Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 13 năm làm “nội tướng” đảm đang việc nhà

Câu chuyện tình yêu của vị tướng trận với người vợ khiến nhiều người xúc động. Hằng chục năm qua, hình ảnh ông lão hằng ngày đẩy vợ trên chiếc xe lăn đã trở nên quá thân thuộc với những người hàng xóm
Chăm vợ ốm và đóng góp ý kiến cho dân, cho nước là công việc hằng ngày của Tướng Thước.
Chăm vợ ốm và đóng góp ý kiến cho dân, cho nước là công việc hằng ngày của Tướng Thước.

Dù đã sắp bước vào tuổi cửu thập, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn minh mẫn lạ thường. Chiến tranh đã lùi xa, người chỉ huy năm xưa hiện là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại để bao gia đình quay trở lại mảnh đất bom đạn xưa, giờ đã hồi sinh bằng bạt ngàn cây trái để tìm lại nắm xương, mảnh kỷ vật chôn sâu trong đất mẹ. Với gia đình, tướng Thước lại thay người vợ bị mắc cơn tai biến đã 13 năm qua “đảm việc nhà”.

Hằng ngày, thông qua sách báo và kênh riêng của mình ông vẫn cặm cụi thu thập các thông tin về tình hình đất nước để có những đóng góp sáng suốt, kịp thời cho Đảng, cho dân…

Viết tiếp câu chuyện tình yêu

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp tướng Thước là sự niềm nở, thân thiện, giọng nói sang sảng, tư duy mạch lạc, không mang chút nào dấu ấn của tuổi tác. Ông sống cuộc đời thanh nhàn, ấm áp trong ngôi nhà đơn sơ cùng với người vợ bị tai biến trong con ngõ nhỏ trong khu phố thuộc phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Hằng ngày, vị tướng già tự tay làm mọi việc, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, trật tự như điều lệnh quân đội. Gia đình nho học, thanh cao, đạo nghĩa ảnh hưởng nhiều đến trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên tư lệnh Quân khu 4 .

Câu chuyện tình yêu của vị tướng trận với người vợ khiến nhiều người xúc động. Hằng chục năm qua, hình ảnh ông lão hằng ngày đẩy vợ trên chiếc xe lăn đã trở nên quá thân thuộc với những người hàng xóm: “Thời chiến, tôi đi đánh giặc, bà ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con. Thời bình, bà ốm, tôi lại về chăm bà. Tình vợ chồng là nghĩa tao khang” - tướng Thước nói.

Chiến tranh qua đi, cứ ngỡ ông trở về vui thú điền viên, sống cảnh vợ chồng chăm nhau thì bà mắc cơn tai biến. 13 năm qua, đó là thời gian tướng Thước thay vợ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Công việc hằng ngày của ông chăm vợ chẳng khác nào chăm con mọn khi phải nâng đỡ bà với mọi sinh hoạt trên chiếc xe lăn. Ông vui với niềm vui như được bù đắp bao tháng ngày vất vả cho vợ khi luôn tự tin gọi công việc hằng ngày đẩy xe lăn cho vợ là tập luyện thể dục.

“Ngày xưa khi vợ còn khỏe, ngày nào chúng tôi cũng cùng nhau đi bộ mấy vòng khu phố. Từ khi bà lâm bệnh, cả ngày tôi làm công việc bưng, bê đồ ăn, thức uống, rồi nâng đỡ vợ lên xe, xuống xe… Công việc ấy cũng không khác gì lao động chân tay. Chẳng có thời gian cho việc luyện tập, tôi coi đó cũng chính là lúc rèn luyện thân thể” - tướng Thước chia sẻ.

Dù vất vả, gian truân là vậy, nhưng khi nói về người vợ trên gương mặt ông vẫn luôn rạng ngời hạnh phúc. Mặc dù chăm sóc một người vợ ốm đau, dù có dễ tính đến mấy cũng không tránh khỏi sự trái tính, trái nết mỗi khi “trái gió, trở trời”. Tuy vậy, không một chút phàn nàn, tướng Thước còn hài hước: “Đôi khi chỉ đạo vợ còn thấy khó khăn hơn cả 3 vạn quân”.

