất trí cao độ, quyết tâm vững như bàn thạch”.
Bài báo viết: “Trong hoạt động mậu dịch lâu dài, cộng đồng quốc tế đã hình thành một quy tắc được thừa nhận; nhưng ngày nay, vào thế kỷ 21 vẫn có người coi mình có “đặc quyền” vượt trên mọi quy tắc; Mỹ gây chiến tranh thương mại chính là một ví dụ sinh động”. Bài báo cho rằng “Cách làm gây chiến tranh thương mại bất chấp sự phản đối của cả thế giới nhất định không được lòng người”.
Bộ phim "Nhi nữ anh hùng" nội dung chống Mỹ được chiếu trên khung giờ vàng của CCTV-6 tối 16.5
|
Bài báo phê phán Mỹ “được đằng chân lân đằng đầu”, thủ đoạn đàm phán “kiểu cắt xúc xích” đó nhằm áp chế kìm hãm Trung Quốc chỉ là sự cuồng tưởng ngu xuẩn.
Ngày 18.5, Nhân dân Nhật báo lại đăng bình luận “Gán tội cho người, sao lại vô tội – thuyết “Trung Quốc cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ” có thể chấm dứt được rồi” phê phán quan điểm của Mỹ cho rằng “các công ty Trung Quốc cưỡng ép công ty Mỹ chuyển nhượng công nghệ”, Bộ Thương mại Mỹ lấy cớ đó để hôm 16.5 đưa Huawei vào danh sách cấm xuất khẩu để chặt đứt chuỗi cung ứng của Huawei.
Đài truyền hình mở đợt chiếu phim chống Mỹ
Theo báo Bình Quả, Hongkong, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường tuyên truyền chống Mỹ, kích động tinh thần dân tộc. Sau khi Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu liên tiếp tung ra các bài công kích Mỹ “cường quyền bá đạo”; đến lượt Ban Tuyên truyền trung ương ra lệnh cho các đài truyền hình cả nước mỗi tối phát 1 bộ phim về chiến tranh chống Mỹ vào thời điểm khung giờ Vàng để “cổ vũ chí khí chống Mỹ”. Kênh CCTV-6 (kênh phim điện ảnh) đi đầu, từ tối 16.5 liên tiếp chiếu 3 bộ phim đề tài chiến tranh “viện Triều chống Mỹ” hồi những năm 1950 là “Nhi nữ anh hùng”, “Thượng Cam Lĩnh” và “Kỳ tập”.
Ngày 16.5, CCTV-6 thông báo sẽ phát chậm thay vì tường thuật trực tiếp Lễ khai mạc Tuần phim châu Á lúc khung giờ Vàng (20h), để chiếu bộ phim chiến tranh kinh điển “Nhi nữ anh hùng”. Khi đó khán giả đã xôn xao bàn tán “đã xảy ra chuyện gì đó” vì bộ phim này đã rất cũ, không bỗng dưng lại đem chiếu lại vào khung giờ Vàng như thế. Đến đêm khuya, CCTV lại thông báo tối hôm sau vào 20h15’ sẽ chiếu bộ phim truyện đen trắng “Thượng Cam Lĩnh” sản xuất đầu những năm 1960.
Phim "Thượng Cam Lĩnh" đề tài giúp Triều Tiên chống Mỹ được chiếu trên CCTV-6 tối 17.5
|
Tờ Bình Quả dẫn lời Phó giáo sư Kiều Mộc ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh viết trên mạng xã hội: “Phim về viện Triều chống Mỹ rất nhiều, mỗi ngày chiếu một bộ, cắt tiết gà, dọa đế quốc Mỹ cho đến khi Trump hiện nguyên hình Hổ giấy”. Ông cũng nói, tuyên truyền Trung Quốc thắng trong cuộc chiến đó, nhưng sợ thực là đánh hòa; nếu xét về số thương vong của Trung Quốc lớn hơn phía Mỹ nhiều, đặc biệt là “Thái tử” (tức Mao Ngạn Anh, con ông Mao Trạch Đông) bị chết thì thực tế là đã thua. Ông viết thêm: “Xét thấy việc hiện nay rất nhiều con cái quan chức đang ở Mỹ, đem chiếu những phim này là triệu chứng không hay”.
