|
Những người livestream Trung Quốc sẽ phải tuân thủ thêm nhiều yêu cầu mới (ảnh Inside Retail Asia) |
Trang Fortune đưa tin, quy định mới của Trung Quốc yêu cầu người livestream các nội dung thuộc lĩnh vực y tế, tài chính, luật, giáo dục phải có trình độ chuyên môn của lĩnh vực đó. Các nền tảng livestream có trách nhiệm xem xét kiến thức chuyên môn của người phát livestream, phê duyệt nội dung của họ trước khi phát trực tuyến.
Ngoài ra, người livestream cũng phải đảm bảo nội dung phù hợp với định hướng chính trị, tuyên truyền công cộng, đảm bảo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, không được phỉ báng văn hóa truyền thống Trung Quốc, cũng như không được đe dọa đến an ninh quốc gia.
Những người ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng không được thể hiện sự kinh dị quá mức hoặc khiêu dâm, không được phô trương sự giàu có của mình. Họ không được cổ vũ việc hút thuốc hoặc uống rượu, thảo luận về các vụ bê bối hoặc buôn chuyện, không được tham gia vào các hoạt động gây lãng phí thực phẩm.
Các quy định nghiêm ngặt nói trên của chính phủ Trung Quốc có thể khiến cho nhiều người livestream nổi tiếng bị suy giảm doanh thu. Theo công ty tư vấn McKinsey, 10% doanh thu thương mại điện tử của Trung Quốc hiện nay đến từ các buổi livestream. Một người làm livestream giỏi có thể kiếm được hàng tỉ nhân dân tệ. Chẳng hạn như tại buổi phát trực tuyến vào tháng 11 năm ngoái, anh Austin Li Jiaqi (Lý Giai Kỳ) – người được mệnh danh là “vua son môi” của Trung Quốc – đã bán được hàng hóa trị giá 1,9 tỉ nhân dân tệ và thu hút 250 triệu người xem trong vòng 12 giờ trên nền tảng Taobao của Alibaba.
Việc livestream bán hàng ở Trung Quốc cũng không phải là bức tranh màu hồng. Năm ngoái, Trung Quốc đã phạt 4 người livestream nổi tiếng vì tội trốn thuế, trong đó có nữ hoàng livestream Huang Wei (Hoàng Vi), còn được biết đến dưới cái tên Viya (Vĩ Á), bị phạt 210 triệu USD (hơn 4.800 tỉ đồng). Vĩ Á đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. Hồi đầu tháng 6 này, nhà chức trách cũng đã đóng lại một buổi livestream của “vua son môi” sau khi anh này giơ một chiếc bánh kem có hình giống một chiếc xe tăng, chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Lý Giai Kỳ cũng không xuất hiện kể từ đó.
Những quy định chặt chẽ này của chính quyền Trung Quốc là giải pháp nhằm quản lý tốt hơn thị trường livestream đang phát triển như vũ bão ở quốc gia này, với hơn 700 triệu người xem và doanh thu 30 tỷ USD mỗi năm.