Truy tìm lỗi nợ thuế

Theo báo cáo của Cục Thuế TPHCM, một phần không nhỏ trong tổng số 19.700 tỉ đồng tiền nợ thuế là các khoản nợ tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất mà doanh nghiệp vẫn đang khiếu nại do không đồng ý với cách tính của cơ quan chức năng.
Phần lớn số nợ thuế ở TPHCM là nợ đang bị doanh nghiệp khiếu nại, nợ khó thu. Ảnh Minh Tâm.
Phần lớn số nợ thuế ở TPHCM là nợ đang bị doanh nghiệp khiếu nại, nợ khó thu. Ảnh Minh Tâm.

Doanh nghiệp bị truy thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng

Tổng giám đốc một tổng công ty du lịch cho biết, doanh nghiệp ông nhận được quyết định truy thu hơn 120 tỉ đồng tiền thuế sử dụng đất của một khách sạn trực thuộc. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đồng tình bởi mảnh đất trong thực tế vẫn chưa triển khai dự án hợp tác như cơ quan thuế xác định. Chính vì vậy, doanh nghiệp ông đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM để được hướng dẫn xử lý. “Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước quyết định sao thì sẽ thực hiện như vậy. Chúng tôi cần minh bạch để tránh rắc rối về sau”, ông cho biết.

Cũng rơi vào trường hợp bị truy thu tiền thuế sử dụng đất nhưng không may mắn như tổng công ty du lịch kể trên là Công ty Công ích quận 11, TPHCM. Đơn vị này được giao 170 mảnh đất và nhà, sau đó cho các cá nhân thuê lại. Ở thời điểm cho thuê (cách đây nhiều năm), giá thuê được tính theo (mục đích) sản xuất và các nghĩa vụ thuế phát sinh đã được đơn vị này thực hiện. Tuy nhiên, mới đây, công ty này bị cơ quan thuế truy thu số tiền lớn với lý do giá cho thuê phải tính theo (mục đích) thương mại - dịch vụ. Khổ nỗi, Công ty Công ích quận 11 không thể lấy đâu ra nguồn để bù đắp vì người thuê đã rời đi từ khi nào.

Đây chỉ là hai trong khá nhiều trường hợp dù bị ngành thuế TPHCM xác định là nợ tiền thuế sử dụng đất nhưng doanh nghiệp không chấp hành quyết định truy thu. Tuy không tiết lộ con số chính xác nhưng trong báo cáo mới đây với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết các trường hợp này chiếm chủ yếu trong phần nợ khó thu trên địa bàn. Theo ông Dương, tổng số nợ trên địa bàn tính đến tháng 5-2016 là 19.700 tỉ đồng. Trong số này có khoảng 9.000 tỉ đồng là nợ đúng (tức đã được hai bên thống nhất) và có khả năng thu. Phần còn lại là nợ đang bị doanh nghiệp khiếu nại, nợ khó thu.

Đại diện Chi cục Thuế quận 1, TPHCM- đơn vị phát hành quyết định truy thu thuế với tổng công ty du lịch kể trên cũng báo cáo, số nợ thuế trên địa bàn đến tháng 4-2016 đã tăng mạnh so với con số chốt hồi cuối năm 2015. Nguyên nhân là tiền nợ thuê đất, sử dụng đất lâu nay đã được tổng hợp trong hệ thống quản lý thuế tập trung - TMS. Nhiều doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, sử dụng đất bị truy thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng vẫn đang kiến nghị điều chỉnh số thuế.

Đại diện Chi cục Thuế quận 11, TPHCM, đơn vị quản lý thuế trực tiếp của Công ty Công ích quận 11 thì bổ sung thêm, khó thu vì rất nhiều lý do. Như trường hợp của Công ty Công ích quận 11 thì là doanh nghiệp phản ứng mạnh và yêu cầu cơ quan chức năng phải tính lại theo đúng mục đích thực tế. Còn nhiều trường hợp khác thì tiền thuế đóng trước đây đã được tính vào giá thành, nhiều doanh nghiệp đã qua nhiều “đời” giám đốc hay đã thực hiện cổ phần hóa và cổ đông mới nhất định không chịu bỏ tiền để đóng theo quyết định truy thu. Tổng số tiền nợ đọng khó thu ở đây ước tính 60-70 tỉ đồng.

Lỗi của cơ quan nhà nước

Theo bà Lê Thị Tám, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM phụ trách lĩnh vực đất đai, nguyên nhân của thực trạng trên là do những thay đổi về quản lý. Theo đó, trước thời điểm 1-1-2014, việc xác định đơn giá đất là do Sở Tài chính TPHCM thực hiện. Tuy nhiên, do khối lượng quá nhiều nên cơ quan này làm không kịp. Sau thời điểm 1-1-2014, Cục Thuế TPHCM được phân công nhiệm vụ này và nhận bàn giao những trường hợp đang tạm tính. Khi cơ quan thuế xác định được đơn giá chính thức thì phát sinh một vấn đề lớn là có sự chênh lệch lớn giữa số thuế doanh nghiệp đã đóng theo đơn giá tạm tính với đơn giá chính thức. Cơ quan thuế đã ra quyết định truy thu thuế sử dụng đất hàng chục tỉ đồng với doanh nghiệp. Tất nhiên, quyết định này không nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chi cục Thuế quận 11 thẳng thắn, cơ quan thuế khổ sở với câu chuyện này và bản thân doanh nghiệp cũng mệt mỏi. Vấn đề nằm ở chỗ, đây là lỗi của cơ quan nhà nước. “Do vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn, khoanh nợ các khoản này cũng như không tính tiền phạt chậm nộp”, ông đề xuất với lãnh đạo UBND TPHCM.

Tổng giám đốc của tổng công ty du lịch kể trên thì chia sẻ, bên ông đang chờ quyết định cuối cùng của UBND TPHCM và sẽ chấp hành. Suy cho cùng, tiền chuyển từ túi phải sang túi trái và đều thuộc ngân sách. Vấn đề là chính sách cần minh bạch, rõ ràng và hợp lý để các doanh nghiệp tuân theo.

Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, sẽ làm việc với các ban ngành để rà soát thủ tục, xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án giải quyết.

Theo TBKTSG