Trung Quốc và Campuchia ký thỏa thuận ngầm cho phép Hải quân Trung Quốc sử dụng quân cảng của Campuchia?

VietTimes -- Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép lực lượng vũ trang của họ sử dụng một căn cứ hải quân của Campuchia, trong lúc mà Bắc Kinh đang ra sức tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự của họ trên toàn cầu - theo các quan chức Mỹ hiểu biết về vấn đề này.
Căn cứ hải quân Ream ở Campuchia (Ảnh: KhmerTimes)
Căn cứ hải quân Ream ở Campuchia (Ảnh: KhmerTimes)

Theo Wall Street Journal, thỏa thuận trên - được ký kết từ mùa Xuân năm nay nhưng không được bên nào công khai - cho phép Trung Quốc quyền được sử dụng một căn cứ hải quân của Campuchia nằm trên Vịnh Thái Lan, nằm cách không xa một sân bay lớn hiện đang được một công ty Trung Quốc xây dựng.

Một số chi tiết về thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa rõ. Nhưng theo một bản dự thảo thỏa thuận mà giới chức Mỹ thu được, thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân trong vòng 30 năm, và sẽ được làm mới cứ sau mỗi 10 năm. Trung Quốc sẽ được phép triển khai nhân sự, dự trữ vũ khí và neo đậu chiến hạm ở căn cứ hải quân này.

Theo giới phân tích, các chiến dịch quân sự được triển khai từ căn cứ hải quân này, hoặc sân bay gần đó, sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ và cả lợi ích kinh tế trên khu vực Biển Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, và mở rộng tầm ảnh hưởng trên eo biển chiến lược Malacca.

Giới chức của cả Trung Quốc và Campuchia đều lên tiếng bác bỏ về bất cứ kế hoạch nào cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân ở Campuchia. "Không có điều gì như vậy xảy ra cả" - ông Phay Siphan, một phát ngôn viên Chính phủ Campuchia, hồi tuần trước khẳng định. Ông còn gọi đây là "thông tin giả".

Tuy nhiên, giới chức Mỹ và các nước đồng minh cho rằng một thỏa thuận đã được hai bên bí mật ký kết. Họ cũng cho rằng một căn cứ quy mô đầy đủ của Trung Quốc ở Campuchia sẽ cho phép Bắc Kinh sở hữu một căn cứ hải quân ở Đông Nam Á và một đồn trú thứ hai mà Lầu Năm Góc xem là để thúc đẩy tham vọng mở rộng mạng lưới quân sự toàn cầu của Bắc Kinh.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy các hoạt động chuẩn bị đang diễn ra tại căn cứ Ream (Ảnh: WSJ)
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy các hoạt động chuẩn bị đang diễn ra tại căn cứ Ream (Ảnh: WSJ)

Washington "quan ngại rằng bất kỳ bước đi nào của Chính phủ Campuchia nhằm giúp cho quân đội một nước ngoài hiện diện ở Campuchia" sẽ gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực - Emily Zeeberg, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, cho hay.

Được bao bọc bởi rừng rậm và một rừng cây đước, căn cứ hải quân Ream bao phủ diện tích 190 hecta, bao gồm 2 cơ sở được xây dựng với vốn đầu tư của Mỹ và hiện đang được hải quân Campuchia sử dụng. Căn cứ này cũng có một khu cảng là nơi neo đậu của hàng chục tàu tuần tra.

Theo bản dự thảo thỏa thuận giữa hai bên, Trung Quốc sẽ phụ trách xây dựng thêm 2 cảng mới - một để Trung Quốc sử dụng, một để Campuchia sử dụng - giới chức Mỹ cho hay. Họ cũng cho rằng, căn cứ này sẽ còn cần phải cải tạo nhiều hơn để đủ khả năng tiếp nhận các chiến hạm hải quân cỡ lớn của Trung Quốc.

Dự thảo thỏa thuận cũng nêu rõ, nhân sự phía Trung Quốc được phép mang theo vũ khí, hộ chiếu Campuchia, và phía Campuchia cần được phía Trung Quốc cho phép mới có thể đi vào khu vực 62 hecta mà Trung Quốc quản lý ở căn cứ Ream.

