TTCK ngày 25/10: VN-Index tiếp tục dò đáy, tìm lại thanh khoản

VietTimes – Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 25/10, chỉ số VN-Index đã giảm điểm sâu, có lúc lên tới hơn 37 điểm với số mã giảm chiếm áp đảo. Đà giảm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có nhiều tương đồng với diễn biến của TTCK tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (ngày 24/10), TTCK Mỹ tiếp tục chứng kiến đà bán tháo của nhà đầu tư, xóa bỏ toàn bộ thành quả trong cả năm của cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P500.

Cụ thể, chỉ số S&P500 nới rộng đà giảm trong tháng 10 lên tới 8,8%, ghi nhận tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 2 năm 2009. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 600 điểm , trong khi Nasdaq sụt giảm 4,4% - mức giảm ngày mạnh nhất kể tháng 8 năm 2011.

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia cho biết là do sự phân hóa trong báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và dữ liệu yếu kém trên thị trường nhà ở (cùng với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng mức lãi suất cơ bản) làm dấy lên những lo ngại về việc giá cả leo thang sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Diến biến tiêu cực TTCK Mỹ diễn ra đúng vào lúc TTCK Việt Nam đang có những phiên giao dịch không được thuận lợi trong thời gian gần đây. Điều này càng góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Sau phiên giao dịch sụt giảm mạnh ngày 11/10 (cũng do diễn biến xấu của thị trường Mỹ), TTCK Việt Nam đã ghi nhận một vài phiên hồi phục nhưng chỉ thể hiện về mặt điểm số (VN-Index), thanh khoản trên thị trường lại có sự suy yếu rõ rệt so với trước.

Điều này cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang có tâm lý thận trọng, đứng ngoài thị trường trong các phiên tăng điểm, đà hồi phục vì thế cũng trở nên kém bền vững.

Đồ thị phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index (Nguồn: BVSC)
Đồ thị phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index (Nguồn: BVSC) 

Về mặt kỹ thuật, trong phiên giao dịch hôm 24/10, chỉ số VN-Index tiếp tục đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng, giá đóng cửa đã xuyên qua đường xu hướng tăng dài hạn, được duy trì và kéo dài từ đầu năm 2016. Do đó, thời điểm này thị trường rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài trong khi lại bỏ qua những thông tin hỗ trợ bên trong.

Ngay từ đầu phiên sáng 25/10, các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn trong rổ VN30 đều chìm trong sắc đỏ khiến chỉ số VN30-Index có lúc giảm tới 36,5 điểm. Tương tự, chỉ số VN-Index cũng có lúc giảm tới 37 điểm, đóng góp mức giảm nhiều nhất phải kể đến các mã cổ phiếu như: GAS, VPB, VNM, VIC. 

Kết thúc phiên giao dịch, biên độ giảm điểm của chỉ số VN-Index đã được rút ngắn, chỉ còn 12,56 điểm, xuống mức 910,17 điểm. Số mã giảm điểm chiếm áp đảo trên cả hai sàn HNX và HSX. Thanh khoản thị trường không có sự gia tăng đột biến, tính tới cuối phiên giao dịch đạt 4.326 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó.

Đà giảm điểm của thị trường cơ sở dường như lại mở ra cơ hội sinh lời mới cho các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế “short” trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Quy mô giao dịch chứng khoán phái sinh trong 3 tháng qua (Nguồn: HNX)
Quy mô giao dịch chứng khoán phái sinh trong 3 tháng qua (Nguồn: HNX) 

Quy mô giao dịch trên thị trường này tính đến ngày 24/10 đã có sự cải thiện rõ rệt so với 2 tháng trước đó. Điều đó cho thấy vẫn có dòng tiền tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, các công cụ phái sinh thường được dùng để phòng ngừa rủi ro trên thị trường cơ sở, có tỷ lệ đòn bẩy cao./.