Không chỉ là người “quản gia” chuyên nghiệp, tướng Thước được con cháu trong nhà tôn vinh là “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao” của cả gia đình. “Do vợ ốm, con cháu bận rộn nên các hoạt động, từ phụ nữ, tổ dân phố, sinh hoạt phường, quận…. tôi đều đại diện tham gia”, tướng Thước cho biết.

Ông chia sẻ, vợ chính là hậu phương vững vàng để ông xông pha và hy sinh vì lý tưởng của mình. Và ai hiểu, phận “nữ nhi thường tình” của bà Thước chính là ngọn nguồn sức mạnh để ngực ông lấp lánh những tấm huy chương chiến công. Vợ đau ốm liên miên, trở về đời thường ông cũng thay bà dạy dỗ con cháu. Hai người con gái, trai và dâu hiền, rể thảo của tướng Thước sau này cũng đều noi gương cha, họ là những người lính vững tay súng thời bình.

Đi tìm đồng đội để tri ân với tổ quốc

Gìn giữ nếp nhà theo đúng nghĩa của một “nội tướng”, trở về với thú điền viên, người tướng già còn nhiều trăn trở. Ông đã có nhiều đêm không ngủ, nghĩ về bao đồng đội còn nằm lại chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Là tư lệnh một quân khu, rồi trực tiếp chỉ huy bao đơn vị thiện chiến khiến quân địch “thất điên, bát đảo”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn hiểu rằng: “ Không bao giờ được “ngủ quên trên chiến thắng” - quên đi máu xương đồng đội, đồng bào, đồng chí của mình đã ngã xuống vì màu cờ thiêng liêng của tổ quốc”.

Khi còn đương chức, ông đã rất quan tâm tới chính sách hậu phương, lo sao đưa được hơn 1 vạn đồng đội của mình còn nằm đâu đó nơi đầu non, cuối bãi được quy tập trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, tổ quốc.

Đi suốt cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, con số khoảng 3 vạn chiến sĩ của quân đoàn Tây Nguyên lẫy lừng dưới sự chỉ huy của ông vẫn là một con số nhức nhối, nhất là khi vẫn còn 1/3 trong số những người con ưu tú đó chưa trở về. Ở cái tuổi hơn cả “xưa nay hiếm”, ngôi nhà giản dị của tướng Thước hiện vẫn là địa chỉ đỏ để bao gia đình tìm đến thăm hỏi tin tức con em mình. Bằng tài trí mẫn tiệp của người chỉ huy đại tài, tướng Thước đã mày mò lưu trữ những tài liệu của bao trận đánh lớn, nhỏ trên chiến trường Tây Nguyên ác liệt để đưa ra những con số chính xác về sự hy sinh, mất mát của đồng đội.

Người chỉ huy năm xưa giờ đây là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại để bao gia đình quay trở lại được mảnh đất bom đạn xưa, giờ đã hồi sinh bằng bạt ngàn cây trái để tìm lại nắm xương, mảnh kỷ vật chôn sâu trong đất mẹ. Tướng Thước đã tự nguyện làm công việc nhân nghĩa, đi tìm đồng đội suốt bấy nhiêu năm nay như một cách ông tri ân với Đảng, với tổ quốc, với lý tưởng cao đẹp cả đời ông nguyện cháy hết mình phụng sự. Đúng như ông nói:” Cuộc đời mình gắn với Đảng, nhờ có đảng mới có ngày hôm nay. Đảng có thể bỏ tôi, còn tôi không bao giờ bỏ Đảng…”.

Trăn trở việc nước bên chiếc xe lăn của vợ

Tướng Thước cho biết thêm: “Mình may mắn sinh ra đúng ngày thành lập Đảng (3.2) nên việc ông nguyện một lòng theo Đảng, hy sinh lợi ích cá nhân vì tổ quốc cũng là điều hiển nhiên”.

