Báo Úc: Trung Quốc sẵn sàng đối đầu quân sự với Mỹ (video) (II)

VietTimes -- Ngày 12.07.2016, Tòa án Trọng tài Thường trực Lague đưa ra phán quyết về tranh chấp Trung Quốc - Philipines. Sau phán quyết bất lợi này, Bắc Kinh có thể sẽ tiến hành các động thái quyết đoán hơn trên Biển Đông, Mỹ và đồng minh sẽ đối phó thế nào với những thách thức mới của Trung Quốc? - Newcom.au phân tích.
Khu trục hạm Mỹ USS Lassen thực hiện sứ mệnh "tự do hàng hải" trên Biển Đông
Khu trục hạm Mỹ USS Lassen thực hiện sứ mệnh "tự do hàng hải" trên Biển Đông

Trung Quốc sẵn sàng đối đầu quân sự với Mỹ

(tiếp theo kỳ trước)

Trung Quốc sẽ bị cô lập trên Biển Đông?

Tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, cảnh báo Mỹ về cái "giá" phải trả cho "sự can thiệp" ở Biển Đông.

"Có một giới hạn cuối cùng cho mọi vấn đề, và một mức giá phải trả nếu vượt qua giới hạn đó",  bài xã luận đăng trên Nhân dân Nhật báo viết. "Nếu Mỹ, bất chấp tất cả lựa chọn chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, gây áp lực và đe dọa quốc gia khác, sẽ chỉ đưa đến một kết quả, đó là Mỹ phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho sự gia tăng căng thẳng có thể tiếp tục trên Biển Đông.

"Trung Quốc kiên định như sắt đá trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trung Quốc không ham muốn những gì không thuộc về mình, nhưng sẽ đảm bảo an ninh cho mỗi tấc đất chủ quyền như", tờ báo tuyên bố.

Tháng 2.2016, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, kêu gọi Mỹ "chấm dứt kích động trong các vấn đề Biển Đông, ngừng thổi phồng căng thẳng và làm việc có tính xây dựng cho hòa bình và ổn định khu vực".

Bà Hoa nói thêm: "việc Trung Quốc triển khai có giới hạn hạ tầng cơ sở và tranh thiết bị quốc phòng trên khu vực “lãnh thổ của mình” là những hoạt động của quyền tự vệ mà một quốc gia có chủ quyền được hưởng theo luật pháp quốc tế. Không có vấn đề gì liên quan đến quân sự hóa. Đây là vấn đề hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn chính đáng và hợp pháp".

Lập trường hung hăng của Bắc Kinh trong quan điểm đòi hỏi “chủ quyền lãnh thổ” bằng những “chứng cứ lịch sử mơ hồ” và sức mạnh quân sự đã đẩy cộng đồng xã hội Trung Quốc đứng trên bờ vực của sự cực đoan, và hầu như không có đường lùi, tờ báo Úc đánh giá.

Trung Quốc đang thực hiện bồi đắp đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt

Ráo riết quân sự hóa Biển Đông

Năm 2013, Philipines đã tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài Thường trực Hague (PCA), một tháng sau khi các lực lượng chấp pháp và dân sự Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn bãi cạn Scarborough, cách bờ biển của Philippines chỉ khoảng hơn 100 hải lý.

Philippines đưa ra yêu cầu PCA phán quyết về một số vấn đề, trong đó có tuyên bố gây tranh cãi "đường chín đoạn" ngang ngược của Trung Quốc - một vùng ranh giới mà Bắc Kinh tự đặt ra quyền kiểm soát chiếm phần lớn diện tích Biển Đông.

Những hành động quyết đoán ngày càng tăng cùng với việc gia tăng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông gây khó khăn rất lớn cho những hoạt động dân sự không chỉ với các nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc, mà cả với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Sự hiện diện các phương tiện chiến tranh hiện đại sẽ cho phép siêu cường châu Á này theo dõi tất cả các phương tiện bay trên Biển Đông, kiểm soát hoạt động tàu thuyền trên tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới đến tận eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia.

Biển Đông cũng là một ngư trường giàu có và đáy biển có trữ lượng dầu khí vô cùng lớn.

Diện tích của Biển Đông khoảng 3,5 triệu km2 và được bao bọc bởi các quốc gia ven biển là Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Đây là vùng biển vô cùng quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Úc do phần lớn những hoạt động thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra trên vùng biển này.

Các đài radar của quân đội Trung Quốc hoạt động tương tự như hệ thống radar ngoài đường chân trời Jindalee Australia, thu bức xạ sóng radar dội lại tầng điện ly. Bằng các radar này, quân đội Trung Quốc có thể phát hiện được cả các máy bay tàng hình siêu hiện đại của Mỹ như B2 Spirit, F-22 Raptor và F-35.  

Trong mọi tình huống khác nhau, không quân Trung Quốc có thể đưa các máy bay tiêm kích sử dụng thiết bị quang hồng ngoại phát hiện mục tiêu đánh chặn nhằm vô hiệu hóa các máy bay tàng hình tương tự như đã từng làm với các máy bay thông thường của Mỹ

"Đây là một tình huống gây căng thẳng hơn tất cả những gì đã có trên Biển Đông," ông Poling từ CSIS nhận xét . "Việt Nam kiểm soát 27 đảo nổi và chìm nhưng theo một phương pháp ít gây khó khăn hơn nhiều.

