Lâu nay, giới chuyên gia và dư luận các nước láng giềng của Trung Quốc thường xuyên bày tỏ lo ngại về tác động xấu từ các con đập và cơ sở thủy điện của nước này đến vùng hạ lưu.
Xả lũ gây tác hại lớn
Đối với những con đập trên thượng nguồn sông Hồng (nằm trong địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), các nhà bảo vệ môi trường lo ngại chúng làm xáo trộn môi trường sống của cá và các loài thủy sinh quan trọng, theo AFP. Ngoài ra, nhiều chuyên gia quốc tế rất quan ngại việc Trung Quốc tiến hành xả lũ mà không cung cấp đủ thông tin cần thiết hoặc vì ý định nào đó có thể gây tác hại lớn đến các nước ở hạ nguồn.
Tổ chức phi chính phủ International Rivers có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Cái giá thực sự của thủy điện luôn bị đánh giá thấp hoặc phớt lờ tại Trung Quốc”. Trên thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc đã cho xây một loạt nhà máy thủy điện lớn với sức chứa nước khổng lồ như Nhà máy thủy điện Madushan (Mã Đổ Sơn) với chiều cao thân đập là 105 m và chứa khoảng 551 triệu m3 nước, đập Nansha (Nam Sa), đập Jiasha (Kiết Sái) cùng khoảng 20 đập nước nhỏ khác.
Bên cạnh đó, hàng loạt đập nước trên sông Mê Kông do Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ nước này hoặc đầu tư xây dựng tại nước khác cũng bị đánh giá là có ảnh hưởng tai hại, gây ảnh hưởng lớn đối với những nước ở hạ nguồn sông Mê Kông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên trước đây, Giáo sư Carl Thayer (Úc) nói: “Hệ sinh thái của hạ lưu sông Mê Kông đang phải oằn mình gánh chịu những hệ lụy do những con đập trên mang lại. Nó ngăn chặn nguồn cung cấp phù sa cho ĐBSCL tại VN, ảnh hưởng đến sự di cư của các loài cá đẻ trứng”.
Tiến sĩ Richard Cronin thuộc Trung tâm Henry L.Stimson (Mỹ) cũng cho rằng: “Các con đập thượng nguồn sẽ thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông, đe dọa nghiêm trọng đến vựa lúa ĐBSCL và có khả năng khiến một số cụm dân cư nơi này trở thành nơi không thể cư trú được nữa”.
“Họ không nói thẳng là xả lũ”
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, thống kê chưa đầy đủ đến chiều 12.10, dù không gây thiệt hại về người nhưng lũ trên sông Hồng trong ngày 11.10 dâng cao gây ngập úng ở nhiều nơi. Cụ thể, tại các xã Quang Kim, Bản Qua và Trịnh Tường của H.Bát Xát lũ gây ngập nhiều diện tích trồng lúa, ngô của người dân. Còn ở khu vực biên giới ven sông Hồng trên tỉnh lộ 156, trong sáng 11.10 nước sông dâng cao làm ngập sâu khoảng trên 1 m khiến giao thông gián đoạn trong nhiều giờ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết đến 15 giờ ngày 12.10 mực nước sông Hồng mới rút xuống mức 79,25 m. Theo ông Hải, nếu đúng quy trình khi có thông tin cảnh báo, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai sẽ ra bản tin, thông báo bằng văn bản. Nhưng khi nhận tin Trung Quốc xả nước với lưu lượng lớn thì không còn đủ thời gian làm bản tin, cán bộ của trung tâm phải gọi điện thông báo trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh, cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, các trạm đo thủy văn. Ông Hải cho biết hằng năm khoảng từ tháng 6 - 10, Trung Quốc đều chia sẻ thông tin quan trắc thủy văn trên sông Hồng cho phía VN. “Còn trong đêm 11.10, lượng nước xả phía Trung Quốc báo cho VN tăng bất thường và mình phải ngầm hiểu là họ đang phải xả lũ để cảnh báo nhanh nhất cho các khu vực bị ảnh hưởng chứ họ không nói thẳng cho mình là họ đang xả lũ”, ông Hải nói.
Theo một cán bộ công tác tại Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, lũ trên sông Hồng dâng cao đột xuất ngày 11.10 với biên độ từ 4 - 6 m là tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Ngay sau khi có thông báo, cơ quan này phải cử người liên tục gọi điện trực tiếp đến lãnh đạo các huyện ven sông để cảnh báo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện ứng phó khi có diễn biến xấu.
