Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Tự gắn mác quốc tế, các trường vi phạm quy định pháp luật

VietTimes -- Trong cuộc trao đổi với VietTimes, ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, một số trường đã tự gắn hai chữ “quốc tế” để lấy niềm tin của phụ huynh, việc làm này đã vi phạm quy định của pháp luật. 
Ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thưa ông, trong quy định của pháp luật không có tên trường quốc tế, song có rất nhiều trường tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Trong Luật Giáo dục hiện hành không quy định loại hình trường quốc tế, chỉ có 3 loại hình trường đó là: trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Trường có yếu tố nước ngoài sẽ được xếp vào nhóm trường tư thục.

Nhiều trường dân lập hoặc tư thục, vì một mục đích nào đó đã chủ động gắn hai chữ “quốc tế” trong tên gọi của mình. Bên cạnh đó, một số phụ huynh có tâm lý và mong muốn chính đáng đưa con du học hoặc du học tại chỗ. Không loại trừ trường hợp một số trường nắm bắt được tâm lý đó nên đã gắn hai chữ “quốc tế” để lấy niềm tin. Việc làm này của các trường đã vi phạm.

Chính vì vậy, việc các trường chủ động gắn hai chữ “quốc tế” là sai. Do nhận thức được hành động không đúng của mình nên sau khi vụ việc thương tâm tại Trường Tiểu học Gateway xảy ra, nhiều trường đã tự gỡ hai chữ “quốc tế” ra khỏi biển tên.

Một ngôi trường tự gắn mác quốc tế trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Theo ông, cần hiểu thế nào là trường "quốc tế"?

- Như đã trao đổi ở trên, trong quy định của pháp luật hiện nay không có loại hình nào là trường quốc tế, chỉ có trường có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động theo quy định của Luật đầu tư. Song, bản thân các trường 100% vốn đầu tư nước ngoài không tự đặt tên là “trường quốc tế”. Hiện nay đã có nhiều trường áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, chương trình dạy học, sử dụng giáo viên nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào yếu tố có giáo viên nước ngoài thì chưa thể khái quát đó là trường quốc tế. Vì thế, phải sử dụng đúng khái niệm trong luật đã quy định, đó là “trường có yếu tố nước ngoài”, chứ không gọi là trường quốc tế.

Trên thế giới, để được gọi là trường quốc tế thì các trường phải có vốn đầu tư nước ngoài, trường ở nước ngoài nhưng mở chi nhánh, mở phân hiệu ở một nước khác.

Ở Việt Nam đã có các trường có vốn đầu tư nước ngoài nhưng chính những trường thực sự là trường quốc tế lại không hề tự đặt hai chữ “quốc tế” ở trong tên gọi, mà thường để tên riêng. Ví dụ Trường Đại học RMIT – trường 100% vốn đầu tư của Úc đặt tại Việt Nam và không hề có hai chữ “quốc tế”.

Về vấn đề chất lượng nhà trường có “quốc tế” hay không, tôi cho rằng cần căn cứ vào việc kiểm định chất lượng. Để đạt tiêu chuẩn quốc tế, không thể chỉ áp dụng một vài yếu tố nước ngoài vào trong hoạt động của nhà trường mà còn cần phân định rõ ràng các mức độ, ví dụ quốc tế ở mức độ các nước phát triển, quốc tế ở các nước trong khu vực…

Bên cạnh đó, việc kiểm định chất lượng trường quốc tế phải gắn với tiêu chuẩn của một quốc gia hoặc một tổ chức nào đó uy tín.

Ví dụ, trong giáo dục đại học, một số trường mời Hiệp hội các Trường Đại học Đông Nam Á là tổ chức uy tín để đánh giá, kiểm định, từ đó mới có thể coi là trường quốc tế.

Hiện nay, việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục được áp dụng khá toàn diện và triệt để ở bậc giáo dục đại học. Còn đối với giáo dục phổ thông, vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể để phân biệt giữa trường có yếu tố nước ngoài và trường bình thường, chưa có tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là trường quốc tế.

Đến nay, chúng ta mới chỉ đánh giá các trường thông qua tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia với nhiều mức độ khác nhau.

Ông Phạm Tất Thắng trong buổi trò chuyện với VietTimes.

Chúng ta không cấm việc đặt tên có chữ quốc tế, nhưng hai chữ này đang gây hiểu nhầm, khiến các bậc phụ huynh tưởng rằng đang cho con học trường quốc tế thật. Có nên khuyến khích việc đặt tên này không, thưa ông?

