TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng: “Cần thận trọng lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài, đừng để bị bắt làm con tin“

VietTimes -- Trong khuôn khổ hội thảo "Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức với Đà Nẵng", VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về thực trạng chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức với Đà Nẵng” ngày 31/5.

PV: Thưa ông, “Xu hướng xanh” là sáng kiến của TP. Đà Nẵng để tận dụng các nền tảng dịch vụ sẵn có để tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp/tổ chức thường thích xây dựng hệ thống mới nhiều hơn là thực hiện quá trình chuyển đối số theo “Xu hướng xanh”. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số gồm nhiều yếu tố về kế thừa dữ liệu, ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau như trích chọn dữ liệu, Big Data, máy học v.v. để xây dựng cơ sở dữ liệu. Vì xây dựng dữ liệu số là quá trình tốn nhiều thời gian và công sức nên người ta thường chọn cách tiếp cận đơn giản, coi nó là một công trình xây dựng ngay từ đầu. Xây dựng cơ sở dữ liệu số mới sẽ làm kinh phí đầu tư lớn hơn, nhưng chủ động được nguồn nhân lực, làm việc với các đối tác ngay từ đầu sẽ thuận lợi hơn.

Còn phương pháp ứng dụng đan xen giữa công nghệ cũ mới đòi hỏi về nhận thức, phương pháp làm việc phức tạp hơn, yêu cầu trình độ cao hơn. Hơn nữa, chính chủ đầu tư hệ thống cũng phải tốn thời gian, tìm hiểu thêm về công nghệ. Do đó, như đã nói, mọi người thường chọn cách đơn giản là xây dựng mới.

PV: Quá trình chuyển đổi số và vận hành các hệ thống của chính phủ điện tử và thành phố thông minh sẽ sản sinh ra lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vể kiểm soát rủi ro lộ lọt dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Vậy xin ông cho biết TP. Đà Nẵng có những giải pháp nào để hạn chế rủi ro này?

Khi chuyển đổi từ dữ liệu truyền thống sang dữ liệu số hóa sẽ đặt ra vấn đề về an toàn, an ninh thông tin. Đây chính là một trong những thách thức khi xây dựng hệ thống thông tin. Dựa trên dữ liệu số quan trọng có trong hệ thống thì công tác an toàn và an ninh thông tin phải được coi là yếu tố hàng đầu để đảm bảo dữ liệu không bị các đối tượng xấu lợi dụng và phương hại tới các cá nhân.

Khi triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh, TP. Đà Nẵng cũng coi an toàn và an ninh thông tin là yếu tố hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi hết sức quan tâm và đang tìm kiếm giải pháp để những dữ liệu số được chia sẻ mà vẫn đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Rõ ràng, trong quá trình số hóa dữ liệu và biến chúng thành dữ liệu mở, TP. Đà Nẵng sẽ thành lập ban chỉ đạo chính quyền điện tử và thành phố thông minh, quyết định dữ liệu nào sẽ được mờ hóa hay dữ liệu nào chuyển thành dữ liệu mở để công dân dễ dàng khai thác, tiếp cận.

Với quy định chặt chẽ như vậy, việc mở dữ liệu đến đâu hay ai được quyền truy cập dữ liệu này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong đó, những dữ liệu hết sức nhạy cảm như dữ liệu bệnh án điện tử, dữ liệu học sinh giáo viên v.v. đều sẽ được mờ hóa, mã hóa để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nói về giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Đà Nẵng.

PV: Để đảm bảo tính nhất quán và chất lượng thì dữ liệu cần liên tục cập nhật và làm mới. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm của TP. Đà Nẵng về quá trình cập nhật này?

Độ tin cậy và tính nhất quán của dữ liệu là tối quan trọng đối với bất kỳ hệ thống thông tin nào. Do vậy, khi xây dựng các hệ thống thông tin thì phải thiết kế, phân tích để đáp ứng tối đa yêu cầu sử dụng của các tổ chức.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, dữ liệu cung cấp cho các tổ chức công dân thực sự đáng tin cậy, TP. Đà Nẵng đã xây dựng các quy chế vận hành, nhiệm vụ và trách nhiệm của cả chủ đầu tư, đơn vị vận hành, cũng như các đơn vị liên quan để các dữ liệu luôn được làm tươi, đảm bảo tính nhất quán và tính toàn vẹn của dữ liệu.

PV: Kế thừa và tận dụng các công nghệ, dịch vụ hiện có sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình chuyển đổi số. Vậy theo ông, việc phụ thuộc vào nhà cung cấp, đặc biệt là các đối tác nước ngoài, liệu có gây ra tác động về lâu dài không?

Trong bối cảnh của nền kinh tế số, không ai có thể tự làm tất cả. Việc kế thừa kết quả đã được nghiên cứu và thương mại hóa để tạo ra sản phẩm mới, có giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu luôn là vấn đề đáng phải cân nhắc.

TP. Đà Nẵng không phải là một ngoại lệ, chúng tôi đã kế thừa các hệ thống đã được xây dựng sẵn, các dịch vụ đã được các nhà cung cấp đưa ra trước đó. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cần phải hết sức thận trọng khi lựa chọn dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài, đừng để bị “bắt làm con tin”. Chúng ta nên làm việc với nhiều đối tác cung cấp dịch vụ để đa dạng hóa những lựa chọn, đồng thời kiểm soát dữ liệu sản sinh ra trong quá trình sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp.

Hơn nữa, chúng ta cần tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp địa phương phát huy hết tiềm năng, tạo ra sản phẩm của nền kinh tế số. Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, các doanh nghiệp địa phương cũng phải đồng hành với chính quyền để tạo ra các hệ thống thông tin, dữ liệu số và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số tại địa phương, cũng như đảm bảo quá trình phát triển kinh tế xã hội.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!