“Sẽ không chỉ một lần”
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, cho rằng phía Trung Quốc có thông báo trước khi xả lũ là hành động tích cực. Với lượng xả 2.500 m3/giây, nếu trong mùa mưa khi sông Hồng đang đầy nước sẽ rất nguy hiểm cho phía VN. Nhìn từ vụ việc này, cơ quan chức năng phía VN cần có cảnh báo đến người dân ven sông nhận thức về những mối nguy hiểm tương tự sẽ có trong tương lai. Khi Trung Quốc đang có các công trình thủy điện trên thượng lưu, nếu có nhu cầu sửa chữa bảo dưỡng hoặc mưa lớn họ cũng cần phải xả lũ để giữ an toàn. Nhưng họ xả thời điểm nào, lưu lượng bao nhiêu phía VN cần phải biết để có cảnh báo kịp thời cho người dân ven sông chủ động phòng tránh trước các tình huống nguy hiểm.
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, nói sự việc này là bài học cảnh tỉnh cho VN trong câu chuyện hợp tác, trao đổi thông tin với Trung Quốc. Giống như sông Mê Kông, sông Hồng chảy qua nhiều quốc gia, trong đó 49% lưu vực nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, lại là vùng thượng lưu nên mỗi hành động can thiệp trên con sông này có thể gây ảnh hưởng cho các quốc gia phía hạ nguồn.
Ở sông Mê Kông có riêng một ủy ban hợp tác giữa các quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó có việc xả lũ, phòng chống thiên tai còn sông Hồng thì không có cơ quan này. Trong rất nhiều các quy định luật lệ, hiệp định quốc tế về nước, Trung Quốc không tham gia nên rất khó yêu cầu, ràng buộc về trách nhiệm quốc tế. Đơn cử như Công ước về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy được ký năm 1997 có đến 103 quốc gia là thành viên nhưng Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng, không tham gia.
Ông Tứ cũng cảnh báo, phía thượng nguồn Trung Quốc đang có 2 thủy điện lớn là Mudasan với công suất trên 550 triệu m3 và thủy điện Nansa với trên 200 triệu m3. Khi xảy ra mưa lớn, họ cũng có nhu cầu cần phải xả lũ để giữ an toàn cho công trình này. “Chắc chắn câu chuyện xả nước như vừa qua sẽ không chỉ có một lần. VN cần xúc tiến, tìm cách có được sự hợp tác chặt chẽ, thống nhất trong xử lý các tình huống rủi ro thiên tai thường niên với phía Trung Quốc trên sông Hồng, đặc biệt trong vào mùa mưa bão”, TS Tứ nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nói “chuyện Trung Quốc xã lũ ảnh hưởng đến VN không phải là chuyện bất ngờ, chúng tôi đã cảnh báo chuyện này từ rất lâu rồi” và cho rằng “giả sử họ có thông báo qua đường ngoại giao cho chúng ta biết thì chúng ta lại càng không có đủ thời gian để ứng phó”.
Ông Tuấn phân tích: “Liên tưởng đến một hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, đặc biệt là những đập ở gần VN tôi cảm thấy rất đáng lo. Khi có một đập nào đó xả lũ thì nó sẽ tạo nên một hiệu ứng domino cho cả hệ thống 12 đập và thiệt hại là vô cùng lớn. Hệ thống thủy điện đó đe dọa tương lai của cả ĐBSCL và VN. Nước trên sông Cửu Long có đến 80% được cung cấp từ bên ngoài, nếu xây dựng thủy điện chúng ta không kiểm soát được nguồn nước lại càng không kiểm soát được rủi ro có thể xảy ra, đó là điều chắc chắn. Nếu để cho các nước thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng hệ thống đập đó chúng ta sẽ đối diện những nguy cơ về rủi ro mà không có cách nào có thể khắc phục được. Chính vì vậy từ bây giờ nhà nước nên tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ đó, không để tình trạng xây dựng đập tràn lan vô tội vạ như hiện nay được. Tôi nghĩ rằng hiện nay việc Trung Quốc xả lũ gây thiệt hại cho VN là một bài học rất có giá trị để chúng ta có thể tránh những sai lầm có thể lặp lại ở ĐBSCL. Tôi vẫn tin rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu chúng ta cứ im lặng và để hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông hình thành thì mai mốt có lên tiếng khi phải gánh chịu rủi ro cũng là chuyện đã quá muộn”.
Theo Thanh niên