TS. Nguyễn Quân: "Năm 2008, chúng ta đã có dự án thiết kế chip"

E-magazine TS. Nguyễn Quân: "Năm 2008, chúng ta đã có dự án thiết kế chip"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo TS. Nguyễn Quân, Việt Nam từ cách đây 15 năm đã có dự án thiết kế chip bán dẫn. Trong thời gian tới, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển được ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.

Ngày 10/9 và 11/9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm Việt Nam. Bên cạnh việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, thì mục tiêu chính của chuyến thăm này là Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhân dịp này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - về cơ hội của Việt Nam trong việc trở thành một trung tâm sản xuất và cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.

PV: Trong thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Là cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông đánh giá như thế nào về cơ hội của Việt Nam khi hợp tác về khoa học công nghệ với Hoa Kỳ?

TS. Nguyễn Quân: Có thể nói, Hoa Kỳ là cường quốc về công nghệ và việc hợp tác với Hoa Kỳ là vấn đề mà Việt Nam đã nghĩ đến từ lâu. Nhưng rất tiếc, vì có nhiều vấn đề trong lịch sử mà cho đến bây giờ, khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, chúng ta mới có cơ hội để hợp tác với Hoa Kỳ.

Thực ra chương trình hợp tác về khoa học, công nghệ với Hoa Kỳ đã được thực hiện từ nhiều năm trước đây, kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và sau đó chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chúng ta đã đàm phán với Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau này gọi là Hiệp định đối tác tiến bộ và chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việt Nam cũng đã sớm ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khoa học, công nghệ với Hoa Kỳ và trên thực tế, hàng năm, đã có trao đổi các đoàn công tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã lập ra Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), đào tạo cho chúng ta hàng ngàn cán bộ khoa học ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, và ngày nay, rất nhiều người trong số đó đã trở về Việt Nam, đóng góp rất tích cực cho khoa học, công nghệ nước nhà.

Với chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa qua, tôi nghĩ một trang sử mới về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã mở ra.

Tôi thấy rằng trong bốn lĩnh vực mà Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam, thì lĩnh vực hợp tác về khoa học công nghệ sẽ được ưu tiên. Trong khoa học công nghệ, Hoa Kỳ rất mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.

Trước đây, ở châu Á, thì Đài Loan hoặc Hàn Quốc và sau này là Trung Quốc là những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển rất mạnh công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn. Họ cung cấp chip bán dẫn cho các hãng, các công ty lớn trên thế giới và gần như làm chủ công nghệ chip quy mô toàn cầu.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Ngoài nguồn nhân lực có trình độ thì chúng ta cũng đã tiếp cận với ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn từ cách đây khoảng 15 năm. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện, nhất là về nguồn vốn đầu tư cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chúng ta vẫn chưa có một ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn thật sự.

chip ban dan nguyen quan.jpg

Với chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vừa qua, tôi nghĩ rằng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cả về nguồn lực lẫn công nghệ, cộng với nguồn nhân lực có trình độ cao và nguồn tài nguyên tốt, chúng ta có thể phát triển được ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.

Đây là ngành có giá trị gia tăng rất cao, một con chip bán dẫn có thể có giá trị bằng nhiều tấn gạo. Cho nên nếu phát triển ngành công nghiệp vi mạch điện tử, ngoài việc chúng ta làm chủ công nghệ cao thì cũng sẽ nâng hiệu quả của nền kinh tế lên cao hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời, chúng ta có thể trở thành quốc gia có vai trò nhất định trong việc hợp tác với Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á.

PV: Hoa Kỳ sẽ trợ giúp Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Vi mạch bán dẫn – hay còn gọi là con chip - là một thành phần cốt lõi trong máy móc về tự động hóa. Thế thì Hội tự động hóa Việt Nam đã có các chương trình, hoặc sẽ có chương trình nào để phối hợp với các doanh nghiệp nhằm phát triển vi mạch bán dẫn không, thưa ông?

TS. Nguyễn Quân: Vi mạch bán dẫn là thành phần không thể thiếu của tất cả các hệ thống tự động hóa. Thời cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai, thì tự động hóa chỉ đơn thuần là tự động trong lĩnh vực cơ khí hoặc lĩnh vực điện. Khi đó người ta còn chưa biết đến vi mạch. Những hệ thống tự động hóa thời đó cũng rất đơn giản.

Tuy nhiên, trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì hầu hết các thiết bị điện tử đều phải sử dụng vi mạch để tạo ra những thiết bị thông minh, những dây chuyền sản xuất thông minh, thậm chí, tạo ra những thành phố thông minh. Vì thế, vi mạch bây giờ trở thành sản phẩm cần phải quan tâm hàng đầu.

Hội Tự động hóa Việt Nam tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa trên cả nước, để tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình tự động hóa hệ thống dây chuyền sản xuất của họ. Vì thế chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vi mạch.
Bởi tất cả các máy móc sử dụng công nghệ số, cũng như các dây chuyền sản xuất hiện nay, đều phải sử dụng hệ thống điều khiển thông qua chip bán dẫn. Việc hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này quả thực là một tín hiệu rất tốt.

Chúng tôi cũng đang hợp tác với các đại học như: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc đào tạo nhân lực và tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư giỏi nhất về lĩnh vực thiết kế và chế tạo chip bán dẫn.

Tuần vừa rồi, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn. Đấy chính là một điểm hội tụ của các nhà khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn với TP. Hồ Chí Minh. Tôi rất mừng khi các Bộ trưởng trong Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng như Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này.

vt_nguyen quan 2.jpg

Đây cũng là một sự kiện tiếp nối quá trình lâu dài chúng ta đã từng làm vi mạch điện tử và bán dẫn. Năm 2008, chúng ta đã từng có một dự án nghiên cứu thiết kế chip có quy mô lớn nhất vào thời điểm đó. Đó là chương trình thiết kế và thử nghiệm vi mạch của Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Sau đó vì nhiều lý do khác nhau mà TP. Hồ Chí Minh không thể đầu tư một nhà máy có thể sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó.

Giờ đây, chúng ta lại khởi động chương trình ở một vị thế mới và tôi hy vọng các nhà khoa học Việt Nam sẽ làm được điều đó.

PV: Trong một bài viết được đăng tải gần đây, Reuters có đề cập là Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 5000 kỹ sư được đào tạo chuyên ngành về chip và chúng ta thiếu hụt tới 20.000 kỹ sư cho 5 năm tới và 50.000 kỹ sư cho 10 năm tới, tức là nhu cầu về nhân lực cao gấp 10 lần hiện nay. Hội Tự động hóa Việt Nam cũng từng hợp tác với các trường đại học như ông vừa đề cập, thì theo ông, nguồn nhân lực của Việt Nam có thực sự thiếu hụt không và chúng ta có khả năng đào tạo nhân lực bắt kịp ngành công nghiệp bán dẫn hay không?.

TS. Nguyễn Quân: Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực công nghệ cao, tuy nhiên, chúng ta phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nào hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế, cũng như đặt hàng của Chính phủ.
Trong nhiều năm qua, chúng ta chưa quan tâm đến lĩnh vực điện tử và bán dẫn, cho nên các ngành đào tạo của các trường đại học chưa tuyển sinh được nhiều. Nếu nhìn vào tiềm năng của người Việt Nam, thì những kỹ sư điện tử, công nghệ thông tin hoàn toàn có khả năng trở thành những kỹ sư, chuyên gia về lĩnh vực vi mạch điện tử và bán dẫn.

Nếu nói chúng ta có 5000 kỹ sư, tôi nghĩ con số đó cũng có thể chấp nhận được. Nhưng tôi được biết, sau những động thái vừa rồi, các trường đại học cũng đang chuẩn bị năm học mới với chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành về điện tử và vi mạch bán dẫn tăng lên.
Ở các trường đại học đã có truyền thống đào tạo về công nghệ thông tin, về phần mềm, về khoa học máy tính, phần cứng, thì những người này khi được đào tạo bổ sung qua một chương trình chuyển đổi ngắn hạn, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của ngành vi mạch bán dẫn và điện tử.

Tôi nghĩ việc đào tạo khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực vi mạch không phải là mục tiêu quá cao. Trong vòng 10 năm tới, tôi tin là chúng ta sẽ có đủ số lượng đó. Vấn đề ở chỗ các sản phẩm của chúng ta sẽ được thương mại hóa, được sử dụng đến quy mô như thế nào, phục vụ cho nhu cầu phát triển của Việt Nam hay là quy mô khu vực châu Á, hay phục vụ toàn cầu? Điều đó phụ thuộc vào thị trường, có thể do những tập đoàn điện tử, công nghiệp lớn quyết định. Chẳng hạn như Samsung hay Intel sẽ quyết định thị trường tiêu thụ vi mạch của chúng ta.

Nếu chúng ta hợp tác tốt với các công ty lớn, với các quốc gia lớn, thì chúng ta hoàn toàn có thể phát triển được ngành vi mạch với số lượng mà chúng ta dự báo là có thể đạt được.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!