Trung Quốc xây dựng Trung tâm nghiên cứu lượng tử lớn nhất thế giới

VietTimes -- Theo các nhà khoa học và các cơ quan chức năng tham gia dự án, Trung Quốc đang xây dựng cơ sở nghiên cứu lượng tử lớn nhất thế giới để phát triển một máy tính lượng tử và các dạng công nghệ "có tính cách mạng" khác mà quân đội có thể sử dụng để giải mật mã hoặc để điều khiển tàu ngầm tàng hình.
Phối cảnh Trung tâm nghiên cứu Thông tin Lượng tử tại Hợp Phì
Phối cảnh Trung tâm nghiên cứu Thông tin Lượng tử tại Hợp Phì

Trung tâm sẽ nâng cao khả năng giải mã cho lĩnh vực quân sự và dẫn đường cho các tầu ngầm tàng hình.

Theo các nhà khoa học và các cơ quan chức năng tham gia dự án, Trung Quốc đang xây dựng cơ sở nghiên cứu lượng tử lớn nhất thế giới để phát triển một máy tính lượng tử và các dạng công nghệ "có tính cách mạng" khác mà quân đội có thể sử dụng để giải mật mã hoặc để điều khiển tàu ngầm tàng hình.

Phòng thí nghiệm Quốc gia về Khoa học Thông tin lượng tử sẽ được đặt trên một khu vực rộng 37 hecta bên cạnh một hồ nước nhỏ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Theo tin từ nhật báo của chính quyền thành phố Hợp Phì số ra ngày thứ Năm vừa qua, các nhà thầu sẽ được mời tham gia đấu thầu xây dựng dự án vào tháng này.

Lễ động thổ xây dựng Trung tâmLễ động thổ xây dựng Trung tâm nghiên cứu Thông tin Lượng tử quốc gia tại Hợp Phì

Trong một diễn biến khác, theo Nhật báo  Anhui Business, ông Pan Jianwei, nhà khoa học lượng tử hàng đầu của Trung Quốc, người có vai trò then chốt của trong dự án, nói với các quan chức địa phương trong một cuộc họp vào tháng 5 rằng, công nghệ được phát triển tại Trung tâm sẽ được sử dụng ngay sau đó cho lực lượng vũ trang.

Khoa học Đo lường lượng tử tiến hành đo đạc các dao động nhỏ của các thông số vật lý như lực hấp dẫn với độ chính xác chưa từng có, có thể cải thiện đáng kể hoạt động của tàu ngầm tàng hình.

Một chiếc tàu ngầm với hệ thống dẫn đường lượng tử có thể hoạt động dưới nước trong hơn ba tháng mà không cần phải nổi lên mặt nước để định vị các tín hiệu vệ tinh.

Theo ông Pan, sau khi hoạt động trong 100 ngày dưới nước, thuyền trưởng vẫn có thể xác định được vị trí của tàu ngầm trên biển Thái Bình Dương với sai số chỉ vài trăm mét.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của phòng thí nghiệm là chế tạo máy tính lượng tử đầu tiên của quốc gia, có thể giải mật một tin nhắn được mã hóa chỉ trong vài giây.

"Kế hoạch của chúng tôi là vào năm 2020, hoặc có thể ngay trong năm tới, sẽ  giành được “ưu thế quyền lực lượng tử "với khả năng tính toán một triệu lần nhanh hơn so với tất cả các máy tính hiện có trên khắp thế giới kết hợp lại". Nhật báo Kinh doanh An Huy của chính quyền tỉnh trích lời ông Pan cho hay.

Hiện chưa rõ liệu máy tính có thể được sử dụng để phá mật mã hay không.

Dự án xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 năm rưỡi với ngân sách lên tới 76 tỷ nhân dân tệ (khoảng 11 tỷ USD).

Theo trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chủ sở hữu cơ sở mới này, công việc thanh toán giải phóng mặt bằng đã bắt đầu tiến hành với sự chấp thuận của Chính phủ trung ương từ tháng Hai.

Guo Guoping, một nhà nghiên cứu thông tin lượng tử thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở Hợp Phì, cho biết, một cơ sở lớn có nguồn lực từ trung ương có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách thu hút các nhà khoa học tài năng từ khắp nơi trên đất nước với kiến thức và kinh nghiệm của nhiều ngành khoa học để vượt qua nhiều trở ngại kỹ thuật và kỹ thuật.

Guo nhấn mạnh rằng, tại phòng thí nghiệm quốc gia, việc đánh giá các nhà nghiên cứu không phải là thông qua các bài báo khoa học mà họ công bố, mà là những đóng góp vào các mục tiêu cụ thể của dự án như xây dựng một máy tính lượng tử tổng hợp, đa mục đích.

Ông nói thêm: "Điều này nghe có vẻ hơi cũ, thậm chí là theo kiểu Xô viết, nhưng nó có thể đưa lại cho Trung Quốc một cơ hội để giành chiến thắng trong cuộc đua".

Trung Quốc đã tiến một bước dài với sự ra mắt của vệ tinh lượng tử năm ngoái và tiến hành một loạt các thí nghiệm tiên tiến như sự nhiễu động lượng tử và viễn tải trong không gian.

Tháng trước, mạng phân phối lượng tử dài nhất và tinh vi nhất thế giới để phục vụ giao tiếp cực kỳ an toàn giữa Bắc Kinh và Thượng Hải đã được thử nghiệm thành công và được coi là đã sẵn sàng cho việc triển khai chính thức trong quân đội, chính phủ và các ngành tài chính.

Guo cho biết lĩnh vực này đã tiến bộ nhanh chóng, nhưng việc xuất xưởng một máy giải mã vào năm 2020 là "khó có thể xảy ra".

Trong những năm tới, các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới có thể phát triển các máy tính lượng tử ban đầu để giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể.

Ví dụ, họ có thể mô phỏng sự di chuyển của các hạt ở cấp hạ nguyên tử để giải quyết một số vấn đề vật lý có thể dẫn tới việc tạo ra các loại vật liệu hoặc thuốc chữa bệnh mới.

Nhưng chúng vẫn không phải là các máy tính có mục đích chung có khả năng giải mật mã - ông Guo nói thêm.

Theo SCMP