Pháp luật không cấm đặt tên là "trường quốc tế", song, tên gọi này phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Để có tên gọi quốc tế, dù là tên riêng hay có yếu tố quốc tế, đơn vị mở trường phải thể hiện trong hồ sơ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, giải thích tại sao gọi là trường quốc tế, giải thích đó là tên riêng hay đặt tên này do có yếu tố nước ngoài.

Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý thẩm định việc ghi tên, biển hiệu và có thể cho phép đặt tên nếu thấy hợp lý. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đơn vị đó phải thực hiện đúng theo giấy phép, tức là tên gọi công bố với dư luận phải đúng như tên gọi đã đăng ký. 

Bên cạnh đó, cách hiểu chính xác về các trường có áp dụng chương trình, phương pháp, dạy kỹ năng, mời giáo viên nước ngoài đến giảng dạy, liên kết với một trường nào đó ở nước ngoài, phải là “trường có yếu tố nước ngoài”.

Trường quốc tế Việt Nam (The International school of Viet Nam)

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, các trường có vốn đầu tư nước ngoài cũng không nằm ngoài chủ trương này. Tuy nhiên, ngành Giáo dục cần làm gì để kiểm soát chặt chẽ chất lượng của những trường có liên kết với quốc tế?

Đúng là chúng ta rất khuyến khích xã hội hóa giáo dục và mong muốn các thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội cùng chung tay, đóng góp nguồn lực để xã hội hóa giáo dục và cũng là chia sẻ bớt gánh nặng đối với ngân sách nhà nước khi ngân sách phải bao cấp cho giáo dục là khá lớn.

Tuy nhiên, dù đơn vị hay cá nhân nào đầu tư vào giáo dục, nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng. Bởi giáo dục là một ngành dịch vụ xã hội đặc thù. Sản phẩm của giáo dục là con người, tạo ra thế hệ công dân, người lao động trong tương lai.

Vì thế, khi phạm phải sai lầm sẽ không có cơ hội để sửa chữa. Khi giáo dục đào tạo ra một con người không toàn diện, không phát triển đầy đủ, sẽ không có cách gì để khắc phục. Do đó, trong quá trình thực hiện không được phép mắc sai lầm và phải đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định.

Trong Luật Giáo dục đã có quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng. Các cơ quan quản lý đã tổ chức kiểm định, đánh giá các cơ sở giáo dục có đạt chuẩn hay không. Nếu là trường hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải đảm bảo chất lượng và tuân thủ theo chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Ngoài ra, có thể áp dụng những yếu tố của nước ngoài vào để nâng cao hiệu quả giảng dạy, nhưng vẫn phải đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng thông qua chương trình giáo dục phổ thông và những điều kiện đảm bảo chất lượng mà ngành Giáo dục đã quy định.

Chúng ta có nên công khai danh sách các trường có yếu tố nước ngoài không, thưa ông?

- Theo tôi, chúng ta nên công khai các trường có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, thông tin về các trường vẫn chưa đến được với đông đảo người dân. Ở cấp bậc đại học, hầu hết các trường đều có thông báo về các chương trình liên kết với nước ngoài nhưng các trường phổ thông chưa làm được điều này.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng chưa có thói quen tìm hiểu kỹ lưỡng về trường cho con theo học. Tôi cho rằng các bậc phụ huynh cần cân nhắc, lựa chọn kỹ trường cho con theo học phải đảm bảo về chất lượng, quy định…

Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring

Vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì để không tái diễn các tình trạng các trường tự gắn mác gây hiểu nhầm cho người dân?

- Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm công khai các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài/liên kết quốc tế với xã hội. Cần công bố danh sách các trường này thông qua các phương tiện truyền thông. Việc làm này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng và công tác kiểm định, đánh giá nhà trường.

Không chỉ vậy, khi công khai danh sách các trường có yếu tố đầu tư nước ngoài trên trang web, các cơ quan quản lý phải cập nhật kịp thời để đưa thông tin đến người dân, đồng thời, kiểm tra thông tin của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; đăng tải công khai cho người dân biết các trường có yếu tố nước ngoài đã được thẩm định, đánh giá bởi tổ chức nào.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh khi có mong muốn lựa chọn loại hình trường có yếu tố nước ngoài cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng xem dịch vụ nhà trường cung cấp có xứng đáng với học phí mà phụ huynh đã bỏ ra hay không, môi trường học tập có thực sự giống như những gì mà trường đó quảng cáo? Từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất để đảm bảo môi trường học tập cho con mình.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!