Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân sát biên giới Việt Nam

Ngày 25.12 tờ Bangkok Post cho biết Thái Lan và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hợp tác trong một dự án năng lượng hạt nhân, xây nhà máy tại Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (miền Nam Trung Quốc), ngay sát biên giới với Việt Nam.
rung Quốc đang xây dựng rất nhiều nhà máy điện hạt nhân cùng lúc

Bắc Kinh đang có tham vọng phát triển và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của mình ra các nước trong khu vực, trị giá của những hợp đồng trong tương lại có thể lên tới hàng trăm tỉ USD.

Theo thỏa thuận vừa đạt được, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Trung Quốc (CGN), Tập đoàn Đầu tư Quảng Tây và Công ty phát điện Ratchaburi, một chi nhánh của Tổng công ty điện lực Thái Lan sẽ hợp tác thành lập liên doanh phát triển, xây dựng và vận hành giai đoạn số 2 của nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Phòng Thành.

Liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng hai lò phản ứng, mỗi lò có công suất tới 1.180MW và sẽ đưa vào hoạt động thương mại vào năm 2021.

Phòng Thành là thành phố cảng chỉ cách thành phố Móng Cái của Việt Nam có 45km. Trung Quốc dự tính sẽ thí điểm xây dựng lò hạt nhân thế hệ thứ 3 của mình là lò Hualong-1.

Trước đó, hồi tháng 5.2015, Trung Quốc cũng đã tiến hành xây dựng một nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò Hualong-1 tại tỉnh Phúc Kiến.

Một tuần trước, nhà nước Trung Quốc mới "bật đèn xanh" cho việc xây dựng lò phản ứng kiểu Hualong tại nhà máy điện hạt nhân ngay sát biên giới Việt Nam.

Lò phản ứng Hualong được thiết kế bởi CGN và Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc, đây là loại lò được cho rằng thiết kế hoàn toàn tại Trung Quốc và chưa hề được kiểm chứng về tính an toàn.

Phải đến năm 2020 khi nhà máy điện hạt nhân tại Phúc Kiến đi vào hoạt động thì người ta mới có thể khẳng định được tính an toàn của loại lò hạt nhân này. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn tăng tốc độ xuất khẩu loại lò hạt nhân này ra nước ngoài.

Dự án nói trên cũng được chính phủ Thái Lan ủng hộ nhằm mục đích đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ trong phát triển điện hạt nhân tại Thái Lan.

Đây cũng là một cơ hội để Trung Quốc mở rộng thị trường công nghệ điện hạt nhân đến khu vực ASEAN, sau khi nước này đã tiến hành đầu tư xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới trị giá 9 tỉ USD tại Anh.

Thiên Hà - Theo Bangkok Post, Một thế giới