Liệu bản cáo trạng để lọt người, lọt tội?
Đầu tiên là giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hòa Bình.
Theo các thông tin trên báo chí, BVĐK Hòa Bình ký hợp đồng với công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn để làm sạch hệ thống nước lọc thận. Tuy nhiên, Thiên Sơn không làm đúng hợp đồng mà lại đá qua Trâm Anh. Mấu chốt ở đây, Trâm Anh lại là công ty KHÔNG CÓ CHỨC NĂNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ (mà vẫn dám nhận thầu trong lĩnh vực y tế!). Thực tế quá trình điều tra đã cho thấy chính sai sót vì thiếu kiến thức của nhân viên công ty Trâm Anh trong quá trình súc rửa đường ống nước lọc thận nên đã gây chết đến 8 mạng người.
Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, với chức trách được phân công, với con dấu ghi tên và chức vụ của ông đóng lên tất cả các hợp đồng và giấy tờ để xác thực sự quan trọng và cần thiết của cá nhân ông, luôn luôn là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất đối với toàn bộ những gì xảy ra trong bệnh viện. Không cần biết ông có nắm rõ việc công ty Thiên Sơn đá thầu sang công ty Trâm Anh hay không, trách nhiệm của ông trong vụ việc này vẫn không thể phủ nhận.
Rất tiếc!
Trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra cho rằng không đủ cơ sở để quy trách nhiệm hình sự với một số cá nhân trong Ban giám đốc bệnh viện, cho nên sẽ xem xét xử lý trách nhiệm hành chính. Ô lạ thay, một sự cố gây chết đến 8 bệnh nhân, phải khởi tố vụ án hình sự vì hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các bị can đều đối mặt án tù nặng, mà những người có trách nhiệm cao nhất lại chỉ phải chịu trách nhiệm thuộc về “hành chính”?
Trách nhiệm thứ hai thuộc về Trưởng phòng vật tư BVĐK Hòa Bình. Vì đây là công việc thuộc chức năng và nhiệm vụ HÀNG NGÀY của ông. Nhân viên của công ty Trâm Anh khi sang làm việc chắc không to gan đến nỗi lại mạo danh là nhân viên của công ty Thiên Sơn. Quy trình súc rửa đường ống lại diễn ra rất thường xuyên và phải ký vào nhiều giấy tờ. Vậy khi biết được sự đổi tráo này, Trưởng phòng vật tư phải dừng ngay lại và báo cáo với Ban giám đốc. Lỗi của ông là lỗi của người chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp nhưng đã không giám sát đúng.
Trách nhiệm trực tiếp thứ ba, dĩ nhiên thuộc về nhân viên/nhóm nhân viên của công ty Trâm Anh-những người trực tiếp rửa máy và để tồn dư chất độc, khiến gây ra thảm họa (những người này đã bị truy tố).
Trách nhiệm thứ tư thuộc về giám đốc công ty Thiên Sơn. Ông này tự ý đá hợp đồng sang cho công ty Trâm Anh kiếm lời, trong khi Trâm Anh không đủ năng lực.
(Không rõ việc bán thầu này đã được Ban giám đốc BVĐK Hòa Bình đồng ý hay không? Tôi nghĩ là không, vì nếu đồng ý thì theo luật, BVĐK Hòa Bình phải ký một hợp đồng mới với chính công ty Trâm Anh. Việc ký kết này cũng chỉ được thực hiện sau khi Trâm Anh bổ sung giấy phép được hoạt động trong lĩnh vực y tế, khi ấy hợp đồng mới hợp pháp. Tuy nhiên, những thắc mắc nói trên cần được làm rõ trong phiên tòa).
Còn nếu không, thì trên nguyên tắc, công ty Thiên Sơn vẫn là bên phải thực hiện và chịu trách nhiệm những phần việc đã ký trong hợp đồng với BVĐK Hòa Bình. Họ không thể thoái thác.
Nếu thiếu những nhân vật kể trên, bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình đã có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội.
Tôi mong một phiên tòa cho Hoàng Công Lương
Sáng 22/3/2018, VKSND tỉnh Hòa Bình đã lên tiếng đính chính bản cáo trạng. Theo đó, BS Hoàng Công Lương bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3 điều 360 Bộ luật hình sự 2015.
Điều luật này như sau: “Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây (…), phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Cáo trạng nêu: “Khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói Sơn gọi điện thoại thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can đã chủ quan, không kiểm tra lại, cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường...
