Từ kẻ phản bội, Larisa Gulyachenko biến thành nạn nhân của “chủ nghĩa Stalin” như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện nay, trong xã hội Nga vẫn diễn ra những tranh luận gay gắt về những vụ đàn áp chính trị dưới thời Xô Viết.
Nữ tình báo Alima Abdenanova được truy tặng danh hiệu "Anh hùng Liên bang Nga" (Ảnh: AIF)
Nữ tình báo Alima Abdenanova được truy tặng danh hiệu "Anh hùng Liên bang Nga" (Ảnh: AIF)

Các vụ đàn áp chính trị dưới thời Xô Viết không chỉ bị dư luận xã hội hiện nay mà cả dư luận xã hội thời Liên Xô cực lực lên án. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể để mỗi người có thể đưa ra phán quyết: ai trong hai nhân vật Sofia và Gordaya là nạn nhân của những vụ đàn áp chính trị?

Sofia là tên bí danh của Alima Adenanova, Gordaya là tên bí danh của Larisa Gulyachenko.

Alima sinh ra ở Crimea trong một gia đình công nhân. Sau khi tốt nghiệp phổ thông loại giỏi, Alima tham gia công tác tại chính quyền địa phương. Khi Thế chiến 2 bùng nổ (22/6/1941) Alima 17 tuổi, chị viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng bị từ chối. Mùa Thu năm 1941, Alima tốt nghiệp khóa điều dưỡng 3 tháng, sau đó nhập ngũ và làm việc tại bệnh viện Krasnodar.

Năm 1943, tình báo Liên Xô có nhu cầu tuyển dụng người làm việc trong khu vực bị Đức chiếm đóng ở Crimea, yêu cầu phải là người am hiểu địa hình. Bất chấp mọi khó khăn và nguy hiểm, Alima đồng ý ngay. Sau khi kết thúc khóa đào tạo tình báo ở Krasnodar, Alima mang bí danh Sofia, nhảy dù xuống làng Jermai-Kashik, quận Leninsky, Crimea. Sofia là nhân viên điện đài thứ 2, làm việc trong nhóm của Larisa Gulyachenko – người mang bí danh Gordaya.

Alima thiết lập một nhóm hoạt động bí mật có tên là “Daya”, gồm 15 người dân địa phương. Nhờ có nhóm này mà Alima có thể nắm được rất rõ kế hoạch di chuyển quân của phát xít Đức, đây cũng là cơ sở để không quân Liên Xô tấn công chính xác, tiêu hao đáng kể sinh lực địch.

Ngày 13/12/1943, thiếu tá Atsekhovsky, trưởng phòng 2, cục tình báo mặt trận Bắc Kavkaz đề nghị tặng huân chương Cờ Đỏ cho Sofia và Gordaya. Quyết định đã ký ngày 5/1/1944. Chưa kịp nhận huân chương thì tháng 2/1944, một số thành viên trong nhóm “Daya” của Alima bị lực lượng phản gián của Hitler bắt giữ. Trạm phát thanh bí mật của Sofia bị theo dõi.

Kết quả tồi tệ không thể tránh khỏi đó là Alima và Gulyachenko đã bị bắt. Tuy bị phát xít Đức tra tấn dã man, nhưng Alima và các thành viên khác không khai một lời. Duy chỉ có Gulyachenko đã gục ngã trước kẻ thù và khai ra tất cả. Người dân địa phương còn chứng kiến cảnh Gulyachenko dẫn phát xít Đức tới nhà người thân của Alima, tới nơi ẩn giấu trạm phát thanh.

Tháng 3/1944, lực lượng du kích Crimea nổi dậy, tấn công nhà tù – nơi giam giữ các thành viên của nhóm “Daya”. Alima đã không còn ở đó nữa. Phát xít Đức đã đưa chị tới Simferopol. Mọi cực hình cũng không thể bẻ gãy được ý chí của cô gái 20 tuổi Alima. Tháng 4/1944, chị bị quân Đức hành quyết, chỉ đúng một tuần trước khi Hồng quân Liên Xô giải phóng Simferepol.

