Giữa lúc tranh chấp đảo Trung – Nhật nóng lên, Hải quân Mỹ-Nhật tập trận chung nhằm vào Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang nóng lên, quân đội Mỹ đã huy động tàu sân bay cùng hải quân Nhật tiến hành tập trận chung ở Thái Bình Dương. Động thái này nhằm răn đe Trung Quốc.
Các tàu chiến của hải quân Mỹ và Nhật Bản diễn tập cung hôm 28/2 (Ảnh: HĐ7).
Các tàu chiến của hải quân Mỹ và Nhật Bản diễn tập cung hôm 28/2 (Ảnh: HĐ7).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 4/3 đưa tin, trang web của Hạm đội 7 của Mỹ ngày 3/3 ra thông báo cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và Lực lượng Phòng vệ biển (Hải quân) Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận song phương trên biển vào ngày 28/2.

Chỉ huy nhóm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) là Doug Verissimo cho biết, cuộc tập trận này sẽ giúp nâng cao khả năng hợp tác và tương tác giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.

Ông cũng nói: "Cam kết chung của chúng tôi với các đồng minh và đối tác là ưu thế độc đáo của chúng tôi trong việc duy trì sự ổn định và an ninh then chốt trên biển. Việc chúng tôi tiếp tục hợp tác chứng minh mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia vĩ đại chúng ta và chứng minh sức mạnh của trật tự xuất phát từ các quy tắc".

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt diễn tập với hải quân Nhật (Ảnh: HĐ7).

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt diễn tập với hải quân Nhật (Ảnh: HĐ7).

Tuyên bố nêu rõ, Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã thường xuyên hành động cùng nhau để tăng cường quan hệ song phương và thể hiện cam kết chung lâu dài. Trọng tâm của cuộc tập trận này là cải thiện khả năng tương tác và trình độ tác chiến của các tàu chiến.

Đa Chiều nhận xét, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gần đây đã nóng lên, và việc "Luật Hải cảnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" có hiệu lực đã khiến Nhật Bản lo ngại. Luật mới này đã có hiệu lực vào ngày 1/2.

Luật nêu rõ, phạm vi thực thi pháp luật của Hải cảnh Trung Quốc bao gồm vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng biển kinh tế, thềm lục địa và "các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Trung Quốc". Luật mới này cho phép các đơn vị Hải cảnh sử dụng nhiều loại vũ lực khác nhau, bao gồm súng cầm tay cá nhân, súng pháo trên hạm và thậm chí vũ khí trên máy bay nếu tàu nước ngoài đi vào vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc để tham gia các hoạt động sản xuất bất hợp pháp, không tuân theo lệnh dừng tàu hoặc từ chối để Hải cảnh Trung Quốc lên tàu kiểm tra, hoặc sau khi cảnh báo hết hiệu lực

Trực thăng Nhật hạ cánh xuống tàu sân bay Theodore Roosevelt (Ảnh: HĐ7)

Trực thăng Nhật hạ cánh xuống tàu sân bay Theodore Roosevelt (Ảnh: HĐ7)

Nhật Bản rất bất bình với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 8/2 đã thẳng thừng nói rằng luật này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi vào ngày 9/2 cũng phàn nàn với Mỹ về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, nói rằng họ "sẽ không bao giờ chấp nhận nó".

Đồng thời, theo tin của hãng tin Kyodo News của Nhật Bản ngày 25/2, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tại cuộc họp chung của nhóm quốc phòng và Ủy ban Điều tra An ninh của Đảng Dân chủ Tự do cùng ngày 25 rằng nếu tàu Hải cảnh Trung Quốc cố gắng đổ bộ lên quần đảo Senkaku, phía Nhật Bản có thể nhận định đây là "Tội ác nguy hiểm" và có thể “nổ súng gây nguy hại” vào đối phương.

Các tàu và trực thăng của hải quân Nhật diễn tập cùng cảnh sát biển (Ảnh: Dongfang).

Các tàu và trực thăng của hải quân Nhật diễn tập cùng cảnh sát biển (Ảnh: Dongfang).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby gần đây nói Mỹ công nhận rằng quần đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản và không giữ một lập trường cụ thể về vấn đề chủ quyền. Ông cũng cho biết, cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo và quan chức Mỹ - Nhật đã khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật và Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng.

Ngoài ra, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 4/3, việc Trung Quốc thực hiện "Luật Hải cảnh vào đầu tháng trước, cho phép sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài, đã làm dấy lên sự bất bình mạnh mẽ của Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ biển (Hải quân) và Cảnh sát biển Nhật Bản đã tiến hành diễn tập ở vùng biển phía tây Kyushu vào ngày thứ Tư (3/3) để đánh chặn bắt, kiểm tra các tàu khả nghi.

Tàu cảnh sát biển Nhật Bản (trắng) diễn tập cùng tàu hải quân hôm 3/3 (Ảnh: Dongfang).

Tàu cảnh sát biển Nhật Bản (trắng) diễn tập cùng tàu hải quân hôm 3/3 (Ảnh: Dongfang).

Lực lượng Phòng vệ biển đã điều động tàu khu trục nhỏ Sawagiri, tàu cao tốc mang tên lửa dẫn đường Otaka, hai máy bay trực thăng, và Cục Cảnh sát biển đã huy động các tàu tuần tra Aso và Phoenix. Cuộc diễn tập chung này giả định tình huống các tàu khả nghi đi đến các cơ sở quan trọng như nhà máy điện hạt nhân, Lực lượng Phòng vệ trên biển và Cảnh sát biển sẽ tiến hành các bài tập xác nhận và cùng truy đuổi mục tiêu cho đến khi đối phương dừng tàu.

Lực lượng Phòng vệ trên biển và Cảnh sát biển Nhật Bản đã tiến hành huấn luyện chung thường xuyên kể từ năm 1999 để đối phó với các tàu khả nghi tiếp cận vùng biển Nhật Bản. Truyền thông Nhật Bản dẫn một bài phân tích cho biết, cuộc diễn tập lần này nhằm kiềm chế các tàu công vụ của Trung Quốc đi vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.