Bình luận viên thời sự Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng, Bắc Kinh ngày càng bị động trong chiến tranh thương mại với Mỹ, không chỉ biện pháp phản đòn về kinh tế có hạn, phản kích về dư luận cũng sai sót, chỉ biết sử dụng phương thức tuyên truyền kém khôn ngoan ấy dấy lên tâm thái kiểu Nghĩa Hòa Đoàn, kích động tinh thần chống Mỹ. Ông cho rằng “Vào lúc này vẫn giáo dục dân chúng bằng cách cũ rích đó, chẳng khác nào dùng đá ném tàu vũ trụ, thật khôi hài và nực cười”...
Mỹ hạn chế nhận lưu học sinh Trung Quốc và đóng cửa các Viện Khổng Tử
Từ kinh tế, mậu dịch tới khoa học kỹ thuật, từ eo biển Đài Loan tới Bắc Cực, hơn 1 năm qua sự đối đầu Mỹ - Trung đã không còn là cuộc chiến mậu dịch, dần dần lan sang nhiều lĩnh vực khác. Khi mà nông dân trồng đậu Mỹ kêu khổ vì Trung Quốc không nhập đậu hạt thì các phụ huynh học sinh Trung Quốc cũng bắt đầu oán trách cuộc chiến mậu dịch này.
Học viện Công nghệ Massachusetts năm 2019 không nhận sinh viên Trung Quốc nào vào học
|
Mới đây, Học viện công nghệ (Massachusetts Institute of Technology, MIT) – trường đại học hàng đầu Mỹ công bố danh sách sinh viên mới được nhận vào trường năm 2019 cho thấy, trong số 707 sinh viên mới, không có tên một sinh viên Trung Quốc nào.
Trang tin Đa Chiều cho rằng, chẳng cần phải bàn luận quá nhiều, dư luận nhạy cảm đã thấy rõ một cuộc đấu tranh về văn hóa, ít nhất là trong lĩnh vực giáo dục đã bắt đầu diễn ra.
Thông tin về việc trường MIT không nhận học sinh Trung Quốc nào giống như hòn đá ném xuống gây nên nhiều cơn sóng. Điều khiến các phụ huynh Trung Quốc Đại Lục phẫn nộ là căn cứ theo các ghi chép trước đây của nhà trường thì năm nào cũng đều có học sinh Trung Quốc được nhận vào học, năm nay việc không có học sinh nào được chọn vào không phải do thành tích của học sinh Trung Quốc không đạt chuẩn, mà là do nhà trường Mỹ đã thay đổi quy tắc tuyển sinh. Có vẻ cho dù giới học thuật Mỹ luôn tự xưng khách quan, trung lập nhưng cũng không thoát khỏi bị chính trị thao túng.
Bắt đầu từ đầu năm 2018, phái cứng rắn với Trung Quốc trong Nhà Trắng đã đốc thúc Tổng thống Donald Trump đình chỉ việc cấp visa du học cho công dân Trung Quốc. Ông Trump cũng nhiều lần công khai ám chỉ việc lưu học sinh Trung Quốc làm gián điệp lấy cắp công nghệ của Mỹ; sau đó đã tuyên bố kế hoạch mới thực hiện điều tra bối cảnh và hạn chế học sinh Trung Quốc. Tháng 6.2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trực tiếp cắt giảm visa đối với lưu học sinh Trung Quốc tới Mỹ học các ngành hàng không, chế tạo người máy và các lĩnh vực chế tạo tiên tiến khác.
Do ảnh hưởng của chính sách của chính phủ Mỹ, không chỉ quy hoạch tuyển sinh của MIT loại học sinh Trung Quốc ra ngoài, mà trường Đại học Stanford hồi cuối năm 2018 cũng công bố danh sách 50 khu vực tuyển sinh toàn thế giới, Đài Loan và Hongkong đều có tên trong đó, nhưng Trung Quốc Đại Lục thì không.