"Có thể thấy rõ ràng rằng, Trung Quốc đang hành động để hướng tới mục đích thiết lập một sự đã rồi, kể cả không hợp pháp, nhằm kiểm soát khu vực này."

Trong khi các nước khác vẫn đang kiểm soát các đảo quanh đó trên quần đảo Trường Sa, khả năng tiếp tế và khai thác thủy hải sản trong khu vực sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh sẽ quyết định ai khai thác và khai thác thế nào?

Tài nguyên khoáng sản và nhiên liệu tự nhiên sẽ trở thành các vấn đề mà quốc gia này có thể thương lượng với các nước khác trên thế mạnh nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế và công nghiệp.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tháng 11.2013 Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông bằng phương pháp áp đặt vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên vùng biển bao gồm cả các quần đảo mà Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Một trò chơi quyền lực tương tự có thể được thực hiện nhằm kiểm soát không phận trên Biển Đông.

Việt Nam và Philippines đã thiết lập các tiền đồn nhỏ trên các đảo đang kiểm soát như bãi cạn Scarborough như một biện pháp chống những tuyên bố “phi pháp”. Trung Quốc có thể sử dụng các lực lượng bán vũ trang như dân quân biển, các tàu vỏ trắng bao vây phong tỏa và thậm chí có những hành động xâm lấn nhằm khẳng định thêm những đòi hỏi phi lý của Bắc Kinh.

Việc tuyên bố thiết lập khu vực ADIZ trên Biển Đông có thể sẽ dẫn đến nhưng cuộc “xung đột không chủ ý” với các quốc gia khác, tương tự như khi Bắc Kinh tỏ ra tức giận khi máy bay chiến đấu thực hiện sứ mệnh ADIZ bị chặn bởi không quân Nhật Bản.

Theo nhận định của Viện Lowy: Với những động thái ngày càng tăng như vậy, Úc có thể chịu áp lực từ phía Mỹ để gia tăng sự hiện diện có thể gây sự chú ý trên Biển Đông, thực hiện sứ mệnh “tự do hàng hải”.

Randy Forbes, thượng nghị sí đảng Cộng hòa bang Virginia, thuộc Ủy ban quân vụ, tiểu ban Lực lượng viễn chinh và Hải quân cho biết thế giới đang chờ đợi để thấy được, liệu Trung Quốc cư xử như một cường quốc có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế.

"Những gì chúng ta làm - hoặc không làm - để hỗ trợ đồng minh của chúng ta và hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế trong những tuần tới sẽ gây tiếng vang trong khu vực và lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thế giới," Thượng nghị sĩ Forbes cho biết.

Tiến sĩ John Blaxland, chuyên gia về chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học quốc gia Úc, cho biết: "Chúng ta đang đối mặt với những đám mây đen kéo đến từ chân trời và thật khó tìm thấy một lối thoát khỏi tình huống này một cách hòa binh."

Tiến sĩ Blaxland nhận xét: Khi  Úc, Mỹ và châu Âu đang bị phân tâm bởi những hoạt động chính trị trong nước, Trung Quốc có thể lợi dụng cơ hội này để tiến hành chiếm và bồi đắp trên bãi cạn Scarborough.

Nếu Trung Quốc thành công đánh chiếm bãi cạn Scarborough, sẽ hình thành  "tam giác căn cứ chiến lược", xuất phát từ các tiền đồn này có thể thống trị Biển Đông.

"Tại thời điểm này, Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để theo đuổi lợi ích chiến lược mà không thực sự gây ra một cuộc chiến tranh do Trung Quốc tự tin rằng không quốc gia nào có đủ tiềm lực quân sự ngăn chặn hoặc đẩy lùi", Tiến sĩ Blaxland nhận xét.

Ông Blaxland cho rằng: Mối quan tâm của Úc sau khi có phán quyết của Tòa án không phải là bên nào thắng vụ kiện mà Úc phải làm việc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ Luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy Tiến sĩ Euan Graham nhận định rằng: phán quyết của Tòa án quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với những gì thuộc về "trật tự quốc tế".

"Úc có được nhiều lợi ích hơn hẳn các nước nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế," Tiến sĩ Graham nói, ông cho rằng: “đây có thể là chủ nghĩa biểu tượng mà dựa vào đó Trung Quốc có thể sẽ rút lại những hành động biểu dương sức mạnh và trở về một vị trí nào đó phù hợp với luật pháp quốc tể, hoặc sẽ tự động rút khỏi hệ thống luật pháp quốc tế mà sau đó chúng ta sẽ ở một tình huống tồi tệ hơn nhiều”.

Một vấn đề vẫn chưa rõ ràng, những động thái mới của Trung Quốc nhằm mục đích quân sự hóa các vùng lãnh thổ tranh chấp có thể dẫn đến việc Mỹ triển khai các lực lượng quân sự trên Biển Đông như một biện pháp đáp trả. Nếu xảy ra tình huống này, Úc sẽ phải tham gia trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Phán quyết Biển Đông - Bài học từ Vạn lý Trường thành

TTB