|
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Quỹ Hưu trí có khả năng mất cân đối trong thời gian tới, nên tăng tuổi nghỉ hưu đã được tính đến. Quan điểm của ông thế nào?
Muốn trả lời câu hỏi có nên tăng tuổi nghỉ hưu hay không, phải trả lời câu hỏi vì sao phải tăng?
Lập luận cần phải tăng tuổi nghỉ hưu là lo sợ trong tương lai, Quỹ Hưu trí mất cân đối, thu từ nguồn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động và người sử dụng lao động không đủ để chi trả tiền lương hưu. Lập luận này chưa thực sự thuyết phục, khiến dư luận xã hội và đại đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu.
Dù có đồng tình hay không thì cũng không thể phủ nhận rằng, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì trong thời gian tương lai không xa, Quỹ Hưu trí sẽ mất cân đối?
Vấn đề bây giờ là phải chỉ ra được hệ thống BHXH đang tồn tại những bất cập gì, phương án xử lý ra sao. Nếu mọi phương án đã xử lý hết mà vẫn không bảo đảm được cân bằng Quỹ Hưu trí thì mới nghĩ đến chuyện tăng tuổi nghỉ hưu và phải tăng có lộ trình. Tuy nhiên, tăng tuổi nghỉ hưu là vạn bất đắc dĩ, vì đây là giải pháp không có tính căn cơ, vì giả sử tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới lên 58 tuổi, nam giới lên 62 tuổi mà 5 - 10 năm nữa, tính toán lại thấy Quỹ Hưu trí vẫn có khả năng mất cân đối thì chẳng lẽ lại nâng tuổi tiếp?
Nói tóm lại, ông không ủng hộ việc nâng tuổi nghỉ hưu?
Không phải bây giờ, mà ngay từ năm 2002 - 2003, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra. Khi đó, chúng tôi trực tiếp đi nghiên cứu, khảo sát người lao động. Tôi nhớ, chúng tôi đến khảo sát Xí nghiệp Quét rác quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhiều nữ công nhân nói luôn: “Tôi nói thật với chú, ai muốn kéo dài độ tuổi lao động nữ quá 45 tuổi thì chú bảo người ta xuống đây nhận cái chổi và cái xe đẩy rác xem họ có thể làm việc từ 16 giờ chiều đến 2 giờ sáng được không?”.
Trường hợp ông dẫn chứng chỉ là đặc thù?
Đừng nói là đặc thù, nếu vệ sinh môi trường là đặc thù thì nước ta còn rất nhiều nghề đặc thù nữa. Hãy hỏi có 2,5 triệu công nhân làm trong ngành dệt may hàng ngày cắm mặt vào máy may đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, xem họ có muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu không. Khai thác hầm lò, chế biến thủy sản, da giày… thậm chí cả giáo viên mầm non, nhân viên y tế cũng không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Với những nghề này, đối với nữ giới thì đến 50 tuổi họ đã tính từng ngày để được nghỉ, vì muốn làm cũng không đáp ứng được yêu cầu do sức khỏe, chân tay đã chậm, mắt đã không còn đủ nhanh nhạy để đứng máy hay phục vụ bệnh nhân, dạy múa hát cho các cháu.
Nhưng rất nhiều người sau khi nghỉ hưu vẫn đi tìm việc làm mới, trong đó có không ít người muốn cống hiến trình độ, kinh nghiệm cho xã hội?
Kéo dài tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc là hai việc khác nhau. Đến tuổi nghỉ hưu, người lao động được nghỉ, còn ai đủ sức khỏe, có năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, uy tín thì cứ việc kéo dài tuổi làm việc, có ai cấm đâu. Bắt buộc người ta đi làm bằng cách kéo dài tuổi nghỉ hưu rất khác với việc người ta tự nguyện đi làm vì lý do nào đó, có thể là muốn cống hiến, muốn tiếp tục được làm việc và cũng có thể là muốn có thêm thu nhập sau khi nghỉ hưu.
Nói gì thì nói, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì trong tương lai Quỹ Hưu trí sẽ mất cân bằng?
Trước đây, nam giới đóng BHXH đủ 30 năm, nữ giới đủ 25 năm khi về hưu được hưởng 75% mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bình quân số năm đóng BHXH đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm; tuổi nghỉ hưu bình quân đối với nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi, nên sau khi nghỉ hưu, người lao động còn hưởng lương hưu mấy chục năm nữa. Nếu điều này không kịp thời điểu chỉnh thì Quỹ Hưu trí đúng là đứng trước nguy cơ mất cân bằng rất lớn, chính vì vậy, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH năm 2014, theo đó, kể từ năm 2016, tuổi đóng BHXH nâng lên theo lộ trình và đến năm 2020, nam giới phải đóng đủ 35 năm BHXH và nữ giới là 30 năm. Nâng thời gian đóng BHXH tự khắc nâng được độ tuổi nghỉ hưu và kéo ngắn thời gian hưởng lương hưu, cho dù tuổi thọ của người Việt tiếp tục được cải thiện.
Chính vì vậy, theo quan điểm của tôi, trong khi đang điều chỉnh thời gian đóng BHXH, chưa nên nghĩ tới chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Xu hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu đang được thực hiện tại rất nhiều quốc gia trên thế giới do tuổi thọ của người dân càng ngày càng cao, mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, thưa ông?
Trên thế giới, nhiều nước tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng giảm giờ làm việc trong tuần, tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho người lao động khác. Trong khi đó, các nước Bắc Âu vẫn giữ nguyên độ tuổi lao động, nhưng giảm giờ làm việc trong tuần để tạo cơ hội kiếm việc làm cho thế hệ trẻ.
Đưa ra lập luận tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều người lấy dẫn chứng Nhật Bản, người dân 67 tuổi mới đến tuổi nghỉ hưu. Tôi xin nói rằng, với người dân Nhật Bản, đi làm là nhu cầu của cuộc sống, họ đi làm là mong muốn được giao tiếp với xã hội, với cộng đồng. Hơn nữa, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… cũng như các nước phát triển khác, người lao động là “công nhân cổ cồn”, làm việc hoàn toàn thông qua thiết bị, máy móc, vì họ đã tự động hóa, điện tử hóa các khâu của quá trình sản xuất, nên nam giới ngoài 60 tuổi, nữ giới ngoài 55 tuổi vẫn có thể làm việc. Nhưng công nhân Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thủy sản…, toàn làm việc thủ công, thì ngoài 55 tuổi với nữ và ngoài 60 tuổi với nam không thể tiếp tục làm việc, mà có muốn làm việc cũng không được vì chủ lao động không thuê.
Theo Đầu tư