Đối chiếu với hai điều trên, riêng đối với trường hợp BS Hoàng Công Lương, trong phiên tòa sẽ có các vấn đề sau phải làm rõ:
-Nhiêm vụ được giao của BS Lương trong đơn nguyên Thận nhân tạo là những nhiệm vụ gì? Chúng được quy định tại các văn bản nào? Nội dung và hình thức của các văn bản đó có phù hợp với pháp luật hay không?
-Việc kiểm tra lại hệ thống nước RO có phải là nhiệm vụ của BS Lương hay không? Nhiệm vụ này được giao trên cơ sở nào, được thực hiện theo những quy trình cụ thể nào?
-Phân định giữa nhiệm vụ này (nếu có) của một BS điều trị với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, chịu trách nhiệm sau cùng của công ty Trâm Anh/cán bộ phòng Vật tư của BVĐK Hòa Bình như thế nào? Rốt cuộc, ai là người chịu trách nhiệm kiểm soát các tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống lọc nước?
Từ thông tin trên báo và phản ứng của nhiều y bác sĩ, nhiều người đang cho rằng việc đưa BS Hoàng Công Lương ra tòa là một "bất công" đối với giới chuyên môn y tế, khiến cho nhân viên y tế lo sợ và hoang mang: “Bao giờ đến lượt mình?”
Ngược lại, tôi cho rằng phiên tòa là hết sức cần thiết, nói riêng với BS Lương và nói chung với những vấn đề tương tự.
Nếu BS Lương có lỗi, có tội, việc phiên tòa chứng minh những lỗi đó và buộc anh trả giá cho hành vi của mình sẽ là công bằng và thuyết phục.
Và, chỉ có trong phiên tòa công khai thu hút sự theo dõi cao độ của công luận, với sự tham gia chuyên môn của luật sư các bên, những tình tiết chưa được làm rõ trong vụ án mới có cơ hội được mang ra ánh sáng và biện giải đầy đủ.
Chỉ có trong phiên tòa công khai, bị can mới được tỏ bày hết mức, và những tỏ bày đó đến thẳng được sự quan tâm của xã hội. BS Lương và tất cả những bị can, tất cả những nạn nhân trong sự cố này cần sự đánh giá và phán xét công bằng của pháp luật và xã hội, minh bạch và đường hoàng, chứ không phải một thái độ mờ tỏ kiểu “thôi thì tha thứ cho nó, người chết thì cũng đã chết rồi”.
Chỉ có trong phiên tòa công khai, những lỗi hệ thống như đã xảy ra mới được chỉ mặt vạch tên, để không còn xảy ra những thảm kịch.
Một bản cáo trạng, một bản kết luận điều tra chưa đầy đủ, để lọt người, lọt tội có thể bị yêu cầu trả lại để điều tra bổ sung, truy tố bổ sung. Vì vậy, tôi rất hy vọng với những phân tích đúng đắn của giới chuyên môn cả hai ngành luật và y tế suốt thời gian qua, vụ án sẽ được thực hiện nghiêm minh và đặc biệt đúng người đúng tội.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang: Tội danh cho bác sĩ Lương là chưa thật sự thuyết phục
Chiều 21/03/2018, Đại diện Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng về vụ Bác sĩ Hoàng Công Lương.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay tội danh mà Viện KSND tỉnh Hòa Bình đưa ra để truy tố bác sĩ Lương (tội thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng) là chưa thật sự thuyết phục.
Cho rằng quan điểm của Bộ Y tế là để cơ quan điều tra, xét xử làm việc độc lập, khách quan, minh bạch, đúng người đúng tội, nhưng cũng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, Bộ Y tế cho rằng có ba yếu tố dẫn đến nhận định quy cho bác sĩ Lương tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa thật sự thuyết phục, gồm:
-Luật Khám chữa bệnh quy định chức trách của bác sĩ là cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân, chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị, bảo trì thiết bị do bộ phận trang thiết bị - vật tư phụ trách, không phải là trách nhiệm của bác sĩ.
-Cáo trạng cho rằng vi phạm của bác sĩ Lương không kiểm tra lại hệ thống lọc nước và không báo cáo trưởng khoa trước khi ra y lệnh chạy máy chạy thận nhân tạo thì bác sĩ Lương có trình độ chuyên môn và phương tiện để kiểm tra hệ thống lọc nước hay không?
-Sai sót của bác sĩ Lương có phải là nguyên nhân chính dẫn đến 8 người bệnh tử vong hay không?
Vì ba lý do này, ông Quang cho rằng quy tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cho bác sĩ Lương là chưa thật sự thuyết phục.