Thực ra, hồi cuối năm 2018 kế hoạch tuyển sinh gây tranh cãi của MIT này đã được công bố, nay nó mới gây chấn động ở Trung Quốc là bởi Mỹ đang ngày càng gây sức ép với Trung Quốc trên lĩnh vực văn hóa.
Một biểu hiện mới nhất, sau khi hai bên trả đũa nhau trong việc tăng thuế, các nghị sĩ Cộng Hòa trong Quốc hội hôm 14.5 đã đưa ra nghị án yêu cầu cấm cấp visa cho bất cứ lưu học sinh hoặc nghiên cứu sinh nào được quân đội Trung Quốc tuyển chọn hoặc tài trợ. Đây là cách Mỹ hạn chế các học sinh và học giả Trung Quốc tới Mỹ học tập, nghiên cứu, làm việc. Ngay từ năm 2018, FBI đã tiến hành điều tra về kế hoạch chiến lược “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc nhằm lôi kéo nhân tài cao cấp từ nước ngoài về nước làm việc. Họ đã đưa ra một bản danh sách các giáo sư, học giả người Hoa đang làm việc tại một số cơ quan nghiên cứu khoa học; yêu cầu các cơ quan này sa thải hoặc cắt hợp đồng vô điều kiện với những người này. Trong năm 2018, khi cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung diễn ra gay gắt, đã có tới hơn 30 giáo sư, chuyên gia, học giả bị Mỹ từ chối cấp hoặc hủy visa, hoặc bị thẩm tra lại.
Trong 15 tháng qua có ít nhất 15 trường đại học Mỹ đã đóng cửa các Viện Khổng Tử
|
Hành động của phía Mỹ còn thể hiện rõ qua việc đối xử với các Viện Khổng Tử - mà Trung Quốc coi là nơi truyền bá văn hóa ra nước ngoài. Năm 2018, các Viện Khổng Tử liên tiếp bị “phong sát” ở Mỹ. Tháng 8.2018, Tổng thống Donald Trump đã ký “Luật ủy quyền quốc phòng” (NDAA) đã được quốc hội thông qua, trong đó có một điều quy định yêu cầu Bộ Quốc phòng chấm dứt việc tài trợ cho chương trình “Kỳ hạm Hán ngữ” (Chinese Flagship Progam) trong các trường đại học Mỹ có lập Viện Khổng Tử. Thế là trong 15 tháng qua, cả nước Mỹ có ít nhất 15 trường đại học Mỹ đã đóng cửa Viện Khổng Tử, làm xuất hiện làn sóng đóng cửa cơ cấu này chưa từng có kể từ khi nó ra đời năm 2004.
Sự va chạm văn hóa giữa hai bên còn trực tiếp hơn, tiếp tục mở rộng phạm vi hơn thành đối đầu văn hóa. Ngày 29.4, bà Kiron Skinner, Chủ nhiệm Văn phòng quy hoạch chính sách (Director of Policy Planning) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói tại một diễn đàn: “Cuộc đọ sức với Trung Quốc là đọ sức giữa hai nền văn minh khác nhau và giữa các các hình thái ý thức. Điều này chưa từng có với Mỹ xưa nay, cũng là lần đầu tiên nước Mỹ có một nước lớn đối thủ cạnh tranh không phải người da trắng”.
Khi mà dư luận tập trung sự chú ý về ý “không phải người da trắng” của Kiron Skinner thì họ quên rằng trước khi xảy ra chiến tranh thương mại, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra luận thuyết “Trung Quốc là mối uy hiếp lâu dài”, có điều nó đã không đạt được sự nhất trí.
Đa Chiều cho rằng, sự đọ sức về văn hóa có lẽ không kịch liệt và trực tiếp như cuộc chiến mậu dịch, nhưng năng lượng nó hàm chứa một khi trở thành công cụ của chính trị thì e rằng sức sát thương còn lớn hơn nhiều. Khi sự giao lưu dân gian bị thao túng và trở thành đối lập thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hòa giải được.