Lúc này, Gulyachenko, người mang bí danh Gordaya thì sao? Gordaya đã chạy theo quân Đức, cả dân làng Jermai-Kashik đều thấy rõ sự phản bội của Gulyachenko. Thế nhưng, hình như linh cảm được rằng Hồng quân Liên Xô sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này, Gulyachenko đã quay lại Crimea, cố gắng che giấu những hành vi và dấu vết phản động của mình.

Tháng 9/1945, sau khi kết thúc chiến tranh, Gulyachenko bị bắt giữ ở thành phố Balatonfured, Hungaria. Bất chấp những cam kết do chính tay mình đã viết trong đơn tình nguyện tham gia lực lượng tình báo Liên Xô, Gulyachenko đã bán rẻ tính mạng của đồng đội, phản bội tổ quốc.

Chiếu theo điều 58, khoản 1-b của bộ luật hình sự Liên bang Nga, tội này phải đưa ra xử bắn. Nhưng tòa án binh của Tập đoàn quân cận vệ số 7 đã giảm nhẹ án phạt cho Gulyachenko: 10 năm lao động cải tạo và 5 năm tù giam.

Năm 1955, Gulyachenko được ra tù, đến 1956 theo học khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Kiev, sau này làm giáo viên tiếng Anh, tiếng Đức. Dẫu sao thì Gulyachenko đã sống trọn vẹn một đời, có gia đình, có chồng, con.

Khi vào các trang điện tử: “Tài liệu lưu trữ của trại lao động cải tạo, hoạt động chống đối chế độ”, hoặc “Bảo tàng của trại cải tạo lao động”, cũng chỉ tìm thấy một ít ảnh của hai người phụ nữ ôm hoa, bên dưới kí tên: Elena Markova, Larisa Gulyachenko. Nếu muốn biết rõ hơn về Larisa Gulyachenko, ta có thể tìm thấy trong trang nhật ký của Elena Markova - cô bạn cùng trại cải tạo.

Elena Markova viết: “Larisa mới học đến lớp 8, khai tăng tuổi để đi bộ đội, khi Crimea bị Đức chiếm, Larisa được đưa vào hoạt động trong hậu phương quân đội Đức vì thông thạo tiếng Đức, bị tình báo Đức bắt, sau đó đi theo Hồng quân Liên Xô đến Hungaria. Tháng 9/1945 bị quân đội Liên Xô bắt giữ ở Balatonfured – Hungaria. Trong thời gian ở trại cải tạo, Larisa Gulyachenko tích cực tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, nổi lên như một ngôi sao”.

Có thể, Markova không biết được lí do tại sao Gulyachenko phải ngồi tù. Khi biểu diễn văn nghệ, Gulyachenko có biết hối hận vì đã phản bội đồng đội của mình không?

Vậy những dữ liệu, những thông tin đích thực về Larisa Gulyachenko có thể tra cứu ở đâu? Hiện nay, rất nhiều tổ chức xã hội, rất nhiều nhà sử học ở Nga cho rằng: nạn nhân của chủ nghĩa Stalin là những người chống chế độ, kể cả những người thực sự vi phạm pháp luật ở thời điểm đó, những người phản bội, những người từng hợp tác với phát xít Đức trong chiến tranh.

Đúng ra thì, những cán bộ được giao trách nhiệm đi tìm nạn nhân của các cuộc đàn áp chính trị thời Stalin phải điều tra cho rõ: nguyên nhân đích thực khiến Gulyachenko ngồi tù là gì, nhưng lại đơn giản và yên tâm ghi là “trường hợp này cũng là nạn nhân vô tội”. Cũng có khả năng tác giả của những kết luận vội vàng đó có biết sự thật về Gulyachenko, nhưng cố tình che giấu. Nếu điều này đúng thì quả là một câu chuyện xót xa.

Alima Abdenanova đã hiến dâng cả sinh mạng, cả cuộc đời vừa bắt đầu chớm nở của mình cho tổ quốc.

Ngày 1/9/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh truy tặng danh hiệu anh hùng cho Alima Abdenanova vì lòng quả cảm mà chị đã thể hiện khi chiến đấu chống phát xít Đức xâm lược, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945.

Còn Larisa Gulyachenko đã phản bội tổ quốc và đồng đội để được sống tiếp. Vậy mà một số người được xem là “đại diện cho pháp luật” lại đổi trắng thay đen khi coi Larisa là “nạn nhân của chủ nghĩa Stalin”.

Theo AIF