Trung Quốc xuống giọng về Luật Hải cảnh, Nhật vẫn cảnh giác sẵn sàng đối phó ở Senkaku

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong một động thái nhằm xoa dịu lo ngại của Tokyo về Luật Hải cảnh, phía Trung Quốc đã thông báo với Nhật rằng họ sẽ kiềm chế hoạt động ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng người Nhật vẫn sẵn sàng ứng phó.
Sau khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực hôm 1/2, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã 6 ngày đi vào vùng biển Senkaku với 14 lần chiếc (Ảnh: Đông Phương).
Sau khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực hôm 1/2, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã 6 ngày đi vào vùng biển Senkaku với 14 lần chiếc (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang VOA tiếng Trung ngày 14/3, một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản hôm thứ Bảy (13/3) cho biết, vào cuối tháng 2, Trung Quốc đã thông báo cho Nhật Bản rằng Bắc Kinh sẽ “duy trì sự tự kiềm chế đối với các tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản và tàu đánh cá Nhật Bản”hoạt động gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ họ hướng dẫn áp dụng thực hiện “Luật Hải cảnh” sau khi ban hành và có hiệu lực ngày 1/2/2021. Nhưng Trung Quốc cũng đồng thời nói với Nhật Bản rằng họ sẽ không ngừng các hành động ngăn cản tàu Nhật Bản đi vào vùng biển xung quanh các đảo này, bao gồm cả cái gọi là khu vực tiếp giáp bên ngoài hải phận Nhật Bản.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc, có hiệu lực vào ngày 1/2, cho phép lực lượng Hải cảnh nước này sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền. Việc Trung Quốc ban hành và thực thi Luật Hải cảnh đã làm dấy lên sự chỉ trích và quan ngại mạnh mẽ từ chính phủ Nhật Bản và Mỹ.

Nhật Bản phản ứng trước việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh, nói rằng chủ trương của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và khẳng định rằng quần đảo Senkaku không tồn tại vấn đề về chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết. Nhật Bản khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku.

Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc tiết lộ phương châm thực thi Luật Hải cảnh cho Nhật Bản có thể nhằm tránh xung đột tình cờ khiến cho tình hình trầm trọng thêm.

Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima :Nhật Bản không loại trừ việc sử dụng vũ lực trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku để đáp trả việc Trung Quốc thực hiện Luật Hải cảnh (Ảnh: Kyodo).

Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima :Nhật Bản không loại trừ việc sử dụng vũ lực trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku để đáp trả việc Trung Quốc thực hiện Luật Hải cảnh (Ảnh: Kyodo).

Chính phủ Nhật Bản hồi tháng trước bày tỏ, Nhật Bản có thể tiến hành “nổ súng gây nguy hại” vào các tàu công vụ nước ngoài có ý định đổ bộ lên quần đảo Senkaku.

Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima nói trong một cuộc họp báo, Nhật Bản không loại trừ việc sử dụng vũ lực trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku để đáp trả việc Trung Quốc gần đây bắt đầu thực hiện Luật Hải cảnh.

Sau khi Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku. Hãng Kyodo News dẫn số liệu của Cục Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết từ khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/2 đến ngày 12/3, các tàu công vụ của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải xung quanh Senkaku trong 6 ngày với tổng số 14 lần chiếc. Mỗi khi tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải, Nhật Bản đều phản đối Trung Quốc qua đường ngoại giao.

Tờ South China Morning Post ở Hồng Kông đưa tin, trong năm qua, 1.157 lượt chiếc tàu Trung Quốc đã đi vào khu vực tiếp giáp của quần đảo Senkaku trong phạm vi từ 12 đến 24 hải lý, tăng ít nhất 5% so với cùng kỳ năm 2019 và gần gấp ba số lần năm 2012.

Trong khi các hoạt động tuần tra của Hải cảnh và không quân Trung Quốc gia tăng, thì Nhật Bản đang gia tăng đầu tư phát triển quân sự. Tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly đưa tin, chính phủ Nhật Bản hồi tháng 2 đã hợp tác với hãng Mitsubishi Heavy Industries để phát triển một hệ thống tên lửa siêu thanh cho quân đội (Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, SDF), loại tên lửa này có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5). Trọng tâm ban đầu là phát triển thiết bị động cơ cho tên lửa. Đồng thời, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm tài chính 2021 bắt đầu từ tháng 4 dự kiến ​​sẽ tăng năm thứ 9 liên tiếp, đạt khoảng 51 tỷ USD.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng tranh chấp chủ quyền đối với hàng loạt đảo không người ở trên biển Hoa Đông đã khiến căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang, làm tăng nguy cơ đánh giá sai lầm trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng điều quan trọng là tất cả các bên cần tăng cường nỗ lực ổn định tình hình thông qua các thủ tục chung và các cuộc đối thoại thường xuyên được tất cả các bên chấp thuận.

Trước việc Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thực hiện “Luật Hải cảnh” và chỉ trích sự hiện diện của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc trong vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền; ngày 24/2 Trung Quốc đã gọi Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật là “sản phẩm của Chiến tranh Lạnh”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày rằng "Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật" là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không được làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba, càng không nên gây nguy hại cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Các tướng lĩnh Mỹ và Nhật gặp gỡ trao đổi về hợp tác quân sự (Ảnh: VOA).

Các tướng lĩnh Mỹ và Nhật gặp gỡ trao đổi về hợp tác quân sự (Ảnh: VOA).

Uông Văn Bân cũng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với một loạt các đảo nhỏ không có người ở hiện do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông. Ông ta nói: “Đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của chúng là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”.

“Luật Hải cảnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được thông qua vào cuối tháng 1 cho phép Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí. Luật này đã làm dấy lên lo ngại về những diễn biến ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Cục Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết các tàu Hải cảnh Trung Quốc sau đó đã liên tục đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các quan chức khác đã tuyên bố rằng quần đảo Senkaku thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với quốc phòng của Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật trong các cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nhật Bản ngay sau khi nhậm chức.

Điều 5 của Hiệp ước An ninh được Mỹ và Nhật Bản ký năm 1960 quy định rằng nếu lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản bị một quốc gia khác tấn công, Mỹ sẽ cùng hành động với Nhật Bản để “ứng phó với mối nguy hiểm chung”.