Trong tuần từ 26/11 - 30/11, trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSX), khối ngoại đã thực hiện mua ròng 4 phiên liên tiếp và chỉ thực hiện bán ra vào phiên giao dịch cuối tuần. Tổng giá trị mua ròng đạt tới 263 tỷ đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, tuần qua, khối ngoại thực hiện bán ròng tới 85,68 tỷ đồng trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trong số các mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng, cổ phiếu VNM dẫn đầu danh mục với khối lượng mua ròng đạt 4,42 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 556,5 tỷ đồng. Tiếp đến là cổ phiếu STB với 2,29 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 51,38 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số mã cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản cũng chứng kiến sự giao dịch sôi động của khối ngoại.
Cũng liên quan tới dòng vốn ngoại, trong tuần qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đã đồng ý thông qua niêm yết chứng chỉ lưu ký được phát hành bởi công ty chứng khoán Bualuang Securities. Tổng nguồn vốn huy động cho chứng chỉ lưu ký để đầu tư vào VFMVN30 được đệ trình lên UBCK Thái Lan là 151,5 triệu USD.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư tại Thái Lan có thể trực tiếp giao dịch chứng chỉ lưu ký tại sàn giao dịch ở Thái Lan bằng đồng nội tệ là Bath Thái thay vì phải mở tài khoản chứng khoán và mua trực tiếp chứng chỉ quỹ VFMVN30 bằng tiền đồng.
Việc phát hành thông qua chứng chỉ lưu ký được kỳ vọng sẽ giúp việc giao dịch chứng chỉ quỹ VFMVN30 một cách dễ dàng hơn, nhờ đó mà các dòng vốn nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc đầu tư vào quỹ ETF VFMVN30 sẽ không bị giới hạn sở hữu nước ngoài như nhiều loại hình khác.
Về thị trường chung, các chỉ số VN-Index và VN30-Index không có quá nhiều biến động và ghi nhận đà tăng điểm. Cụ thể, chỉ số VN-Index và chỉ số VN30-Index đã tăng lần lượt là 10,87 điểm và 4,91 điểm.
Diễn biến thanh khoản thị trường tuần qua không có nhiều cả thiện khi đà tăng điểm chủ yếu nhờ vào những diễn biến tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn như: VNM, SAB, VIC.
Diễn biến 5 nhóm ngành tích cực - tiêu cực nhất trong tuần qua (Nguồn: BVSC)
|
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong số các nhóm ngành diễn biến tích cực tuần qua, nhóm ngành thực phẩm tăng trưởng tới 7,62% nhờ sự góp mặt của các cổ phiếu VNM, KDC, SBT. Tiếp đến là các ngành Hóa chất (4,24%); Cảng biển & dịch vụ vận tải (3,21%); Du lịch (3,04%) và Đồ uống (2,69%).
Các nhóm cổ phiếu có diễn biến tiêu cực nhất là các doanh nghiệp Công nghiệp đa ngành với mức giảm 6,52%, bao gồm: HPG, PCT, MCF, VCM.
Theo các chuyên gia tại BVSC, thị trường chung vẫn đang thể hiện tâm lý thận trọng, chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.
Trong tuần qua, các biến động trên thị trường Mỹ cũng đã có dấu hiệu lắng xuống. Theo báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 28/11/2018, thị trường nước này đang được định giá quá cao nhưng rủi ro khủng hoảng vẫn chưa đáng lo ngại.
Theo như tính toán, Fed cho rằng P/E của thị trường Mỹ hiện đang cao hơn mức trung vị trong vòng 30 năm vừa qua. Điều này cùng chung kết luận nếu dựa trên đánh giá giá trị của chỉ số Shiller’s CAPE (hiện đang ở mức 30,57).
Giá đất nông nghiệp, đất dành cho thương mại và đất hộ gia đình cũng đang ở mức cao hơn so với mức giá dài hạn. Thêm vào đó, độ chênh lệch (spread) giữa chỉ số về trái phiếu doanh nghiệp và chỉ số về đòn bẩy nợ (leveraged loans) cũng đang trở nên hẹp dần.
Báo cáo của Fed chỉ ra rằng nợ doanh nghiệp đang ở mức cao lịch sử và số nợ có rủi ro được phát hành gia tăng dẫn đến rủi ro tín dụng tăng cao. Do vậy, chất lượng các khoản vay nhìn chung giảm.
Mặc dù vậy, Fed cho rằng hệ thống tài chính đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với hồi khủng hoảng 2007-2009 do đòn bẩy trong hệ thống ngân hàng thấp, các ngân hàng đang nắm giữ những tài sản có thanh khoản cao và có nguồn thu tài chính ổn định.
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia BVSC cho biết, thị trường (chỉ số VN-Index) được dự báo sẽ tiếp tục đi lên và hướng tới đến vùng kháng cự từ 946-952 điểm trong tuần tới./.