Trường Đại học Y Hà Nội vừa có chuyến làm việc với các trường đại học hàng đầu và các trung tâm nghiên cứu lớn nhất Nhật Bản, để thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động nghiên cứu y học, trao đổi sinh viên, giảng viên và chuyển giao khoa học công nghệ tiến tiến.
Đoàn công tác do GS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội - làm trưởng đoàn, đã đến Trung tâm Đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức Shonan tại thành phố Fujisawa, để tìm hiểu một số công nghệ mới trong chẩn đoán và sàng lọc ung thư. Đây là những công nghệ mới, đã được áp dụng thành công trở thành dịch vụ cung cấp cho người dân Nhật Bản.
Đơn vị sở hữu các công nghệ tiên tiến dự kiến phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội triển khai các nghiên cứu đánh giá tính phù hợp trong việc áp dụng trên người Việt Nam.
Theo GS. Tạ Thành Văn, công nghệ chẩn đoán, sàng lọc ung thư nếu đưa về Việt Nam sẽ rất tốt, vì độ chính xác cao mà giá thành lại rẻ hơn các phương pháp khác. Điều này rất ý nghĩa trong bối cảnh mỗi năm, Việt Nam có 200 nghìn ca mắc mới ung thư.
GS. Tạ Thành Văn và đoàn công tác cũng đã làm việc với GS. Morisako Kiyotaka - Hiệu trưởng Viện Công nghệ Kyoto (KIT) và ban lãnh đạo KIT. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc trao đổi giảng viên, học viên, sinh viên, đặc biệt là phối hợp nghiên cứu và thiết lập các nhóm nghiên cứu mạnh.
Hiện nay KIT là đối tác chiến lược của Trường Đại học Y Hà Nội. Đã có gần 10 cán bộ, Bác sĩ Nội trú của Trường Đại học Y Hà Nội được đào tạo Tiến sĩ tại KIT.
Ngay trong buổi làm việc giữa GS. Tạ Thành Văn và GS. Morisako Kiyotaka, KIT đã thống nhất cấp học bổng lâu dài cho 2 nghiên cứu sinh/năm do Trường Đại học Y Hà Nội đề cử, đồng thời, cấp cho 1 giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội khóa đào tạo nâng cao 3 tháng về triển khai và áp dụng các mô hình ruồi giấm trong sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học và 1 Bác sỹ Nội trú tham dự khoá đào tạo về các kỹ thuật tiên tiến nhất trong sản xuất kháng thể đơn dòng ứng dụng trong sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, trong năm 2024.
KIT và Trường Đại học Y Hà Nội thống nhất sẽ triển khai các hướng nghiên cứu mũi nhọn trong thời gian tới gồm ứng dụng kỹ thuật sản xuất kháng thể đơn dòng từ E.coli trong sản xuất bộ xét nghiệm chẩn đoán, thiết lập phòng xét nghiệm di truyền và thực nghiệm trên ruồi giấm cùng với nghiên cứu về dược lâm sàng cùng cơ chế tác dụng của các hợp chất tiềm năng.
Hiện nay, Viện KIT đang đào tạo cho Trường Đại học Y Hà Nội 4 nghiên cứu sinh, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trường Đại học Y Hà Nội cũng như các viện nghiên cứu của Việt Nam trong thời gian tới.
Các đại diện của Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã tới trường Đại học Kyoto thăm GS. Honjo Tasuku - người được Giải Nobel về Y học và Sinh lý năm 2018 cho công trình nghiên cứu về liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư. GS. Honjo cũng chính là người thầy của GS. Tạ Thành Văn và một số giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội.
GS. Honjo khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo thêm các tiến sĩ về lĩnh vực miễn dịch. Tính đến năm 2024, giáo sư Honjo đã trực tiếp đào tạo cho Trường Đại học Y Hà Nội 2 nhà khoa học và đều trở thành hai giáo sư hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực hóa sinh, miễn dịch, sinh học phân tử và tế bào, là GS. Tạ Thành Văn và GS. Trần Huy Thịnh.
Trong khuôn khổ mở rộng các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tại hội nghị hợp tác giữa Trường Đại học thành phố Osaka và Việt Nam, GS. Tạ Thành Văn đã có bài báo cáo quan trọng về kinh nghiệm hợp tác đào tạo tiến sĩ giữa hai trường và khẳng định cam kết của Trường Đại học Y Hà Nội trong việc tiếp tục thực hiện các thỏa thuận.
Trường Đại học thành phố Osaka đã và đang đào tạo cho Trường Đại học Y Hà Nội 19 tiến sĩ, trong số đó 6 người đang là giảng viên của Trường.
Tại thành phố Osaka, đại diện Trường Đại học Y Hà Nội cũng đến thăm và làm việc tại Shionogi & Co.ltd. Shionogi - một trong những công ty dược phẩm lớn và có lịch sử lâu đời nhất của Nhật Bản với hơn 300 năm nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoá dược và vắc xin.
Hiện nay Shionogi và chính phủ Nhật Bản là nhà tài trợ toàn bộ cho 3 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine S-268019 phòng Covid-19 và 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị, dự phòng Covid-19 do Shionogi nghiên cứu phát triển và Trường Đại học Y Hà Nội triển tại 10 site nghiên cứu trên 7 tỉnh khắp cả nước.
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên là đối tác phối hợp quan trọng với Trường Đại học Y Hà Nội trong các nghiên cứu này với 4 site nghiên cứu tại Đắc Lắc. 3 bên cùng cam kết tiếp tục phối hợp triển khai các thử nghiệm vaccine tại Việt Nam.
Làm việc với Tập đoàn Grandsoul - đơn vị đã có nhiều hợp tác với Trường trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ tế bào trong điều trị bệnh, hai bên thống nhất tiếp tục hợp tác sâu rộng trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng về Y học tái tạo, phát triển thêm các công nghệ tế bào và dưới tế bào để ứng dụng điều trị các bệnh lý về lão hoá, thần kinh và tim mạch.