Thời kỳ trước năm 2002, khi còn trên cương vị Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và tham gia các kỳ quốc hội với tư cách “ông nghị”, đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của bà con quê hương Nghệ An, từ nghị trường Quốc hội xuất hiện câu “thành ngữ”: Nhất Thước - nhì Trân - tam Lân - tứ Quốc (ĐB Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, và ĐB Dương Trung Quốc). Đây là những câu nói vui đầy cảm phục và yêu mến mà cử tri cả nước muốn nhắc tới những người như Tướng Thước - là người châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường, nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trên cương vị Đại biểu Quốc hội đóng góp tâm sức cho quốc kế dân sinh thời kỳ đổi mới, người tướng già đã nổi danh là người cương trực, dám nói thẳng nói thật và nói trúng những thói hư tật xấu để mong muốn xã hội tốt đẹp hơn. Tính cách này dường như huyết quản chảy sẵn trong con người ông mà theo ông nó có được từ thời trai trẻ, khi ông nguyện một lòng theo Đảng.

Tướng Thước bồi hồi nhớ về 48 năm trận mạc với niềm tin mãnh liệt là chưa khi nào ông bỏ vị trí chiến đấu, là người đi đầu hàng quân. Lăn lộn hết chiến trường Tây Nguyên khói lửa rồi biên giới Tây Nam và đi khắp rẻo đất Việt, dấu chân người lính của tướng Thước chính là những trận đại thắng. Rất hiếm khi muốn tự nói về mình, dù trong những lúc cao hứng khi trò chuyện với PV Báo Lao Động, người tướng già vẫn không quên nhấn mạnh rằng tất cả chiến công chói lọi mà ông giành được suốt đời binh nghiệp đều bắt đầu từ ngọn nguồn ánh sáng Đảng đưa đường chỉ lối.

Cuộc đời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là một chuỗi dài những trận đánh. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hết mặt trận này đến mặt trận khác. Ở mặt trận nào, ông cũng là người lính dũng cảm, can trường.Và giờ đây, khi đã nghỉ chế độ hưu trí, hằng ngày ông vẫn cặm cụi thu thập các thông tin về tình hình đất nước để có những đóng góp sáng suốt, kịp thời cho Đảng, cho dân…

Trong căn phòng nhỏ bé, rất ít đồ đạc, ông lục tìm và đưa chúng tôi xem những tập tài liệu do chính ông viết tay. Đó là những bài viết ông đóng góp ý kiến cho dân, cho nước. Trước mỗi vấn đề lớn của đất nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đều tận tụy gửi tâm thư tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cống hiến quốc sách. Từ vấn đề đấu tranh khôn khéo bảo vệ chủ quyền đất nước, dân chủ trong Đảng, chống giặc nội xâm là tham nhũng cho đến những vấn đề khiến dư luận quan tâm gần đây như biệt thự nhà ông Trần Văn Truyền… đều được người tướng già tập trung công sức, trí tuệ của mình để có những ý kiến vì đại nghiệp hùng cường đất Việt.

“Năm 2002, tôi nghỉ về chăm sóc vợ. Có vấn đề gì liên quan đến đất nước, Đảng, lợi ích của dân tôi đều có những văn bản kiến nghị lên Ban Bí thư. Tôi viết những suy nghĩ bên cạnh chiếc xe lăn của vợ đã 12 năm. Đấu tranh với những tiêu cực, sai trái trong Đảng chứ không phải đấu tranh với Đảng. Gần đây tôi có góp ý về vấn đề tham nhũng, giàn khoan Hải Dương 981, dự án trên đèo Hải Vân… Không có vấn đề gì liên quan đến quốc gia, biển, đảo… mà tôi không góp ý cả” - người tướng già cho biết.

Năm 2014 đầy khó khăn đi qua, đất nước vững bước tự tin bước vào năm mới với những dấu hiệu đầy may mắn kỷ niệm trọng thể 85 năm sinh nhật Đảng (3.2.1930 - 3.2.2015), 40 năm giang sơn thu về một mối (30.4.1975 - 30.4.2015)… trong lòng người tướng già lại khấp khởi lạ thường với dự cảm về tương lai sáng lạn của đất nước bước vào năm mới 2015.

Theo Lao Động