Trong khi đó, các cơ sở mà Mỹ rót vốn xây dựng ở Ream sẽ được dịch chuyển ra nơi khác để "phát triển cơ sở hạ tầng, cả thiện an ninh" ở căn cứ này - theo một bức thư mà Bộ Quốc phòng Campuchia gửi tới Mỹ trong tháng 7 này.

Trung Quốc đang đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor ở Campuchia (Ảnh: WSJ)
Trung Quốc đang đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor ở Campuchia (Ảnh: WSJ)

Giới chức Mỹ cũng đang tranh luận xem liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh thay đổi quyết định về Ream hay không. Một số quan chức và chuyên gia phân tích tin rằng, Mỹ đang đưa ra quá nhiều "cây gậy" trong mối quan hệ với Campuchia, thường xuyên chỉ trích Chính phủ nước này về vấn đề nhân quyền, trong khi lại không đưa ra đủ "cà rốt".

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ mong muốn Campuchia trở thành một "đối tác an ninh" của họ, nhưng các quan chức khác lại cho rằng, dường như Phnom Penh đang nghiêng về phía Bắc Kinh. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận nào về sự việc này.

Mỹ và các đối tác đồng minh hiện đang vận động hành lang Campuchia để nước này cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng sân bay mới đang được xây dựng ở Dara Sakor, cách Ream khoảng 40 dặm về phía Tây Nam. Sân bay này được xây dựng bởi một công ty tư nhân Trung Quốc với thỏa thuận thuê lại 99 năm.

Một số bức ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy việc xây dựng ở sân bay này diễn ra nhanh chóng trong năm ngoái. Khu vực này giờ có một đường băng dài 2 dặm - đủ lớn để đáp các mẫu Boeing 747 và Airbus A380, hay các máy bay ném bom tầm xa và máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc.

Giới chức Mỹ cho rằng sân bay Dara Sakor sẽ được sử dụng vì mục đích quân sự (Ảnh: WSJ)
Giới chức Mỹ cho rằng sân bay Dara Sakor sẽ được sử dụng vì mục đích quân sự (Ảnh: WSJ)

Theo giới chức Mỹ, các hình ảnh trên còn cho thấy quá trình chuẩn bị để giúp đường băng này thực hiện được những cú cất/hạ cánh nhanh của máy bay quân sự, đặc biệt là tiêm kích. Công ty xây dựng sân bay này từn tuyên bố rằng, cơ sở mà họ xây dựng chỉ mang mục đích thương mại. Chiến đấu cơ cất cánh từ Dara Sakor có đủ khả năng thực hiện đòn tấn công các mục tiêu ở nhiều quốc gia láng giềng.

Trung Quốc triển khai tiền đồn quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, Đông Phi, vào năm 2017. Căn cứ được mô tả nhằm hỗ trợ các sứ mệnh an ninh ở Ấn Độ Dương và châu Phi. Kể từ năm 2014, Trung Quốc còn ngang ngược tăng tốc xây dựng 7 đảo nhân tạo trái phép trên các thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp phản đối của khu vực và quốc tế. Nước này còn đưa vũ khí và quân sự hóa các đảo nhân tạo, với 3 trong số đó đã có đường băng quân sự. Một tiền đồn quân sự ở Campuchia sẽ tiếp tục tăng cường tầm ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc trên toàn cầu.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bác bỏ kế hoạch cho phép quân đội Trung Quốc đồn trú ở nước này vào tháng 11 năm ngoái, sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence viết thư cho ông để thể hiện quan ngại về vấn đề này. Phía Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua cũng bác bỏ thông tin cho rằng Bắc Kinh đang thiết lập hiện diện quân sự ở Campuchia.

Nhưng cần nhớ rằng, thời điểm trước khi Trung Quốc mở cửa tiền đồn ở Djibouti, cái mà họ gọi là một "cơ sở hỗ trợ hậu cần" hải quân, Bắc Kinh vẫn bác bỏ thông tin cho rằng họ có kế hoạch mở căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Kết hợp các cơ sở ở Campuchia với các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á, "cơ bản là sẽ có một hành lang tam giác có khả năng bao phủ toàn bộ đất liền của Đông Nam Á" - Charles Edel, cựu cố vấn ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo về các căn cứ của Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal